Huang Wenyi
Huang Wenyi là chủ tịch của China Jicheng Holdings, một công ty sản xuất ô có trụ sở tại Hong Kong, với 75% cổ phần thuộc sở hữu của ông và vợ là bà Chen Jieyou. Trong một đợt suy giảm thị trường chứng khoán gần đây, cổ phiếu của công ty ông đã giảm khoảng 91% chỉ trong hai ngày, làm mất đi 1,9 tỷ đô la Mỹ so với tài sản cá nhân của ông.
Sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán Hong Kong khiến nhiều công ty khác mất hàng tỷ đồng trong một chớp mắt như vậy.
Alberto Vilar
Alberto Vilar là một cựu giám đốc đầu tư tại Hoa Kỳ. Ông từng kiếm được hàng tỷ USD thông qua công ty đầu tư Amerindo Investment Advisors của mình. Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty của Vilar có giá trị tài sản ròng ước tính là 1 tỷ đô la Mỹ.
Nhưng vào năm 2000, một đợt bán tháo dữ dội trên thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng nặng nề đến tình trạng tài chính của cả cá nhân ông và công ty. Sau đó, vào năm 2005, Vilar bị vạch tội gian lận chứng khoán và gian lận điện nên trắng tay tất cả, từ sự nghiệp tới công danh.
Adolf Merckle
Adolf Merckle thất bại trong vụ đánh cược liều lĩnh và trở thành kẻ trắng tay một cách đau đớn. Ảnh: SCMP
Adolf Merckle từng là một trong những người giàu nhất nước Đức với tài sản cá nhân khoảng 12,8 tỷ USD. Ông Merckle bắt đầu tập trung xây dựng doanh nghiệp gia đình sau khi nhận kế thừa công ty từ năm 1967 với 80 nhân viên. Công ty này được thành lập từ năm 1881, bởi ông nội của Adolf Merckle. Nhờ nắm bắt tốt các thời cơ quan trọng, trong các thập niên sau đó, Adolf Merckle đã không ngừng đưa công ty dược của gia đình phát triển mạnh mẽ, trở thành một đế chế tầm cỡ thế giới bao gồm 120 công ty, sử dụng 100.000 nhân viên với doanh thu khoảng 30 tỉ euro.
Giống như những người khác trong danh sách này, Merckle cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008 khiến ông mất khoảng 3,6 tỷ USD. Thời điểm đó, bất chấp khoản lỗ lớn, ông vẫn là một trong năm người đàn ông giàu nhất nước Đức.
Nhưng đến cuối năm 2008, công ty đầu tư VEM của ông tiếp tục đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng và báo lỗ thêm 6 tỷ đô la Mỹ. Để bù đắp, Merckle đã chơi một “canh bạc lớn” bằng cách thực hiện một loạt các khoản đầu tư mạo hiểm. Canh bạc là một chuỗi thất bại đau đớn khiến ông còn tay trắng hơn nữa, cuối cùng thậm chí đã mất cả tính mạng.
Vijay Mallya
Hình ảnh Vijay Mallya. Ảnh: SCMP
Vijay Mallya là một doanh nhân Ấn Độ, từng được mệnh danh là “giàu nhất quốc gia” sau khi tiếp quản công ty cỡ trung của cha mình ở tuổi 28. Rắc rối của ông bắt đầu khi hãng hàng không Kingfisher Airlines của ông bắt đầu nợ nần liên tục. Ông nhanh chóng mất quyền kiểm soát đối với công ty và bị buộc phải từ chức chủ tịch. Mất tất cả chỉ còn khoản nợ hàng triệu đô la, Mallya đã phải sang quốc gia khác tị nạn.
Seán Quinn
Seán Quinn từng là người giàu nhất Ireland nhưng nhanh chóng phá sản sau vài năm. Ảnh: SCMP
Seán Quinn, người từng là người giàu nhất Ireland với giá trị tài sản ròng khoảng 6 tỷ USD vào năm 2005, là doanh nhân nắm giữ công ty Quinn Group. Ông cũng mua cổ phần trong nhiều công ty đa quốc gia khác nhau bao gồm Bupa Ireland và Anglo Irish Bank.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tấn công mạnh mẽ vào hệ thống ngân hàng Ireland khiến Quinn đã mất gần như toàn bộ tài sản của gia đình mình. Năm 2008, một trong những doanh nghiệp của ông, Quinn Insurance, đã bị Cơ quan quản lý tài chính của Ireland phạt 3,25 triệu euro (3,6 triệu đô la Mỹ) vì các khoản cho vay nội bộ do công ty bảo hiểm Quinn phát hành.
Với nhiều vụ việc kiện tụng, thanh lý, nộp phạt và nợ nần, Quinn cuối cùng đã nộp đơn phá sản cá nhân vào năm 2011, trở thành kẻ trắng tay hoàn toàn.
Elizabeth Holmes
Elizabeth Holmes trắng tay hoàn toàn chỉ sau một thời gian rất ngắn. Ảnh: SCMP
Elizabeth Holmes, một nhà phát minh và doanh nhân người Mỹ, đã trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất vào năm 2015 sau khi Theranos - Công ty chuyên về công nghệ chăm sóc sức khỏe của cô được định giá ở mức 9 tỷ đô la Mỹ, kiếm được lợi nhuận kếch xù. Holmes ngay lập tức trở thành một nhân vật danh tiếng khi có tên trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2015 của Times.
Tuy nhiên, vào năm 2016, sau một loạt các điều tra về tính xác thực của những tuyên bố mà Holmes đưa ra, công nghệ thử nghiệm máu của cô đã vấp phải nhiều nghi vấn. Những cáo buộc này đã nhanh chóng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và tài sản cá nhân của cô.
Chỉ sau 1 năm, Forbes đã thay đổi đánh giá giá trị tài sản cá nhân của cô về con số 0 và Fortune gọi Holmes là một trong những “nhà lãnh đạo đáng thất vọng nhất thế giới”. Cô cũng bị cấm đảm nhận bất kỳ vị trí nào trong công ty của mình trong hai năm bởi Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid.
Björgólfur Guðmundsson
Björgólfur Guðmundsson cũng là một “nạn nhân” trắng tay vì khủng hoảng năm 2008. Ảnh: SCMP
Trong cuộc khủng hoảng ngân hàng 2007 - 2008, Iceland là quốc gia bị ảnh hưởng nhất trên thế giới. Mọi chuyện bắt đầu khi cả ba ngân hàng lớn của Iceland vỡ nợ vào cuối năm 2008, điều này đã tạo ra tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị lớn ở Iceland kéo dài trong ba năm liên tục sau đó.
Lúc đó, ông Björgólfur Guðmundsson đang là người giàu thứ hai ở Iceland trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra. Ông là người đã giành được khoảng 45% cổ phần của Landsbanki - một trong ba ngân hàng lớn nhất - vào năm 2002.
Theo Forbes, vào tháng 3 năm 2008, Guðmundsson được xếp hạng 1.014 trong danh sách của những người giàu nhất trên toàn thế giới, với tổng tài sản trị giá 1,1 tỷ đô la Mỹ.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính, Guðmundsson mất chức chủ tịch Landsbanki vào năm 2008 và tuyên bố phá sản một năm sau đó. Trong vòng chưa đầy một năm, tài sản cá nhân của ông đã giảm từ 1,1 tỷ đô la Mỹ xuống còn 0.
Mặt khác, con trai của ông là Thor Bjorgolfsson, người cũng mất toàn bộ tài sản trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008, thì đủ bản lĩnh để lấy lại vị thế tỷ phú của mình vào năm 2015. Thor là tỷ phú duy nhất của Iceland cho đến nay.
Eike Batista
Doanh nhân Brazil Eike Batista đã kiếm được và sau đó mất đi khối tài sản trị giá hàng tỷ đô la trong ngành khai thác và thăm dò dầu trong khoảng thời gian hai thập kỷ. Với khối tài sản cá nhân trị giá 30 tỷ USD vào năm 2011, Batista từng trở thành người giàu thứ tám trên trái đất và là người giàu nhất quốc gia Brazil. Lúc đó, tỷ phú giàu nhất thế giới là ông trùm truyền thông Carlos Slim Helu, người Mexico, có tổng tài sản là 74 tỷ USD.
Doanh nhân Brazil Eike Batista từng sở hữu khối tài sản lên tới 30 tỷ USD năm 2011. Ảnh: thedailybeast
Dấu hiệu cho sự thất bại của ông bắt đầu từ sự sụp đổ bất ngờ trong ngành khai thác mỏ. Sau đó, một trong những công ty lớn nhất của Eike Batista là OGX cũng sụp đổ theo. Vị doanh nhân chịu ảnh hưởng nặng nề từ đó.
Chỉ sau đó hai năm, vào năm 2013, Forbes đã thông báo rằng, Batista đã mất gần 20 tỷ USD trong thời gian một năm ngắn ngủi.
Tiếp sau đó một năm, do nợ nần chồng chất và cổ phiếu công ty liên tục rớt giá, tài sản cá nhân của ông đã giảm mạnh từ 200 triệu đô la Mỹ xuống mức âm.