Theo các chuyên gia tâm lý học, trẻ em ở độ tuổi từ 1 - 3 tuổi thường xuyên có hành động la hét, ăn vạ trước mặt cha mẹ khi chúng cáu gắt. Những hành vi tiêu cực này thường xuyên khiến cha mẹ đau đầu. Trên thực tế, đứa bé sau 3 tuổi mới có thể dần dần học cách kiểm soát những hành vi tiêu cực này. Cha mẹ phải đối mặt với tình trạng trẻ ăn vạ, thích la hét khi tức giận như thế nào?
Theo đó, các chuyên gia đã chỉ ra những tuyệt chiêu giúp cha mẹ chấm dứt tình trạng ăn vạ, la hét của con như sau:
Giai đoạn trẻ 1-2 tuổi, cha mẹ nên chủ động xoa dịu , không nên đối đầu trực diện với trẻ
Trẻ ở giai đoạn 1 -2 tuổi khi khó chịu điều gì sẽ dùng tiếng khóc, tiếng la hét để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Lúc này, phụ huynh càng nhạy cảm, càng phản ứng gay gắt thì trẻ càng la hét và phản ứng tiêu cực hơn.
Có 2 điều mà phụ huynh nên làm khi bé phản ứng tiêu cực:
1. Giúp con bộc lộ cảm xúc
Hãy từ từ "xoa dịu" con bằng những câu nói nhẹ nhàng, ví dụ: "Ba mẹ biết con đang rất khó chịu, đúng không? Được rồi, đừng khóc, ba mẹ ôm con nhé, đừng khóc",...
Những lời nói "dỗ dành" này giúp trẻ được "xoa dịu" cảm xúc và cũng giúp trẻ bình tĩnh hơn. Sau đó, hãy quan sát trạng thái của trẻ và tiếp tục dỗ dành nếu con vẫn cảm thấy khó chịu.
2. Đừng đối đầu với bé, hãy giúp chúng điều chỉnh cảm xúc
Hãy dùng giọng điệu nhẹ nhàng, động viên, kết hợp với các biện pháp xoa dịu tinh thần như ôm con vào lòng, thể hiện sự đồng cảm với con để con cảm thấy được "giải tỏa", được cha mẹ yêu thương. Sau đó, hãy lắng nghe mong muốn của con và từ từ định hướng cho con phải làm thế nào mới đúng đắn. Cha mẹ "đối phó" theo cách này sẽ dễ dàng kết nối với bé hơn thay vì đối đầu, la mắng và bỏ mặc chúng.
Giai đoạn 2: trẻ 3-6 tuổi, cho trẻ tập thể hiện và kiềm chế cảm xúc
Hầu hết trẻ em ở giai đoạn này đều đã đến trường mẫu giáo. Vì thế, khi rơi vào tình huống trên, cha mẹ nên cho con mình được bộc lộ nhiều cảm xúc và định hướng cho con nên làm gì khi gặp phải tình huống này. Theo đó, cha mẹ có thể sử dụng "nhiệt kế cảm xúc" bao gồm 5 tầng để giáo dục cho bé.
Khi con hạnh phúc: hãy thường xuyên nói với con mình: "Con giống như ánh mặt trời vậy, vì thế mọi người đều yêu quý con nên hãy vui vẻ mỗi ngày nhé".
Khi con khó chịu: khi rơi vào cảm xúc này chắc chắn sẽ rất khó chịu. Cha mẹ hãy cùng con tìm ra hướng giải quyết vấn đề và lắng nghe con.
Khi con chán nản: khi con chán nản vì một vấn đề nào đó không như ý muốn, trước tiên hãy khuyến khích con uống một chút nước, làm một điều gì đó để con cảm thấy thoải mái hơn. Sau đó, hãy quay trở lại và từ từ "gỡ rối" vấn đề mà chúng đang gặp phải.
Khi con tức giận: hãy tìm một nơi yên tĩnh để con dần bình tĩnh, cha mẹ lưu ý không được la mắng vì sẽ làm mọi chuyện tồi tệ hơn.
Khi con la hét: lúc này, tất cả những gì mà cha mẹ cần làm là nhẹ nhàng hướng dẫn con hít một hơi thật sâu và lấy lại bình tĩnh.
Giai đoạn thứ ba: sau 6 tuổi, tập trung rèn luyện sự bình tĩnh và khả năng giải quyết vấn đề cho trẻ
Cha mẹ có thể sử dụng các phương pháp khác nhau để hướng dẫn con nhận thức và tự kiểm soát cảm xúc của mình. Nếu trẻ kiểm soát tốt cơn nóng giận, cha mẹ có thể động viên, khen ngợi con để bé thấy việc biết kiềm chế cảm xúc nóng giận là việc tốt, cần phải duy trì.
Khi bé cảm thấy buồn chán và không vui, hãy giúp con đối mặt với nó, không nên để cảm xúc tiêu cực gây ức chế vì đến một lúc nào đó nó sẽ trở nên bùng nổ và mất kiểm soát.
Ngoài ra, cha mẹ có thể định hướng cho con đọc sách phát triển bản thân, xem phim lành mạnh, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực; tránh xem nhiều phim, ảnh, tranh có tính chất bạo lực vì đó cũng là một trong những nguyên nhân hình thành những cảm xúc tiêu cực ở con mình.
Cha mẹ chính là hình ảnh trong hành vi ứng xử của con. Nếu khi tức giận cha mẹ cũng không kiểm soát được hành vi của mình như chửi bới, đập phá,... thì rất khó để khuyên con giữ được bình tĩnh. Vì thế, để xử lý tốt cơn tức giận của con, cha mẹ cũng phải làm gương xử lý tốt cơn tức giận của mình.