Nhưng điều đó cũng có nghĩa là nửa còn lại thì không, theo một cuộc khảo sát năm 2021 của ValuePenguin, một trong những trang web nghiên cứu tài chính của LendingTree. Gần 40% cảm thấy du hành vũ trụ quá nguy hiểm, trong khi những người khác lo lắng về tác động tới môi trường và chi phí.
Tuy nhiên, sẽ sớm có những công ty có kế hoạch đưa hành khách vào không gian bằng khinh khí cầu để giải quyết những nỗi băn khoăn đó.
Trên thực tế, khinh khí cầu chỉ bay lên được chưa đến một nửa khoảng cách so với định nghĩa kỹ thuật của không gian, nhưng con số đó vẫn cao hơn gần ba lần so với hầu hết các chuyến bay thương mại và đủ cao để nhìn thấy độ cong của Trái đất.
Jane Poynter, đồng giám đốc điều hành của Space Perspective cho biết, thay vì một vụ phóng tên lửa nặng nề và căng thẳng, khinh khí cầu sẽ "rất nhẹ nhàng".
Bà nói rằng hành khách sẽ không phải chịu vất vả, không cần được đào tạo và các chuyến đi cũng không thải ra khí thải carbon.
Công ty có trụ sở tại Florida này đang sử dụng hydro để cung cấp năng lượng cho các chuyến hành trình kéo dài sáu giờ đồng hồ của họ. Poynter đã miêu tả mọi thứ sẽ suôn sẻ đến mức hành khách có thể ăn, uống và đi lại trong suốt chuyến bay.
Hydro đang được ca ngợi là "nhiên liệu của tương lai", là một nguồn năng lượng tiềm năng có thể thay đổi cuộc chơi, tức là có thể thay đổi sự phụ thuộc của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch.
Thế nhưng, sau một loạt những cuộc trao đổi với những người trong lĩnh vực này, CNBC Travel nhận thấy sự thiếu đồng thuận về sự an toàn của loại khinh khí cầu này.
Khinh khí cầu tầng bình lưu không phải là mới. Nó đã được sử dụng để nghiên cứu khoa học và thời tiết từ đầu thế kỷ 20.
Nhưng việc dùng loại phương tiện này để đưa hành khách lên vũ trụ là một câu chuyện khác.
Poynter đã góp phần giúp cựu giám đốc điều hành của Google là Alan Eustace phá kỷ lục rơi tự do thế giới khi anh nhảy từ một khinh khí cầu ở tầng bình lưu cách Trái đất gần 26 km.
Eustace đã được treo lơ lửng dưới khinh khí cầu và mặc một bộ quần áo dùng cho du hành vũ trụ. Khi lên đến độ cao mong muốn, Eustace dùng thuốc nổ để rơi tự do xuống đất.
Hành khách của Space Perspective sẽ di chuyển qua một khoang điều áp, nơi có sức chứa 8 du khách và 1 phi công. Khoang này được hỗ trợ bởi một hệ thống có vẻ rất an toàn bởi đã bay hàng nghìn lần mà không lần nào bị trục trặc.
"Trong tất cả các cuộc thảo luận của chúng tôi với mọi người, an toàn là điều đầu tiên được đề cập. Đây thực sự là cách an toàn để đi vào vũ trụ", Poynter nói trong cuộc gọi video từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của Florida.
Vào tháng 12/2017, một khinh khí cầu chứa đầy hydro đã phát nổ tại Tucson, Arizona. Đây là cơ sở của một công ty chế tạo khinh khí cầu ở tầng bình lưu có tên là World View Enterprises.
Vào thời điểm đó, Poynter là Giám đốc điều hành của World View. Bà cùng đối tác kinh doanh và chồng Taber MacCallum rời công ty vào năm 2019 và thành lập Space Perspective vào cùng năm đó.
Một báo cáo của Ban An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Arizona, được CNBC thu thập theo Đạo luật Tự do Thông tin cho biết một người quản lý tại đây nghi rằng sự tĩnh điện đã đốt cháy hydro. Theo báo cáo, vụ tai nạn xảy ra trong quá trình thử nghiệm trên mặt đất, trong khi khinh khí cầu đang bị xì hơi. Vụ tai nạn này đã không gây ra thương tích nghiêm trọng.
Sự phóng tĩnh điện (tia lửa tĩnh điện) đốt cháy khí hydro dễ cháy được cho là nguyên nhân gây ra thảm họa khinh khí cầu Hindenburg vào năm 1937.
Thế nhưng Peter Washabaugh, phó giáo sư kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Michigan, nói rằng việc đổ lỗi cho hydro trong vụ tai nạn ở Hindenburg là không hợp lý.
"Lớp vỏ bọc bên ngoài của khinh khí cầu rất dễ cháy. Không rõ thứ gì bốc cháy đầu tiên, lớp phủ hay khí hydro. Chiếc khinh khí cầu đã được vận hành mạnh mẽ trong một cơn bão. Tôi có thể nói rằng đó là do sơ suất trong việc vận hành."
Washabaugh cho biết những tiến bộ công nghệ đã giúp cho việc sử dụng hydro an toàn hơn.
Ông nói rằng có rất nhiều thay đổi trong 100 năm qua và lưu ý rằng các vật liệu cho khinh khí cầu hiện đại "đặc biệt tốt hơn trong việc chứa hydro".
Robert Knotts, một cựu sĩ quan kỹ thuật thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia của Vương quốc Anh và là thành viên hội đồng hiện tại của Hiệp hội Khinh khí cầu của Anh, đã đồng tình với ý kiến trên.
Ông là đồng tác giả của một bài báo trong Hiệp hội Hàng không Hoàng gia, một cơ quan chuyên nghiệp của cộng đồng hàng không vũ trụ, trong đó tuyên bố: "Các vật liệu và cảm biến hiện đại có thể làm cho một khinh khí cầu chạy bằng hydro an toàn như bất kỳ khinh khí cầu chạy bằng heli nào."
Khi đề cập đến việc dùng khí hydro cho khinh khí cầu, "mọi người đều nghĩ ngay đến Hindenburg". Nó đã trở thành một nỗi ám ảnh và ông gọi đó là một "vấn đề PR lớn" đối với khí đốt.
Giám đốc điều hành hiện tại của World View, Ryan Hartman, nói với CNBC rằng các chuyến bay bằng khinh khí cầu du lịch vũ trụ của họ, dự kiến phóng vào năm 2024, sẽ được cung cấp năng lượng bằng khí heli.
Ông nói: "Công ty của chúng tôi ngày nay là một công ty rất khác. Quan điểm của chúng tôi là muốn làm gì an toàn nhất có thể cho hành khách."
Ông gọi việc sử dụng hydro để chở hành khách lên tầng bình lưu là "một rủi ro không cần thiết".
Vào năm 2018, Poynter - Giám đốc điều hành của World View vào thời điểm đó - nói với CNBC rằng World View không sử dụng hydro với các hệ thống khinh khí cầu của mình.
Nhưng công ty mới của bà, Space Perspective, hiện lại đang chọn sử dụng nó để tham gia vào nền kinh tế hydro đang phát triển nhanh chóng.
"Nguồn cung cấp khí Helium rất khan hiếm và được các bệnh viện cần để xét nghiệm cho những người bị bệnh nặng cũng như để phóng vệ tinh liên lạc và tiến hành các nghiên cứu quan trọng," bà nói. "Với tình trạng khan hiếm heli đã xảy ra, việc sử dụng heli cho các chuyến bay du lịch vũ trụ trên quy mô lớn là không bền vững."
Thêm vào đó, "hydro đã được chứng minh là một loại khí nâng rất an toàn", bà nói.
Jared Leidich, cựu nhân viên của World View và hiện là giám đốc công nghệ tại công ty hình ảnh trên không của khinh khí cầu, cho biết quyết định của Space Perspective là một phần của phong trào quay trở lại với khí hydro.
Ông nói: "Hydro hoàn toàn có thể là một loại khí an toàn, và lưu ý rằng đã có rất nhiều tiền lệ đã sử dụng nó ở các khu vực khác trên thế giới.
Về việc liệu ông có bay trên một khinh khí cầu vào tầng bình lưu hay không: "Hoàn toàn có thể," Leidich nói. Ông nói sẽ không thành vấn đề với việc chọn hydro hay heli và lưu ý rằng hydro có những yếu tố khiến chuyến đi an toàn hơn "bởi vì nó là một loại khí nâng hiệu quả hơn, toàn bộ hệ thống có thể nhỏ gọn hơn, điều này mang lại một số lợi ích".
Ông cho biết ông đã đặt chỗ với khoản đặt cọc có thể hoàn lại là 1.000 USD cho chuyến bay Space Perspective.
Knotts cũng nói rằng lựa chọn khí đốt "chẳng có vấn đề gì với tôi cả, chắc chắn vậy."
Nhưng những người khác lại không chắc lắm.
Kim Strong, một nhà vật lý khí quyển và là chủ tịch Khoa Vật lý của Đại học Toronto, nói với CNBC rằng bà "cảm thấy an toàn hơn với một khinh khí cầu sử dụng khí heli".
Nhưng Washabaugh của Đại học Michigan cho biết anh sẽ không chọn loại khí nâng nào cho khinh khí cầu để bay vào tầng bình lưu.
"H2 hay He đều không thành vấn đề," anh nói trong một email. "Tôi thích một chiếc xe chạy bằng động cơ hơn."