Điện mặt trời vẫn luôn được coi là một nguồn năng lượng tái tạo hết sức quan trọng, giúp chúng ta giảm việc phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch.
Tuy nhiên, có vẻ như biến đổi khí hậu đang ngày càng khiến việc tận dụng các nguồn năng lượng thay thế trở nên khó khăn hơn, khi mà mới đây, hai nhà nghiên cứu Ian Peters và Tonio Buonassisi tại MIT đã công bố rằng: những tấm pin mặt trời sẽ ngày càng trở nên kém hiệu quả hơn khi nhiệt độ của Trái đất tăng lên.
Về cơ bản, một trong những yếu tố tác động đến hiệu suất của những tấm pin mặt trời chính là nhiệt độ, tuy nhiên kết quả cụ thể ra sao thì vẫn chưa ai biết rõ - cho đến khi nghiên cứu của Ian Peters và Tonio Buonassisi được thực hiện. Kết quả của nghiên cứu cho thấy hiệu năng trung bình của những tấm pin mặt trời sẽ giảm khoảng 0,45% mỗi khi nhiệt độ Trái đất tăng thêm 1 độ K.
"Khi mà nhiệt độ trên Trái đất tăng lên, lượng điện năng cung cấp cho cuộc sống hàng ngày sẽ lại càng bị giảm đi. Trong đó, những khu vực phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc này là Nam Mỹ, Nam Phi và Trung Á."
Nhiệt độ tăng sẽ khiến lượng điện cung cấp từ các hệ thống pin mặt trời bị giảm đi đáng kể
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đang tìm cách khắc phục vấn đề này bằng việc nghiên cứu và cải tiến những tấm pin mặt trời, sử dụng những phương pháp mới cũng như các loại vật liệu mới để giúp tăng hiệu suất tạo ra điện năng từ ánh sáng hơn. Mới đây thôi, các nhà khoa học đã ứng dụng công nghệ chấm lượng tử vào những tấm pin mặt trời, cho phép chúng tạo ra điện năng ngay cả khi trời nhiều mây hay có mưa.
Nhưng có lẽ, cách tốt nhất mà con người có thể làm vẫn là giảm bớt lượng phát thải, qua đó giữ cho tốc độ nóng lên của Trái đất giảm xuống - bởi việc Trái đất nóng lên còn gây ra rất nhiều hậu quả xấu khác đối với sự sống của loài người.
Theo MIT