Mario cứu công chúa đã trở thành tựa game huyền thoại, đặc biệt là với những tín đồ cuồng nhiệt của bộ trò chơi điện tử 4 nút, điện tử băng trong quá khứ. Nhập vai vào chú thợ sửa ống nước Mario, người chơi sẽ trải qua vô vàn khó khăn, thử thách để đi tới cái đích cuối cùng, giải cứu nàng công chúa khỏi móng vuốt của ma vương.
Bạn có thể nhảy vượt cả cột cờ
Mỗi khi về đích tại các bàn, hình ảnh những chú Mario ôm cờ tụt xuống đã trở nên tương đối quen thuộc với các fan của tựa game này. Nhưng với một số bàn, khi có đà nhảy, Mario hoàn toàn có thể vượt qua cả nóc của cột cờ đấy. Tuy nhiên, dù có nhảy qua cả cột cờ, nhưng chú thợ sửa ống nước này vẫn bị dừng lại ngay tại điểm cao nhất của cờ, và vẫn phải ôm cờ tụt xuống thay vì vào thẳng lâu đài đấy.
Tạo hình của Mario đến từ sự hạn chế trong đồ họa thời bấy giờ
Shigeru Miyamoto, cha đẻ của tựa game Mario vốn dĩ đặt nhiều kỳ vọng hơn vào hình thức nhân vật của mình cơ, nhưng vì hạn chế trong ý tưởng cũng như kỹ thuật đồ họa thời bấy giờ, mà cuối cùng ông lựa chọn thiết kế nên nhân vật Mario quen thuộc như chúng ta thường thấy.
Tạo hình Mario ngày nay tới từ sự hạn chế đồ họa của quá khứ
Bộ râu của Mario được tạo ra vì quả thật, Shigeru không biết nên thiết kế miệng của nhân vật này thế nào cho hợp lý. Tương tự như vậy là chiếc mũ nồi quen thuộc để xua đi nỗi lo về kiểu tóc của nhân vật, khi mà ở thời điểm ấy, làm đồ họa cho các kiểu tóc đa dạng và đẹp mắt là khá khó, và yêu cầu sự kỳ công cao độ. Còn về bộ quần áo thợ sửa ống nước, nó bắt nguồn từ một lần chạy bộ của tác giả, và vô tình bị ấn tượng bởi trang phục của chính bản thân mình.
Đám mây và bụi cỏ có thiết kế giống hệt nhau
Nếu bạn để ý kỹ, khâu thiết kế địa hình của các bàn game trong Mario cũng đã đủ để nói lên sự hạn hẹp về đồ họa và âm thanh thời bấy giờ. Nhìn vào bức ảnh dưới đây, bạn có thể dễ dàng thấy tạo hình của những đám mây cũng như các bụi cỏ có thể nói là một, và chỉ khác nhau ở màu sắc mà thôi.
Không khó để tìm ra sự giống nhau phải không nào
Chưa kể, các fan của tựa game này nếu chú ý còn có thể thấy âm thanh mỗi lần Mario chui xuống một đường ống cũng giống với khi nhân vật này bị thương vậy.
Nguồn gốc của cái tên Mario
Truyện kể rằng, ban đầu, các nhà sản xuất của Mario thậm chí còn chưa nghĩ ra tên goi cho nhân vật này. Ý tưởng ban đầu của họ chỉ đơn giản là Jumpman, mô phỏng động tác nhảy lên quen thuộc của Mario. Thậm chí sau đó, Mario còn suýt nữa đã mang tên Ossan – dịch ra có nghĩa là người đàn ông trung niên. May mắn thay, Nintendo kịp nhận ra rằng, chẳng nhiều người tỏ ra hứng thú với cái tên này.
Văn phòng Nintendo tại Mỹ
Trong một lần nộp muộn tiền thuê nhà với văn phòng ở Mỹ, các nhân viên của Nintendo rất may mắn khi được chủ nhà thông cảm và tạo điều kiện. Để cảm ơn người chủ nhà tốt bụng, họ liền lấy tên của anh đặt cho nhân vật. Mario Segale. Và cũng từ đó, cái tên Mario đã ra đời.
Sự vô lý trong quả cầu lửa của Bowser
Quái vật rồng lửa trong tựa game Mario mang một cái tên mà có lẽ nhiều người không biết, Bowser. Và nếu để ý kỹ một chút, bạn sẽ thấy rằng, ngọn lửa được phóng ra bởi Bowser khá là vô lý.
Nhìn như kiểu ngọn lửa bắt đầu tới từ sau lưng của Mario vậy
Nhìn vào hình dạng, bạn sẽ thấy dường như nhà thiết kế đã làm ngược hình dáng của ngọn lửa, khi phần lửa cháy lại thường ở phía sau, và nếu nhìn vào bức ảnh phía trên, bạn sẽ thấy cảm giác ngọn lửa như đang quay ngược về tấn công Bowser thì đúng hơn.
Mario thực tế là thợ mộc, trước khi được sửa thành thợ sửa ống nước
Nghề nghiệp của Mario được thay đổi cho phù hợp với tựa game
Đa phần các fan hâm mộ của tựa game này đều biết rằng Mario lần đầu xuất hiện là trong tựa game arcade cổ điển, Donkey Dong. Và trong đó, Mario là một anh chàng thợ mộc điển hình. Chỉ khi chuyển sang tựa game của riêng mình, Mario mới mang danh là thợ sửa ống nước, một phần là vì những đường ống được thiết kế trong các màn của trò chơi.