Những người mẹ hiện đại chia sẻ cách dạy con về tiền, sức lao động và kỹ năng quản lý tài chính từ nhỏ

Thảo Hương | 31-07-2023 - 12:00 PM

(Tổ Quốc) - Hiểu rõ về cách chi tiêu ngay từ độ tuổi nhỏ sẽ tạo thói quen chi tiêu hợp lý cho cuộc sống sau này của con.

Đối với trẻ, tiền là một thứ hàng hóa cho phép người lớn vào cửa hàng và đổi lấy bất cứ thứ gì họ muốn. Cần thêm nhiều giai đoạn phát triển nữa thì bé mới hiểu tiền là gì, nhưng bạn có thể làm nhiều điều để hướng dẫn trẻ ở giai đoạn này.

Dưới đây là một số chia sẻ của những người mẹ cho con tiếp xúc và làm quen với tiền từ khi bé còn nhỏ, hy vọng sẽ giúp ích cho các bậc phụ huynh. 

Giúp con hiểu được ý nghĩa của đồng tiền và sức lao động từ bé

Quan điểm của chị Quế Ngọc (mẹ Việt hiện sống tại Nhật Bản) là giúp con hiểu được ý nghĩa của đồng tiền và sức lao động từ bé thì sẽ sớm mang lại kỹ năng quản lý tài chính khi con trưởng thành. Lúc con 3-4 tuổi và dần nhận thức được các khái niệm cơ bản thì bà mẹ 2 con đã bắt đầu dạy các bé về tiền thông qua các hoạt động thường ngày.

Nhờ phương pháp giáo dục của mẹ, 2 em bé Nova Mai Anh (gần 3 tuổi) và Lucian Đăng Khoa (4 tuổi rưỡi) hiểu thêm về tiền và trân trọng sức lao động. Dưới đây là 4 nguyên tắc chị Ngọc áp dụng với các con.

- Giao cho con việc thanh toán: Cuối tuần mình hay đưa con đi chợ mua đồ ăn, hoặc đi ăn nhà hàng. Lần nào mình cũng để con tự thanh toán bằng tiền mặt hoặc bằng thẻ, để con hiểu được rằng tiền là vật để trao đổi hàng hóa, dịch vụ, là một phương tiện thanh toán.

- Giải thích cho con giá trị của đồng tiền: Con đã biết rằng, đồ chơi phải được mua bằng tiền. Số tiền mà gia đình mình có là có hạn. Chúng ta dùng tiền để chi trả những thứ duy trì cuộc sống của cả nhà: căn nhà nơi mình trú ngụ, tất cả các vật dụng trong nhà (chỉ cho con thấy các món nội thất, đồ điện, quần áo,...), món ngon mình ăn hàng ngày, nước uống, tắm rửa, điện để chạy tất cả các thiết bị trong nhà, internet, sách vở,...

Những người mẹ hiện đại chia sẻ cách dạy con về tiền, sức lao động và kỹ năng quản lý tài chính từ nhỏ - Ảnh 1.

2 em bé được tự thanh toán giỏ hàng.

- Dạy con về đầu tư: Mình kiên nhẫn giải thích cho con hiểu rằng sức khỏe chính là tài sản quý giá nhất. Để giữ gìn sức khỏe thì mẹ con mình nên dùng tiền để mua các loại thức ăn bổ sung nhiều chất dinh dưỡng như: trái cây, rau củ, thịt cá, trứng sữa... Mình luôn dành ra một khoản tiền hàng tháng để mua sách, đồ chơi, phần mềm giáo dục, khuyến khích tính tò mò trong con, động viên con tìm tòi, học hỏi kiến thức mới. Vợ chồng mình cũng cố gắng tiết kiệm tiền đi du lịch, để con được trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau, đưa con đến những nơi có nhiều điều mới mẻ, thú vị...

- Dành phần thưởng cho con: Ở nhà mình luôn khuyến khích con tự làm những việc vừa sức: dọn dẹp đồ chơi, gom quần áo bẩn cho vào máy giặt, dọn chén bát trên bàn sau bữa cơm, tưới cây trong vườn... Mỗi khi con hoàn thành nhiệm vụ thì thay vì tiền, mình sẽ thưởng cho con 1 hình dán (sticker). Khi tiết kiệm được 30 hình dán thì con sẽ được chọn một món quà yêu thích. 2 anh em rất nhiệt tình hưởng ứng và luôn hào hứng khi giúp mẹ làm việc nhà. 

Thực hành hơn lý thuyết suông

Để thành công trong tương lai, đòi hỏi trẻ phải biết phối hợp nhiều kỹ năng, không đơn thuần điểm số ở trường. Một trong những kỹ năng đó là hiểu biết về tiền và sử dụng đồng tiền. Đây được xem là kỹ năng sống còn.

Xuất phát từ suy nghĩ này, ngay từ khi 3 con còn nhỏ, chị Vũ Thúy Hằng (34 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thụy Điển) đã cho chúng tiếp xúc với tiền.

Bà mẹ 3 con chia sẻ: "Mỗi cá nhân hay gia đình chúng ta đều có những bài toán chi tiêu riêng. Quản lý tài chính như thế nào là hợp lý? Với mỗi hoàn cảnh chúng ta sẽ có cách giải quyết khác nhau. Nhưng đã bao giờ chúng ta hỏi: Mình biết làm ra tiền và tiêu tiền hợp lý khi nào? Trẻ con có nên làm quen với tiền không?".

Để dạy trẻ biết quý trọng đồng tiền, chị Thúy Hằng quyết định cho con thực hành, hơn là việc dạy lý thuyết suông. Theo chị, nếu cha mẹ chỉ thao thao bất tuyệt "con phải thế này, phải thế kia, con phải tiết kiệm, con phải chăm chỉ kiếm tiền..." thì con sẽ rất mau quên.

5 bài học về tiền nên dạy con từ sớm:

- Để có tiền, phải lao động thực sự vất vả: Chị Hằng chia sẻ, sau mỗi ngày dài đi làm về, cơ thể chị đầy mệt mỏi. Chị kể cho các con nghe mỗi ngày chị phải làm bao nhiêu tiếng, bao nhiêu khách, có kịp ăn trưa không. Và chị tin con chị sẽ hiểu bố mẹ đã phải vất vả thế nào để kiếm tiền lo cho gia đình. Bởi chị để ý, sau mỗi chiều đi làm về, các con đã bảo nhau dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, giúp nhau tắm rửa và cho nhau ăn.

- Con làm gì để có tiền: Đó là câu hỏi bọn nhỏ đã hỏi mình vào mùa hè năm ngoái. Chúng muốn trải nghiệm cảm giác tự kiếm được tiền. Sau 1 hồi thảo luận, mình bảo con: "Con bé chưa đủ tuổi đi làm, hay con đi nhặt lon đi!" (Nhặt lon chính là nhặt ve chai ở Việt Nam). Khu nhà mình ở có 1 bến cảng nhỏ, mùa hè khách du lịch nhiều. Những vỏ chai lon bia dùng xong họ để bên vệ đường, nhặt đem vào máy mua lon tự động bán sẽ có tiền.

- Tiêu tiền vào việc thực sự cần thiết: Chị Hằng để ý, từ khi con nhặt vỏ lon kiếm tiền, thì chúng bắt đầu tính toán hơn trong việc chi tiêu. Con không còn tiêu tiền 1 cách vô nghĩ nữa, mà chúng cân nhắc rất cẩn thận xem tiền này nên tiêu vào việc gì? Cái gì cần thiết hơn.

- Chăm chỉ sẽ được hưởng trái ngọt: Con chị từng thắc mắc rằng, tại sao mẹ được mua điện thoại mới. Và con cũng muốn mua 1 chiếc Ipad mới. Nhưng bà mẹ này đã phân tích cho con hiểu, chị đã phải làm việc chăm chỉ để có tiền mua điện thoại mới. Và chiếc điện thoại này xứng đáng với công sức và lao động chỉ bỏ ra. Ngược lại, nếu con muốn có 1 chiếc máy tính bảng mới, con cũng phải nỗ lực.

- Nên tiết kiệm: Mình tập cho các con thói quen tiết kiệm: tiết kiệm đồ ăn (không để thừa đồ ăn dù món đó con không thích), tiết kiệm nước (không xả nước thừa thãi), tiết kiệm điện (tắt các thiết bị điện khi không dùng). Và tiết kiệm cả những thứ không cần thiết, không mua sắm tràn lan. Mỗi lần mẹ hỏi: "Con muốn nữa không?" Khi đã đủ chúng sẽ trả lời: "Mẹ ơi! Đủ rồi!" - bà mẹ chia sẻ.

Trẻ bao nhiêu tuổi nên bắt đầu được dạy về tiền?

Trong cuốn sách What's my child thinking? (Con đang nghĩ gì - Tâm lý học trẻ em thực hành cho cha mẹ hiện đại) của tác giả Tanith Carey đã giải thích khá rõ ràng về vấn đề này.

Mặc dù nhiều cha mẹ có thể nghĩ trẻ em chưa cần biết về thực trạng kinh tế cuộc sống, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra tốt hơn hết nên để trẻ có thói quen đúng mực về tiền ngay từ khi còn nhỏ, thái độ tiết kiệm và chi tiêu được thiết lập khi trẻ lên 7. Khi bé 2-3 tuổi, con đã nên bắt đầu được dạy những bài học cơ bản về tiền.

Cho tiền tiêu vặt cũng góp phần quan trọng khi dạy trẻ tính nhẩm. Hơn nữa, phải đối phó với một số tiền nhất định là một trong những phương pháp tốt nhất rèn luyện cho trẻ tự kiểm soát tính cách của mình, học tính kiên nhẫn, ý chí kiên định và trì hoãn sự thỏa mãn. Khi thấy rằng tiết kiệm tiền tiêu vặt cho một thứ mà chúng thực sự muốn sẽ giúp trẻ cảm thấy tốt hơn tiêu xài phung phí tất cả số tiền mình có vào những thứ phù phiếm. Đây chính là cột mốc trẻ tự điều chỉnh mình.

Thêm vào đó, thực hành tiết kiệm ngay từ độ tuổi nhỏ sẽ tạo thói quen chi tiêu hợp lý cho cuộc sống sau này của con.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Xnumx Amino: Giải pháp hỗ trợ phục hồi toàn diện cho phụ nữ sau sinh

(Tổ Quốc) - Phụ nữ sau sinh cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để phục hồi sức khỏe và tái tạo năng lượng sau khi trải qua giai đoạn đầy khó khăn của quá trình sinh nở. Việc bổ sung các acid amin thiết yếu là vô cùng quan trọng. Xnumx Amino là giải pháp giúp phụ nữ sau sinh phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng và hiệu quả.