Đột quỵ là một trường hợp cấp cứu y tế nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng. Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não bị cắt đứt, thường là do cục máu đông hoặc vỡ mạch máu gây xuất huyết.
Có nhiều yếu tố được biết là làm tăng nguy cơ đột quỵ, chẳng hạn như hút thuốc, huyết áp cao, cholesterol cao, thừa cân hoặc béo phì. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng một số vấn đề về giấc ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Nghiên cứu mới về giấc ngủ và nguy cơ đột quỵ
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Neurology, những người khó đi vào giấc ngủ và ngủ không sâu giấc có thể có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.
Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của hơn 30.000 trong độ tuổi từ 51 trở lên, khoảng 50% là nam giới và 50% là nữ giới, không ai trong số họ từng bị đột quỵ. Các nhà nghiên cứu đã yêu cần người tham gia trả lời các câu hỏi theo thang điểm trong bảng khảo sát về chất lượng giấc ngủ của họ và tiến hành theo dõi trong gần một thập kỷ.
Các câu hỏi bao gồm:
1. Bạn có thường xuyên khó ngủ không? (thường xuyên: 2 điểm, thỉnh thoảng: 1 điểm, hiếm khi hoặc không bao giờ: 0 điểm).
2. Bạn có thường xuyên bị thức dậy vào ban đêm không? (thường xuyên: 2 điểm, thỉnh thoảng: 1 điểm, hiếm khi hoặc không bao giờ: 0 điểm).
3. Bạn có thường xuyên gặp tình trạng thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại được hay không? (thường xuyên: 2 điểm, thỉnh thoảng: 1 điểm, hiếm khi hoặc không bao giờ: 0 điểm).
4. Bạn có cảm thấy thư giãn khi thức dậy vào buổi sáng không? (thường xuyên: 0 điểm, thỉnh thoảng: 1 điểm, hiếm khi hoặc không bao giờ: 2 điểm)
Theo đó, những người đạt điểm từ 1 đến 4 có nguy cơ đột quỵ tăng 16% so với những người không gặp vấn đề giấc ngủ. Những người đạt điểm từ 5 đến 8 có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn 51% so với những người không gặp vấn đề về giấc ngủ.
Trong cả hai trường hợp, khó ngủ là nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ như sử dụng rượu, bia, hút thuốc và lối sống ít vận động.
Nghiên cứu cũng tìm ra mối liên hệ mạnh mẽ giữa chứng mất ngủ và nguy cơ đột quỵ ở những người tham gia dưới 50 tuổi và có số điểm từ 5-8.
Tiến sĩ Wendemi Sawadogo tại Đại học Sawadogo of Virginia Commonwealth, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Việc kiểm soát chứng mất ngủ ngay từ khi còn trẻ là một trong những phương pháp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả”.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 4 trên cùng một tạp chí cho thấy những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần so với những người ngủ đủ 7 tiếng như khuyến nghị.
Trước đó, một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu tại Đại học Galway, Ireland thực hiện đã phân tích dữ liệu từ 5.000 người và một nửa số này đã từng bị đột quỵ. Kết quả cho thấy những người ngủ ít hơn 5 tiếng/ đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần.
Giấc ngủ ảnh hưởng tới tim mạch thế nào?
Có nhiều bằng chứng chứng minh rằng các vấn đề về giấc ngủ, bao gồm thiếu ngủ và giấc ngủ bị gián đoạn có tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch.
Giấc ngủ là thời gian cần thiết để cơ thể phục hồi. Trong giai đoạn ngủ chuyển động mắt không nhanh (NREM), nhịp tim chậm lại, huyết áp giảm và nhịp thở ổn định. Những thay đổi này làm giảm căng thẳng cho tim, cho phép nó phục hồi sau các căng thẳng xảy ra trong ngày.
Nếu ngủ không đủ giấc, mọi người sẽ không dành đủ thời gian cho các giấc ngủ sâu NREM có lợi cho tim. Vấn đề tương tự có thể ảnh hưởng đến những người có giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn.
Do đó, thiếu ngủ mạn tính có liên quan đến nhiều vấn đề về tim bao gồm huyết áp cao, cholesterol cao, đau tim, béo phì, tiểu đường và đột quỵ.
Ngoài ra, giấc ngủ cũng có thể ảnh hưởng tới huyết áp. Trong giấc ngủ bình thường, khỏe mạnh, huyết áp giảm khoảng 10-20%, điều này có lợi cho sức khỏe tim mạch. Giấc ngủ kém (do thiếu ngủ hay giấc ngủ bị gián đoạn) khiến huyết áp của một người không thể giảm vào ban đêm. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng huyết áp tăng cao vào ban đêm có liên quan đến tình trạng tăng huyết áp vào ban ngày, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim.