Vào dịp lễ truyền thống, phụ nữ luôn bộn bề với việc bếp núc và nhiều việc không tên khác... Để có sức khỏe an toàn, thai phụ nên có kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho mẹ bầu trong dịp nghỉ lễ, các mẹ tham khảo nhé.
1. Không nên sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều
Ngày lễ có nhiều thời gian nên một số mẹ bầu dành trọn cả ngày chỉ để giải trí, xem tivi, nghe nhạc, xem phim... mà thiếu đi các hoạt động khác như thể dục thể thao, vận động lành mạnh.
Phim truyền hình, phim điện ảnh và các hoạt động vui chơi giải trí có tác dụng nhất định đến tâm trạng, giúp mẹ bầu cảm thấy vui vẻ hơn, đồng thời đây cũng là một cách để chăm sóc tâm hồn bé yêu ngay từ trong bụng.
Tuy nhiên, mẹ cũng nên chú ý lựa chọn thời gian xem phù hợp, hạn chế bộ phim có tình tiết quá gay cấn, kịch tính để tránh ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Nên chọn phim hoặc chương trình giải trí có nội dung lành mạnh, thú vị, vui vẻ để chăm sóc cho sức khỏe của mình và bé yêu.
2. Bổ sung dinh dưỡng qua thực đơn hàng ngày
Nghỉ lễ nhiều mẹ bầu có thói quen ăn uống thất thường, tranh thủ "thích gì ăn đấy" không quan tâm đến lượng calo cũng như khẩu phần dinh dưỡng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong dịp Tết, mẹ bầu không nên ăn uống quá độ, không ăn nhiều đồ ngọt và tinh bột. Các món ăn cần ít chất béo, không quá mặn. Đổi lại, mẹ bầu nên ăn nhiều rau và ăn hoa quả ở mức độ vừa phải.
Nếu đang mang thai trong 3 tháng đầu, bạn chỉ cần ăn 3 bữa một ngày là đủ, nếu thường xuyên cảm thấy đói có thể ăn thêm hoa quả hoặc một số đồ ăn nhẹ giàu chất dinh dưỡng. Nếu đang mang thai ở giữa và cuối thai kỳ, hàng ngày bạn nên ăn theo chế độ: một quả trứng gà; một cốc sữa tươi; 1 kg rau tươi và hoa quả; 500 gr sản phẩm chế biến từ tinh bột như cơm, bún, phở, cháo...
3. Hạn chế đi đứng quá nhiều, ngồi quá lâu
Thời gian nghỉ lễ, nhiều gia đình sắp xếp đi chơi dài ngày hoặc có các chuyến cắm trại, đi chơi công viên... Các mẹ bầu hoàn toàn có thể tham gia nhưng hạn chế di chuyển đường dài, đi bộ quá nhiều hoặc dùng nhiều sức. Đặc biệt với các mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối cần phải giữ sức khỏe nhiều hơn.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng không nên ngồi quá lâu. Việc này sẽ cản trở sự lưu thông của máu trong tĩnh mạch, gây căng cơ và dẫn đến mệt mỏi, ảnh hưởng đến em bé trong bụng. Một số trường hợp nghiêm trọng còn có thể gây ra sản giật và các triệu chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi.
4. Chăm vận động nhẹ nhàng, ngủ đúng giờ
Tập thể dục là biện pháp giúp tăng tuần hoàn trong cơ thể, giúp mẹ bầu dẻo dai và chịu đựng tốt hơn. Thường xuyên luyện tập những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp thực trạng cơ thể như: Yoga, bơi lội, đi bộ,... đều có thể giúp đẩy nhanh quá trình đào thải độc tố và kích thích sản sinh kháng thể chống lại bệnh tật. Từ đó, giúp mẹ và thai nhi khỏe hơn khi giao mùa.
Theo các chuyên gia, mỗi bà bầu nên luyện tập khoảng 20 phút mỗi ngày và 5 ngày trên tuần. Tuy nhiên, trước khi tập luyện vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn lựa biện pháp luyện tập phù hợp và nên kiểm tra ngay nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường.
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, chất lượng giấc ngủ vào khung giờ Tý (23h đêm - 1h sáng) được đánh giá cao nhất. Nếu bạn ngủ 5 phút trong khung giờ này là tương đương với 6 tiếng ở các giờ khác. Đối với mẹ bầu, ngủ được trong thời điểm này sẽ giúp cho cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn, cải thiện tâm trạng, tuần hoàn máu, tiêu hóa, giúp cơ thể khỏe mạnh để cung cấp dưỡng chất cho thai nhi tốt nhất. Nếu mất ngủ trong khung giờ này, mẹ bầu sẽ mệt mỏi, căng thẳng suốt cả ngày hôm sau và dù có ngủ thêm bao nhiêu cũng không thể bù đắp lại được.
Ngoài ra, dù có bận rộn thế nào, bạn cũng vẫn nên dành ra khoảng từ 30 phút đến một tiếng để ngủ trưa (trong thời gian từ 11h đến 1h chiều). Đây cũng là thời điểm giấc ngủ phát huy năng lực tối đa của mình, giúp cơ thể mẹ khỏe mạnh hơn hẳn.
5. Bảo vệ bản thân
Thời điểm nghỉ lễ, nhiều gia đình tụ tập hoặc đi chơi. Đây cũng là giai đoạn thời tiết đang có sự giao mùa nên mẹ bầu cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Bên cạnh đó, luôn tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng, hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh.
Ngoài ra, dù vào nghỉ lễ mẹ cũng nên uống đầy đủ các loại vitamin, tránh sử dụng các loại thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ngay khi gặp vấn đề về sức khỏe, mẹ bầu nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, thăm khám. Không nên lơ là sức khỏe của bản thân đặc biệt là trong những dịp nghỉ lễ dài.