Theo Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018, chủ nuôi chó thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó theo quy định của pháp luật về thú y; khi nghi ngờ chó có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y.
Đồng thời, phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Trường hợp chó tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Dù pháp luật đã quy định rõ như trên, tuy nhiên thực tế nhiều chủ sở hữu chó vi phạm, để chó của mình tấn công người khác (gây ra thương tích, thậm chí là chết người). Vậy chủ chó có bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thụy Hân (Thư Viện Pháp Luật) cho biết:
Hiện nay, theo điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2020/NĐ-CP), phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Theo khoản 1 Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, trường hợp chó cắn người dẫn đến thiệt hại về thân thể, tính mạng thì chủ chó, người chiếm hữu, sử dụng chó phải có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân.
Do đó, người nuôi chó nói riêng và các vật nuôi khác nói chung cần phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác để tránh gặp các rủi ro pháp lý như trên.