Những doanh nghiệp "trúng" dự án điện khí LNG "khủng" trong dịp Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam

Trung Sơn | 21-10-2020 - 09:49 AM

(Tổ Quốc) - Tổ hợp nhà đầu tư cho dự án nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh bao gồm Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi), Tập đoàn Tokyo Gas và Tập đoàn Marubeni.

Sáng ngày 19/10, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, một Biên bản ghi nhớ về việc phát triển Dự án nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh đã được ký kết.

Đây là một dự án "khủng" với công suất dự kiến là 1.500MW và là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của Miền Bắc. Sau gần 2 năm tổ chức nghiên cứu, các bên đã báo cáo và được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các Bộ ngành liên quan để đề xuất đầu tư Dự án lên Thủ tướng Chính phủ.

Tổ hợp nhà đầu tư bao gồm Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi), Tập đoàn Tokyo Gas và Tập đoàn Marubeni.

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power)

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam có tiền thân là Công ty TNHH MTV do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 100% vốn điều lệ. Hiện tại, PV Power là công ty cổ phần do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm 80% và Norges Bank nắm 1,3% vốn cổ phần.

Doanh nghiệp này đã niêm yết trên sàn chứng khoán với mã POW. Theo thông tin mới nhất, các nhà máy điện của POW quản lý (bao gồm Nhà máy điện Cà Mau 1&2, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1,2, Nhà máy thuỷ điện Hủa Na, Nhà máy thuỷ điện Dakđrink và nhà máy điện Vũng Áng 1) đạt tổng cộng 15.107 tr.kWh trong 9 tháng đầu năm 2020 và tổng doanh thu ước đạt gần 21.790 tỷ đồng.

Ngày 2/10/2020, HĐQT PV Power đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và uỷ quyền cho Tổng giám đốc thực hiện 4 gói thầu thuê tư vấn đối với dự án NMĐ Nhơn trạch 3,4. Tiếp tục thực hiện công tác thu xếp vốn, đàm phán hợp đồng mua bán khí và hợp đồng mua bán điện cho dự án điện Nhơn Trạch 3&4.

Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 được xây dựng tại tỉnh Đồng Nai, gồm hai nhà máy điện, mỗi nhà máy công suất khoảng 650 MW - 880 MW. Với tổng vốn đầu tư dự kiến là 32.481 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 25% và vốn vay là 75%. Dự án sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ kho cảng LNG Thị Vải, tiêu thụ khoảng 1,4 triệu tấn LNG/năm và nhiên liệu dự phòng là dầu DO. Theo dự kiến Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 được khởi công vào quý 2/2021.

Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi)

Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam Colavi nằm trên địa bàn xã Hoàng Quế, thị xã Đông Triều, chuyên thực hiện các dự án EPC, EP, PC, BOO trong lĩnh vực công nghệ tuyển khoáng sản, vận chuyển bằng băng tải, chế tạo kết cấu thép phi tiêu chuẩn, lắp máy phục vụ cho các ngành: Nhiệt điện, xi măng, tuyển khoáng, vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, luyện thép, cán thép...

Theo dữ liệu từ VIRAC, tính đến cuối năm 2019, vốn góp chủ sở hữu của công ty này là 685 tỷ đồng và tổng tài sản đạt hơn 1.123 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu thuần và lợi nhuận của công ty lần lượt là 708 và 131 tỷ đồng.

Trước đó, hồi tháng 4/2019, công ty này cùng với ông ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và Công nghiệp Vinacomin - Công ty CP Chế tạo máy Vinacomin trúng gói thầu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Vinacomin với giá trúng thầu là 368 tỷ đồng.

Tập đoàn Tokyo Gas

Tập đoàn Tokyo Gas, được thành lập năm 1885 tại Nhật Bản. Tokyo Gas là nhà cung cấp khí hóa lỏng chính cho nhiều thành phố lớn ở Nhật Bản như Tokyo, Kanagawa, Saitama, Chiba...

Công ty Tokyo Gas là doanh nghiệp đã mua 24,9% cổ phần của CTCP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam vào năm 2017. Nguồn tin của Tokyo Gas cho biết số cổ phần có giá trị khoảng 49 triệu USD (tương đương 1.100 tỷ đồng) tính theo giá trị thị trường, nhưng từ chối tiết lộ giá trị chính xác do điều khoản giữ bí mật.

Việt Nam là nước thứ hai sau Malaysia mà Tokyo Gas mua cổ phần doanh nghiệp để tham gia phân phối khí gas.

Trước đó, tháng 8/2016, Công ty Tokyo Gas Asia, công ty 100% vốn chủ sở hữu của Tokyo Gas, cùng với PetroVietnam Gas (GAS), Tập đoàn Bitexco thành lập công ty có tên LNG Vietnam có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, nhằm phân phối khí hỏa lỏng cho các khách hàng lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tập đoàn Marubeni Nhật Bản

Sau 20 năm hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức văn phòng đại diện, Marubeni - tập đoàn hoạt động đa ngành của Nhật chính thức ra mắt Công ty TNHH Marubeni Việt Nam vào tháng 12/2011 nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Tập đoàn này tập trung vào các lĩnh vực như xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển hạ tầng. Marubeni sản xuất các mặt hàng của Việt Nam như thuỷ sản, cà phê và cũng là nhà phân phối lớn các mặt hàng như ngũ cốc, các sản phẩm hóa dầu…

Vào tháng 4/2019, tại cuộc gặp Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Tổng giám đốc Tập đoàn Marubeni mong muốn tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Theo đó, Marubeni muốn tiếp tục đầu tư vào xuất nhập khẩu, phát triển nguồn điện, chuỗi các dự án khí hóa lỏng, sản xuất - kinh doanh nước sinh hoạt, xử lý nước thải, nước ngầm... Tập đoàn cũng mong muốn sẽ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để mở rộng đầu tư ra nhiều lĩnh vực khác.

Gần đây nhất, đại diện Tập đoàn Marubeni đã tới Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất kế hoạch xây dựng tại tỉnh này một nhà máy điện khí LNG, sau 2 năm nghiên cứu. Dự án dự kiến được xây dựng trên diện tích 200ha, với tổng công suất 4.800 MW.

Marubeni cho biết dự kiến dự án này có vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD, quý II/2025 đưa vào vận hành thương mại, hợp đồng mua bán điện sẽ được thực hiện trong khoảng 25 năm sau đó.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.