Trong thời gian gần đây, trẻ em liên tục ở nhà và tiếp xúc với nhiều thiết bị điện để học tập, giải trí. Các em không chỉ học cách sử dụng máy tính để học online mà còn sử dụng tivi, điện thoại… ngày càng nhiều. Đặc biệt, có những phụ huynh vẫn đang lao động, sản xuất mỗi ngày, chỉ có trẻ em ở nhà một mình.
Có những trẻ còn quá nhỏ, bản tính tò mò, thích khám phá nhưng chưa nhận thức hết về sự nguy hiểm của điện. Như vậy, nỗi lo về các tai nạn điện giật ngày càng hiện hữu rõ ràng trong mỗi gia đình.
Vậy làm cách nào để phòng tránh các tai nạn nguy hiểm này? Sau đây là một số lưu ý để phụ huynh cẩn trọng trong đời sống thường ngày.
Thứ nhất, dạy cho trẻ sự nguy hiểm về điện
Cha mẹ nên dặn con không được dùng vật kim loại hoặc tay ướt chạm vào các vật có điện, kể cả dây điện, ổ cắm, nguồn điện,… Bên cạnh đó, không nên dùng khăn ẩm lau các thiết bị điện. Để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân thì việc giúp các em nhận thức rõ nguy hiểm là một điều rất quan trọng.
Gia đình nên tổ chức các trò chơi hoặc cung cấp cho trẻ những quyển sách hay để giúp trẻ quan tâm đến chủ đề an toàn điện. Bố mẹ cũng có thể dạy trẻ bằng cách sử dụng các video tương tác.
Chủ động giáo dục và nhắc nhở con về tai nạn điện giật là một trong những biện pháp bắt buộc để trẻ tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ tai nạn điện giật. Ảnh: Scivee
Thứ hai, thường xuyên kiểm tra an toàn điện trong nhà
Cha mẹ cần là người chú ý tới tình trạng an toàn của dây điện và các thiết bị điện trong nhà. Nếu trẻ chưa nhận thức được sự nguy hiểm của điện, người lớn nên sử dụng các nút nhựa bịt kín ổ cắm nằm trong tầm với của trẻ.
Đặc biệt, trước khi để trẻ sử dụng thiết bị điện, bạn hãy chủ động kiểm tra một lượt các nguồn điện xung quanh khu vực học tập, vui chơi của con có dấu hiệu gì bất thường hay không. Các thiết bị không sử dụng tới có tắt nguồn đúng cách hay không.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần dặn trẻ nhỏ rằng, không tự ý sửa chữa bất cứ thiết bị điện nào trong nhà. Nếu như xảy ra vấn đề hỏng hóc, các bé cần đi tìm người lớn để tìm cách giải quyết.
Thứ ba, luôn theo dõi con cẩn trọng
Cho dù đã chuẩn bị kiến thức cho trẻ về tai nạn điện giật, người lớn cũng không nên mất cảnh giác. Đôi khi, trẻ con ham chơi và tinh nghịch nên có thể bất cẩn tạo thành hiểm họa cho bản thân mà không hay biết.
Nếu có thể, phụ huynh cần dành thời gian để theo dõi quá trình con sử dụng các thiết bị điện. Nếu con tham gia học trực tuyến, cha mẹ có thể quan sát từ xa chứ không nên ngồi cạnh có thể gây mất tập trung cho trẻ. Quá trình này có thể giảm tối đa các hành động vì hiếu kỳ mà xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Thứ tư, sử dụng những vật dụng chất lượng tốt, giảm nguy cơ chập, cháy
Nhiều gia đình không đủ điều kiện mua trang thiết bị mới cho con học tập. Họ chỉ sử dụng những chiếc điện thoại, laptop cũ từ lâu. Nhiều thiết bị đã qua sử dụng trong thời gian dài, dẫn đến tuổi thọ và chất lượng pin giảm mạnh.
Do đó, nhiều bé vừa sử dụng máy để học tập, giải trí, vừa kết nối thiết bị điện tử với nguồn điện. Các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn cháy, nổ hoặc tai nạn điện giật là rất cao. Gia đình nên cảnh báo, tuyệt đối không cho trẻ vừa sử dụng trực tiếp vừa cắm sạc.
Để đảm bảo an toàn hơn, hãy nâng cấp thiết bị điện tử để đảm bảo an toàn cho quá trình sử dụng.
Thứ năm, thường xuyên hỏi con về những sự cố thường gặp
Đôi khi, dù chúng ta kiểm tra kỹ lưỡng đến mấy cũng có thể bỏ sót các dấu hiệu. Cần thường xuyên hỏi con về các sự cố xảy ra trong ngày để hiểu rõ chất lượng, tính an toàn của thiết bị trong nhà.
Những sự cố về Internet chỉ gây bất tiện cho đời sống chứ không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu có trục trặc về thiết bị, dây điện, pin sạc… thì sẽ để lại hậu quả khôn lường nếu không được phát hiện kịp thời.
Cần cẩn trọng trước bất cứ nguy cơ nào dù là nhỏ nhất để bảo vệ trẻ nhỏ trước tai nạn điện giật.
*Theo NHC, Sohu