Ra mắt năm 1986, Nhóc Maruko (Tên tiếng Anh: Chibi Maruko-Chan) là một bộ manga siêu nổi tiếng không chỉ ở quê nhà Nhật Bản mà còn ở Việt Nam. Chắc chắn rất nhiều người thuộc thế hệ 9X đều đã đọc và xem Maruko mà trưởng thành, bên cạnh Doraemon hay Conan.
Những câu chuyện đời sống hằng ngày ngốc nghếch nhưng vô cùng đáng yêu của cô bé Maruko không chỉ vui vẻ, giải trí mà còn truyền tải không ít bài học nhẹ nhàng về gia đình, tình bạn, cuộc sống cho trẻ nhỏ. Dẫu vậy, những thông tin về bộ truyện tranh siêu dễ thương này lại được rất ít người biết đến.
Tác giả Nhóc Maruko vô cùng kín tiếng, gần như không xuất hiện trước truyền thông
Đến tận bây giờ, người ta vẫn chưa bao giờ biết tên thật của Sakura Momoko - “mẹ đẻ” của Maruko. Một số trang tin quốc tế cho biết tên thật bà là Miura Miki, nhưng thông tin này chưa bao giờ được xác nhận. Là người đã tạo ra một nhân vật manga đình đám và nổi tiếng khắp Nhật Bản nhưng khác với các họa sĩ khác, bà vô cùng kín tiếng và không thích lộ mặt, càng không thích trả lời phỏng vấn của báo giới. Bà từng chia sẻ lý do mình không thích lộ diện đơn giản là vì muốn được đi mua sắm, du lịch bình thường. Mãi đến khi đi học, con trai của nữ họa sĩ cũng mới được biết mẹ mình là họa sĩ truyện tranh nổi tiếng, người đã tạo ra nhân vật hoạt hình “quốc dân” Maruko.
Sakura Momoko đã qua đời vì căn bệnh ung thư vú vào năm 2018, hưởng dương 53 tuổi. Bên cạnh việc sáng tác truyện tranh, bà còn là một nhà văn, nhà viết tiểu luận.
Maruko được sáng tác dựa trên chính tuổi thơ của tác giả
Ít ai biết rằng cái tên Maruko chỉ là biệt danh, và tên thật của cô bé mái ngố đáng yêu này chính là Sakura Momoko. Bà đã vẽ và sáng tác Maruko dựa trên ký ức về tuổi thơ ấu tươi đẹp của mình tại thành phố Shimizu, tỉnh Shizuoka.
Tính cách và cả các sở thích, thói quen, lối sống của bé Maruko chính là từ “mẹ đẻ”. Nếu bạn còn nhớ thì nhóc Maruko rất thích vẽ tranh, ôm mộng trở thành họa sĩ truyện tranh trong tương lai. Không ít nhân vật trong truyện cũng được họa sĩ lấy cảm hứng từ những người thân, bạn bè ngoài đời của mình. Nhiều người đã được tiếp xúc trực tiếp với Sakura Momoko miêu tả bà chính là “Maruko phiên bản người lớn”.
Có cả một bảo tàng Maruko ở Nhật Bản
Cô bé Maruko vẫn thường được xem là một trong các biểu tượng văn hóa đại chúng của Nhật Bản cùng với mèo máy Doraemon hay Edogawa Conan. Vậy nên không có lý do gì người Nhật không tôn vinh Maruko bằng cách xây dựng Bảo tàng Maruko ở Shimizu - quê nhà nữ họa sĩ và cũng là bối cảnh của bộ truyện.
Thông tin cá nhân của Maruko
Maruko tên thật là Sakura Momoko, sinh ngày 8/5/1965, dù được sáng tác từ năm 1986. Đây tất nhiên cũng là ngày sinh của tác giả vì bà đã vẽ lại chính mình ngày còn nhỏ. Thế nên bối cảnh thời gian trong truyện là vào thập niên 70 của thế kỷ trước. Và dù biết bao thập kỷ đã trôi qua, cũng như Conan mãi học lớp 1B thì Maruko vẫn mãi học lớp 3, là một cô bé 9 tuổi ngây thơ trong sáng mà thôi. Về ngoại hình, Maruko nổi bật nhất với mái tóc chia thành 7 chỏm trước trán và lúc nào cũng đỏ mặt.
Ý nghĩa dễ thương của cái tên Maruko
Maruko là một biệt danh rất thú vị và miêu tả chính xác vẻ đáng yêu của cô bé. Trong tiếng Nhật, “Maru” có nghĩa là tròn và “ko” là từ thường dùng làm hậu tố tên bé gái. “Chibi” và “chan” đều là tiền tố và hậu tố chỉ một đứa trẻ đáng yêu.
Maruko chỉ được phát hành trong vỏn vẹn chưa đầy 3 năm
Truyện tranh Nhóc Maruko ra số đầu tiên vào tháng 1 năm 1990, và phát hành tập cuối là tập 17 vào tháng 9 năm 1992. Dù thời lượng số truyện được sáng tác không quá nhiều, nhưng ảnh hưởng của Maruko rõ ràng kéo dài rất lâu sau đó. Cho đến tận thời điểm hiện tại, phim hoạt hình chuyển thể từ truyện tranh vẫn đang được sản xuất và phát hành.
Nguồn: Nippon