Được đưa vào trang bị năm 2014 sau một thời gian phát triển kéo dài hơn 25 năm, cho đến nay, máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Su-35S vẫn được coi là chiến đấu cơ uy lực nhất của Không quân Nga.
Hiện Không quân Nga đang có hơn 100 máy bay Su-35 trong biên chế cùng với khoảng 50 chiếc nữa đã sản xuất phục vụ mục đích xuất khẩu.
Dòng tiêm kích hạng nặng này lần đầu tiên được Quân đội Nga triển khai ở nước ngoài vào đầu năm 2016 để bảo vệ các lực lượng Nga tham chiến tại Syria.
Giống như hầu hết các máy bay chiến đấu tiền phương khác, Su-35 được phát triển dựa trên nguyên mẫu Su-27 từ thời Liên Xô nhưng các khả năng chiến đấu đã gia tăng đáng kể với việc đưa vào trang bị động cơ AL-41 mạnh mẽ hơn, khung sườn máy bay cũng được chế tạo bằng vật liệu composite có độ bền lớn hơn cùng với các thiết bị điện tử hàng không và cảm biến mới.
Su-35 được đánh giá là có khả năng cơ động cao, thời gian hoạt động trên không vượt xa các đối thủ phương Tây, trang bị hệ thống tác chiến điện tử Khibny-M tiên tiến cũng như các tên lửa tấn công tầm xa.
Tuy nhiên, khả năng tác chiến của Su-35 được cho là vẫn tồn tại một số hạn chế điển hình sau đây.
TIẾT DIỆN PHẢN XẠ RADAR LỚN
Đặc điểm nổi bật nhất phân biệt giữa các máy bay chiến đấu thế hệ 5 so với những thiết kế thế hệ 4 tiền nhiệm, trong đó có Su-35 thuộc thế hệ 4 chính là tính năng tàng hình giúp chúng có khả năng sống sót cao trước các đòn tấn công ngoài tầm nhìn của đối phương.
Việc thiếu khả năng tàng hình khiến Su-35 bị “lép vế” trước các máy bay chiến đấu được trang bị tính năng này, một ưu thế sẽ chi phối chiến trường trong thế kỷ 21. S-35 sẽ khó có thể tung ra đòn đánh đầu tiên vào các mục tiêu tàng hình mà ngược lại sẽ trở thành mục tiêu bị ngắm bắn từ khoảng cách xa.
TÊN LỬA KHÔNG ĐỐI KHÔNG TƯƠNG ĐỐI CŨ
Trong suốt những năm 1970, một bất lợi rất lớn của các máy bay chiến đấu Liên Xô là thiếu các tên lửa không đối không tấn công ngoài tầm nhìn, chẳng hạn như so với AIM-7 của Mỹ.
Tên lửa R-40 mặc dù được xem là loại uy lực nhất thế giới thời điểm đó nhưng lại quá nặng nên chủ yếu trang bị cho các tiêm kích đánh chặn MiG-25.
Nhược điểm này thay đổi khi Liên Xô bắt đầu đưa tên lửa R-27 vào biên chế nửa đầu những năm 1980 cho MiG-29 và Su-27, qua đó tạo ra một lợi thế lớn so với các đối thủ phương Tây.
Những biến thể không đối không sau này như R-37 hay R-77 được đánh giá ngang tài ngang sức với AIM-120 của Mỹ nhưng sự kiện Liên Xô sụp đổ khiến cả hai chương trình chế tạo tên lửa này bị đình trệ đáng kể. Do vậy, các máy bay chiến đấu Nga phần lớn vẫn phụ thuộc vào các biến thể R-27 cải tiến.
R-77 đã giành được các hợp đồng xuất khẩu đầu tiên ngay từ những năm 1990 nhưng Su-35 mới chỉ triển khai loại tên lửa này cho vai trò chiến đấu tiền phương vào 2016 còn lại thường xuyên vẫn là R-27.
Tên lửa R-77, mặc dù có thể so sánh với AIM-120C của Mỹ nhưng vẫn kém xa so với AIM-120D, thậm chí là PL-15 Trung Quốc mới đưa vào trang bị năm 2014 và 2015.
Các mẫu tên lửa mới như K-77M với hệ thống dẫn hướng APAA và có tầm tấn công gấp đôi R-77 hay R-37M có tầm bắn 400 km và tốc độ Mach 6, có thể giúp Su-35 đảo ngược thế cờ, nhưng thực tế chúng lại chưa được triển khai rộng rãi.
Su-35 với các tên lửa Kh-35, Kh-38, R-77 và R-73
RADAR MẢNG PHA QUÉT ĐIỆN TỬ THỤ ĐỘNG (PESA)
Việc thiếu radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) là một hạn chế dễ nhận thấy của Su-35 Nga trong khi công nghệ này đã được Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đẩy mạnh triển khai từ những năm 2000.
Radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) N035 Irbis-E của Su-35 được đánh giá là có khả năng phát hiện và bám bắt máy bay tàng hình tốt hơn các loại radar đời cũ.
Tuy nhiên, PESA dễ bị gây nhiễu hơn các phiên bản radar mảng pha quét điện tử chủ động trang bị trên các dòng tiêm kích của phương Tây. Trong khi đó, Nga hiện không có kế hoạch trang bị radar AESA cho Su-35S.
CHI PHÍ BẢO TRÌ CAO
Có lẽ, nhược điểm đáng kể nhất của Su-35 so với các máy bay chiến đấu đối thủ là yêu cầu bảo dưỡng và chi phí vận hành cao.
Điều này khiến Su-35 khó duy trì ở mức độ sẵn sàng chiến đấu cao hơn. Dù được sản xuất với chi phí hiệu quả đến đâu thì nó vẫn sẽ khiến bất kỳ lực lượng quân sự nào sử dụng dòng chiến đấu cơ này cũng phải dành ra một khoản tiền đáng kể trong suốt vòng đời hoạt động.
Chi phí bảo dưỡng và vận hành cao cũng có ý nghĩa là trong thời chiến các phi vụ xuất kích của Su-35 sẽ ít hơn và dễ bị tổn thương hơn trước các nỗ lực ngăn chặn nhằm vào nguồn cung cấp nhiên liệu và phụ tùng của đối phương.