Nhân sự kiện Mỹ gửi Công hàm đến Liên Hợp Quốc (LHQ) phản đối yêu sách trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, Thạc sĩ Hoàng Việt, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh dành cho chuyên trang Trí Thức Trẻ, Báo Điện tử Tổ quốc bài viết phân tích về tính pháp lý và thông điệp của Mỹ.
Theo quy định của phía Mỹ và trong quan hệ quốc tế, văn bản này của phía Mỹ kèm theo trong thư gửi lên LHQ, văn bản này có chữ ký trực tiếp của bà Kelly Craft - Đại sứ và là Trưởng Phái đoàn thường trực của Mỹ tại LHQ.
Văn bản này cũng sử dụng ngôi thứ nhất, cho nên tính trang trọng rất cao, hơn hẳn các Công hàm dùng ở ngôi thứ 3 và không có chữ ký trực tiếp. Theo quy định tại Công ước Viên về quan hệ ngoại giao năm 1961 thì Trưởng Phái đoàn thường trực là đại diện của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Chính vì vậy, văn bản này mang tính pháp lý đại diện cho Chính phủ Mỹ.
Đã có nhiều tranh luận về việc Mỹ không tham gia UNCLOS như một thành viên chính thức. Các học giả Mỹ cho biết do các nghị sĩ Đảng Cộng hoà chưa muốn Mỹ tham gia UNCLOS nên chưa chấp thuận việc Quốc hội Mỹ thông qua Công ước này.
Tuy nhiên, cho dù Mỹ không phải là thành viên chính thức của UNCLOS, nhưng Mỹ cũng tuyên bố rõ là Mỹ tôn trọng và tuân thủ các quy định luật biển quốc tế nói chung, trong đó có UNCLOS. Việc không phải là thành viên chính thức của UNCLOS sẽ chỉ ngăn cản Mỹ có tiếng nói chính thức trong các vấn đề của các hội nghị của các thành viên UNCLOS mà thôi.
Cho dù Mỹ không là thành viên của UNCLOS mà tôn trọng và tuân thủ UNCLOS thì còn tốt hơn như trường hợp Trung Quốc tuy là thành viên nhưng phớt lờ, thậm chí vi phạm nghiêm trọng UNCLOS.
Lập trường của Mỹ về vấn đề này thì đã được các quan chức Mỹ thể hiện nhiều lần, tuy nhiên, đây là lần đầu Mỹ gửi công hàm lên LHQ để phản đối các yêu sách biển quá đáng của Trung Quốc. Sự kiện này cũng có thể được coi là một thông điệp quan trọng mà Mỹ muốn gửi tới các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ASEAN và Trung Quốc.
Thông điệp này mang hàm ý là Mỹ ủng hộ và đứng bên cạnh các quốc gia ASEAN để chống lại các yêu sách sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ muốn thể hiện thông điệp này trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung càng ngày càng xấu đi cũng như Trung Quốc liên tiếp gia tăng việc ức hiếp, khiêu khích các quốc gia ASEAN tại Biển Đông thông qua nhiều hành động hung hăng, hiếu chiến của họ.
Trong văn bản, Đại sứ Mỹ tại LHQ có đề cập đến phán quyết của tòa trọng tài năm 2016, khẳng định là phán quyết cuối cùng và ràng buộc pháp lý.
Việc Mỹ tuyên bố như vậy trong văn bản gửi lên LHQ cho thấy Mỹ thể hiện sự tôn trọng và tuân thủ đối với Phán quyết của Toà trọng tài năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Vụ Philippines kiện Trung Quốc từng được coi là "Vụ kiện thế kỷ". Cho đến nay, Phán quyết 2016 là một phần quan trọng của Luật biển quốc tế và UNCLOS. Chính vì vậy, tất cả các quan điểm và yêu sách của các quốc gia trên Biển Đông đều phải tuân thủ và áp dụng Phán quyết này.
Phán quyết 2016 được coi là một phán quyết quan trọng trong việc giải thích rõ thêm một số vấn đề chưa rõ ràng trong các quy định của UNCLOS 1982. Tuy nhiên, cho dù là một quốc gia thành viên của UNCLOS, luôn miệng nói tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS, nhưng Trung Quốc lại tuyên bố coi Phán quyết năm 2016 chỉ như "tờ giấy lộn" không hơn không kém.
Điều này cũng cho thấy việc Trung Quốc vi phạm UNCLOS ra sao. Qua đó, Mỹ muốn cộng đồng thế giới hiểu được quan điểm của mình và chắc có lẽ, muốn cộng đồng quốc tế cùng nêu ra vấn đề theo cách tương tự.
Ngoài Mỹ, các quốc gia ASEAN như Philippines, Việt Nam, Indonesia cũng đã lên tiếng để bảo vệ lợi ích của họ trước sự tham lam vô lối của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong nội dung của các công hàm của các quốc gia kể trên, có nhiều điểm chung. Trong đó, có việc phản đối "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Đồng thời các quốc gia kể trên cũng phản đối lập luận có các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc ở Biển Đông bởi vì Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền đối với tất cả các cấu trúc ở Biển Đông.
Theo quy định của điều 121 của UNCLOS, không một cấu trúc nào ở Biển Đông có thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cả. Chưa kể, việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền cùng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với các bãi ngầm luôn chìm dưới mặt nước biển và đối với các cấu trúc lúc nổi lúc chìm là sự vi phạm nghiêm trọng đến luật quốc tế và UNCLOS.
Ngoài ra, tất cả các quốc gia trên đây, kể cả Malaysia cũng đều tỏ ý thừa nhận và tôn trọng Phán quyết năm 2016. Ngay sau khi Tòa đưa ra phán quyết, Việt Nam đã bày tỏ quan điểm hoan nghênh Tòa án Thường trực Trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng.
Điều này trái ngược với thái độ của Trung Quốc khi coi thường và phớt lờ Phán quyết 2016.
Chúng ta có thể hy vọng với các công hàm như vậy, có thể sẽ dẫn đến một phong trào rộng khắp trên thế giới để chống lại các yêu sách sai trái, cũng như việc vi phạm luật pháp quốc tế nói chung, trong đó có UNCLOS. Nếu vậy, sẽ khiến trật tự thế giới và khu vực ổn định hơn khi tất cả các bên đều tôn trọng luật pháp quốc tế để cùng nhau tồn tại và phát triển.