Theo Globocan 2020, ung thư máu là 1 trong 7 bệnh ung thư có số ca mắc mới cao nhất Việt Nam. Mỗi năm, có gần 6.300 người Việt mắc mới ung thư máu và hơn 4.700 người tử vong vì căn bệnh này.
Ung thư máu hay còn gọi là bệnh bạch cầu cấp thường khó phát hiện vì các triệu chứng của bệnh khá mơ hồ. Chính vì thế, việc hiểu biết về các dấu hiệu của ung thư máu là điều quan trọng để giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất gióng lên hồi chuông cảnh báo của ung thư máu có thể xuất hiện trên da, đó là các vết bầm tím. Vết bầm tím thường hình thành khi các mạch máu dưới da bị tổn thương. Bệnh nhân bị ung thư máu thường có những vết bầm tím trên da do cơ thể họ không tạo đủ tiểu cầu để bịt lại các mạch máu đang bị chảy máu.
Phân biệt bầm tím của ung thư máu và bầm tím thông thường
Bầm tím hoặc chảy máu là một trong những triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến chẩn đoán ung thư máu. Theo cuộc khảo sát bệnh nhân năm 2018 của Leukaemia Care (Vương Quốc Anh) có tên " Sống chung với ung thư máu ", 24% bệnh nhân cho biết họ thường xuyên bị bầm tím và chảy máu trước khi được chẩn đoán mắc ung thư máu.
Hầu hết không có lý do gì để lo lắng về vết bầm tím là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với chấn thương. Tuy nhiên, bầm tím do ung thư máu có bề ngoài rất giống với bầm tím thông thường nên chúng dễ dàng bị bỏ qua.
Bầm tím do ung thư máu thường có đặc điểm:
- Xảy ra ở những nơi bất thường, ví dụ như lưng, chân, tay. Ở trẻ em, bầm tím có thể xuất hiện ở mặt, mông, tai, ngực.
- Xuất hiện nhiều vết bầm tím không rõ nguyên nhân nhân. Có bệnh nhân cho biết họ đếm được tới 40 vết bầm tím khắp người.
- Lâu biến mất, thậm chí tiếp tục phát triển về kích thước. Một vết bầm bình thường có xu hướng lành sau khoảng 2-4 tuần. Nhưng bầm tím ở ung thư máu có thể kéo dài hơn 4 tuần.
- Bầm tím xuất hiện cùng xuất huyết, ví dụ chảy máu cam thường xuyên hoặc chảy máu chân răng, đốm xuất huyết màu đỏ dưới da.
- Các vết bầm tím xuất hiện kéo theo triệu chứng da xanh xao.
Dấu hiệu khác của ung thư máu
Ngoài các vết bầm tím, Hiệp hội Ung thư máu Vương Quốc Anh khuyến cáo mọi người nên chú ý tới những triệu chứng khác của bệnh, như:
- Mệt mỏi
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Dễ chảy máu
- Sưng hạch bạch huyết
- Sưng hoặc đau bụng
- Thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng
- Đổ mồ hôi đêm
- Đau xương, khớp
- Khó thở, hụt hơi
Nếu thấy các triệu chứng này, đặc biệt nếu triệu chứng kéo dài, cần tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và thăm khám.
Nguồn: Express, Leukaemia Care