Dưới đây, BS nhãn khoa Lê Phi Hoàng (Bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Mắt Hà Đông) chỉ ra những dấu hiệu thể hiện sự lão hóa của mắt mà người trong độ tuổi trung niên cần lưu ý:
1. Giảm thị lực nhìn gần
Giảm thị lực nhìn gần là một trong những biểu hiện đầu tiên và phổ biến nhất của lão hóa mắt. Đây gọi là hiện tượng lão thị. Người trung niên sẽ cảm thấy nhìn mờ, lóa mắt và nhức mắt khi nhìn gần như khi đọc sách, xem điện thoại hay làm việc với máy tính. Họ phải đưa sách hoặc điện thoại ra xa hơn bình thường để nhìn rõ hơn. Nguyên nhân của lão thị là do suy giảm chức năng điều tiết của mắt do tuổi.
Để khắc phục lão thị, người trung niên cần đeo kính lão khi nhìn gần. Tuổi càng cao thì hiện tượng lão thị càng nặng nên cần phải đeo kính lão nặng hơn. Do đó các bác sĩ khuyến cáo nên đi khám mắt 6 tháng một lần để điều chỉnh số kính khi cần thiết.
2. Hiện tượng ruồi bay, chớp sáng
Đây là dấu hiệu lão hóa của dịch kính. Dịch kính giống như một khối thạch trong suốt nhưng khi lão hóa, nó hóa lỏng và hình thành những đám vẩn đục trôi lơ lửng trong buồng dịch kính tạo ra hiện tượng nhìn thấy ruồi bay, mạng nhện, sợi tóc hay bồ hóng. Ngoài ra, khi dịch kính thoái hóa nó cũng bị bong ra khỏi võng mạc chỉ còn lại một vài điểm dính.
Khi dịch kính di chuyển nó sẽ giật vào võng mạc tại những điểm dính này tạo ra hiện tượng chớp sáng. Bệnh nhân thường mô tả như có tia sáng lóe lên trong mắt. Thông thường hiện tượng chớp sáng không gây hại nhưng đôi khi có thể gây biến chứng rách võng mạc hoặc xuất huyết dịch kính.
3. Hiện tượng lóa sáng
Nhiều người phàn nàn rằng sau tuổi 40 họ rất hay bị lóa mắt. Ngoài vấn đề khô mắt, đây có thể là dấu hiệu lão hóa thể thủy tinh. Các sợi thể thủy tinh thay đổi cấu trúc và độ trong suốt khiến ánh sáng đi vào mắt bị tán xạ gây lóa. Ngoài ra, những bệnh nhân tiểu đường hay dùng thuốc corticoid kéo dài cũng sẽ bị đục thể thủy tinh sớm hơn thông thường gây hiện tượng nhìn mờ và lóa mắt khi gặp ánh sáng mạnh.
4. Thị lực thay đổi
Từ tuổi trung niên, các sợi của thể thủy tinh bị lão hóa làm thay đổi chiều dày và chỉ số khúc xạ của thể thủy tinh. Do đó, tình trạng khúc xạ của mắt bị thay đổi. Điều này khiến một người trước đây có thị lực tốt trở nên nhìn mờ hơn. Ngoài ra, thị lực thay đổi ở người trung niên cũng có thể là hậu quả của đái tháo đường hay tăng huyết áp trên đôi mắt.
Theo các nghiên cứu, ở bệnh nhân đường huyết cao, tật khúc xạ của mắt thường bị thay đổi theo hướng viễn thị hơn khiến mắt nhìn mờ hơn. Sau khi điều trị đường huyết ổn định mắt có thể quay về trạng thái khúc xạ ban đầu. Do đó, ở bệnh nhân đái tháo đường, các bác sĩ khuyên không nên cấp đơn kính khi đường huyết chưa ổn định. Ngoài ra, đái tháo đường và tăng huyết áp cũng làm suy giảm dòng máu nuôi dưỡng đến võng mạc khiến thị lực dao động.
5. Nhìn méo hình
Nhìn méo hình là dấu hiệu điển hình của các bệnh lý võng mạc hoàng điểm. Các bệnh thường gặp nhất là bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, bệnh võng mạc đái tháo đường, phù hoàng điểm dạng nang, tắc mạch máu võng mạc, tân mạch hắc võng mạc,...
Những bệnh này gây phù hoàng điểm, tràn dịch dưới hoàng điểm khiến bệnh nhân nhìn hình bị méo. Nếu không được điều trị có thể mất thị lực vĩnh viễn. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm stress kéo dài, mất ngủ, sử dụng nhiều bia rượu, đái tháo đường và tăng huyết áp. Đây đều là những vấn đề thường gặp ở tuổi trung niên.
6. Cộm vướng, khô mắt
Đây thường là dấu hiệu của kết giác mạc và bờ mi. Ở tuổi trung niên, các tế bào kết giác mạc bắt đầu bị suy giảm chức năng sau 1 thời gian dài tiếp xúc với các yếu tố có hại từ môi trường như khói, bụi, tia UV. Do đó dễ phát sinh các bệnh như mộng thịt, viêm kết mạc, viêm giác mạc, khô mắt gây cộm vướng.
Ngoài ra, nội tiết tố có vai trò quan trọng trọng hoạt động chức năng của các tuyến bờ mi và tuyến lệ phụ. Khi đến tuổi trung niên, các nội tiết tố của cơ thể suy giảm, nhất là ở phụ nữ, gây suy giảm chức năng của các tuyến này dễ dẫn đến viêm bờ mi và khô mắt.