Những cú lừa bạc triệu "mùa Covid-19" ở Trung Quốc: Hết lấy danh nghĩa từ thiện, giả làm giáo viên đến tự nhận là bệnh nhân không có tiền cách ly

Nguyên Dũng TT | 16-01-2021 - 19:57 PM

(Tổ Quốc) - Dịch Covid-19 là 1 trong những nguyên nhân khiến các vụ lừa đảo thông qua điện thoại, mạng Internet gia tăng tại Trung Quốc trong thời gian qua.

Theo tờ People's Daily, từ ngày 22/3/2020 dịch bệnh Covid-19 bùng phát, 1 số đối tượng tội phạm đã nhân cơ hội thực hiện hành vi lừa đảo, bán các đồ vật bảo hộ rởm, đóng giả thủ quỹ lớp để thu học phí, giả danh công chức nhà nước để lừa đảo... Dưới đây là 1 số chiêu trò "đổi trắng thay đen" đã được phanh phui ở Trung Quốc trong năm đầu đương đầu với đại dịch.

1. Bán khẩu trang và nước khử trùng fake

Những cú lừa bạc triệu mùa Covid-19 ở Trung Quốc: Hết lấy danh nghĩa từ thiện, giả làm giáo viên đến tự nhận là bệnh nhân không có tiền cách ly - Ảnh 1.

Người dân Trung Quốc đeo khẩu trang ở nơi công cộng (Ảnh minh họa)

Hình thức: Chào mời công khai trên các nền tảng xã hội với nội dung: "Lô hàng khẩu trang y tế, nước khử trùng vừa về. Nguồn cung đang khan hiếm, nhanh tay đặt hàng kẻo hết."

Chân tướng: Tội phạm khai man rằng bọn chúng có thể mua hoặc tích trữ khẩu trang, nhiệt kế và các vật liệu phòng chống dịch bệnh khác. Tuy nhiên, sau khi người mua thanh toán, chúng sẽ từ chối vận chuyển hàng vì nhiều lý do, trả lời quanh co rằng khẩu trang bị giữ lại kiểm tra trong quá trình vận chuyển hoặc gửi hàng kém chất lượng. Đến khi người mua liên hệ lại thì phát hiện mình đã bị chặn.

Vụ án điển hình: Vào cuối tháng 1/2020, tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), anh Trương đã tìm đến người đàn ông họ Lý để nhập khẩu trang. Lý nói dối là mình có nguồn cung từ 1 công ty dược phẩm, mua 3.000 chiếc khẩu trang với giá 5 tệ (tương đương 18 nghìn đồng)/ chiếc, sau đó y bán lại cho Trương với giá thấp chỉ 1 tệ (tương đương 3,5 nghìn đồng)/ chiếc để lấy lòng tin.

Sau khi nhận được khẩu trang, anh Trương đã huy động thêm 18 người góp tiền mua chung. Trong khoảng thời gian này, 1 số người thân và bạn bè tỏ ý nghi ngờ, nhưng vì đã được mua với giá rẻ nên họ cũng không hỏi thêm. Mặt khác, Lý luôn gọi điện thúc giục nói rằng hàng hóa đang rất khan hiếm, mua khó, khiến anh Trương đánh liều chuyển khoản cho y. Lúc nhận được số tiền 2,26 triệu tệ (tương đương 8 tỷ đồng), đối tượng lừa đảo nhanh chóng chặn tài khoản WeChat của anh Trương và bỏ trốn.

Sau khi nhận được tin báo, cơ quan an ninh đã bắt giữ Lý và thu hồi được 1,11 triệu tệ (tương đương 4 tỷ đồng) cho người bị hại.

2. Lừa đảo dưới danh nghĩa từ thiện

Những cú lừa bạc triệu mùa Covid-19 ở Trung Quốc: Hết lấy danh nghĩa từ thiện, giả làm giáo viên đến tự nhận là bệnh nhân không có tiền cách ly - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Hình thức: Kêu gọi "đóng góp cho người dân vùng dịch ở thành phố Vũ Hán".

Chân tướng: Tội phạm giả danh các tổ chức từ thiện đăng thông tin sai sự thật trên các nền tảng xã hội, kêu gọi quyên góp để thực hiện hành vi lừa đảo.

Vụ án điển hình: Vào ngày 27/1/2020, đối tượng họ Thái đã đăng ký tài khoản WeChat có tên Hiệp Hội Từ Thiện Vũ Hán, sau đó bắt đầu đăng những thông tin sai sự thật như "danh sách nhà hảo tâm quyên góp tiền" ủng hộ cho vùng dịch Vũ Hán và để mã QR kêu gọi ủng hộ.

Từ 18h - 22h ngày hôm đó, có 109 người đã quét mã để quyên góp, tổng cộng y thu về 8.833 tệ (tương đương 31,5 triệu đồng). Y đã dùng số tiền phi pháp này để mua máy tính xách tay và các vật dụng cá nhân khác.

Ngày 30/1/2020, Thái đã bị tạm giữ hình sự. Sau khi xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Yết Dương, tỉnh Quảng Đông đã kết án y 1 năm tù vì tội lừa đảo và phạt 3.000 tệ (tương đương 11 triệu đồng). 

3. Bán "thuốc kháng sinh điều trị Covid-19" giả

Hình thức: Rao bán "thuốc kháng sinh điều trị Covid-19 mới được điều chế bởi tổ chức ABC".

Chân tướng: Các đối tượng lừa đảo giả danh cơ quan chính phủ, đơn vị kiểm soát dịch bệnh, cơ quan nghiên cứu thuốc, tổ chức phi lợi nhuận… quảng bá "tân dược". Thậm chí còn dán nhãn tiếng nước ngoài lên thuốc giả, thuốc kém chất lượng để tiêu thụ.

Vụ án điển hình: Một người đàn ông họ Khâu gọi điện và thuyết phục được anh Trần (nạn nhân) mua loại "thuốc đặc trị" chống virus Covid-19, họ hẹn gặp giao dịch vào ngày 27/1/2020. Trưa hôm đó, anh Trần đã mua 42 viên thuốc qua WeChat và chuyển khoản 9.000 tệ (tương đương 32 triệu đồng) cho đối tượng. Sau khi được gia đình nhắc nhở, anh này liền liên lạc lại với Khâu nhưng đã bị chặn số. Vào ngày 29/1, Khâu bị Cảnh sát Đường sắt Phúc Châu ở tỉnh Phúc Kiến bắt giữ.

4. Trì hoãn khai giảng, giả làm giáo viên

Những cú lừa bạc triệu mùa Covid-19 ở Trung Quốc: Hết lấy danh nghĩa từ thiện, giả làm giáo viên đến tự nhận là bệnh nhân không có tiền cách ly - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Hình thức: Gửi tin nhắn giả mạo có nội dung: "Gửi các vị phụ huynh, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhà trường yêu cầu thu học phí trực tuyến. Vui lòng ấn vào đường link trong nhóm để thanh toán càng sớm càng tốt."

Chân tướng: Do dịch bệnh, nên nhiều trường đã chuyển sang phương pháp dạy học online. Tội phạm tìm kiếm các từ khóa như "nhóm phụ huynh" và thông qua 1 số nhóm QQ không cài mật khẩu xác minh, quản lý lơ là, phụ huynh quá tin tưởng giáo viên và các sơ hở khác, để mạo danh là giáo viên nhà trường và gửi mã QR thu tiền. Tinh vi hơn, chúng còn nói chuyện riêng với từng phụ huynh và yêu cầu thanh toán các loại phí "tự biên tự diễn".

Vụ án điển hình: Vào ngày 13/2/2020, đối tượng họ Lý đã vào nhóm QQ "Ôn tập tiếng Anh" của 1 trường tiểu học ở thành phố Nam Kinh. Người này tự xưng là giáo viên và nói rằng để đảm bảo chất lượng giảng dạy trong thời gian dịch bệnh, Phòng Giáo dục thống nhất tổ chức dạy thêm ngoài giờ và học phí là 1.300 tệ (tương đương 4,6 triệu đồng). Sau đó Lý đã gửi mã QR vào trong nhóm và yêu cầu phụ huynh thanh toán.

Có 2 vị phụ huynh bị mắc lừa và chuyển khoản cho y, nhưng ngay sau đó Lý đã nhanh chân rời khỏi nhóm và hủy kết bạn với người bị hại.

5. Giả làm "bệnh nhân Covid" để lừa đảo

Những cú lừa bạc triệu mùa Covid-19 ở Trung Quốc: Hết lấy danh nghĩa từ thiện, giả làm giáo viên đến tự nhận là bệnh nhân không có tiền cách ly - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Hình thức: Than thở với người khác rằng: "Tôi là bệnh nhân Covid, không có tiền điều trị, có thể cho tôi vay tiền không?"

Chân tướng: Đối tượng nói dối rằng mình bị mắc bệnh truyền nhiễm, cầu xin sự thương hại nhằm lừa tiền nạn nhân.

Vụ án điển hình: Một người đàn ông họ Nghiêm ở thành phố Tô Châu đã nói dối rằng mình là 1 tình nguyện viên đến thành phố Vũ Hán để tham gia phòng chống dịch, sau đó bị nhiễm bệnh và được đưa về khu cách ly. Nhưng vì không có tiền nên không nhận được điều trị tốt ở bệnh viện. Nạn nhân là cô gái Trương, họ làm quen nhau trong lúc chơi game. Sau khi biết Nghiêm là tình nguyện viên, cô Trương rất ngưỡng mộ và trong 3 ngày cô đã chuyển cho đối tượng 14.488 tệ (tương đương 51,7 triệu đồng).

Sau khi lấy được tiền, y "bốc hơi" và không còn liên lạc với nạn nhân nữa. Cô gái nhận ra mình bị lừa bèn đi báo công an. Vào chiều ngày 4/2, cảnh sát từ Sở cảnh sát thành phố Tô Châu đã bắt giữ Nghiêm.

Nguồn: People's Daily

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Khám phá "Thế giới trang sức" lộng lẫy của Lộc Phúc tại triển lãm Jewelry Fair 2024

Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Triển lãm Jewelry Fair 2024 với chủ đề "Tôn vinh phụ nữ - Tỏa sáng vẻ đẹp vượt thời gian" đã chính thức khép lại vào ngày 07/11/2024 tại Aeon Mall Tân Phú. Sự kiện do Lộc Phúc Fine Jewelry phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức đã thực sự mang đến một không gian trang sức đầy màu sắc,