Những cụ bà, cụ ông gần 30 năm gắn bó với nghề tư vấn sức khỏe miễn phí ở Hà Nội

Minh Ngọc | 25-02-2020 - 07:30 AM

(Tổ Quốc) - Nhiều người dân Hà Nội không còn xa lạ với Phòng tư vấn sức khỏe (thuộc Hội Chữ thập đỏ, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai), nơi đây quy tụ những bác sĩ, y tá lớn tuổi cùng nhau tự nguyện tư vấn sức khỏe miễn phí ngay tại trụ sở của Hội vào những ngày đầu tuần.

Tự bỏ tiền đi lại để làm việc 0 đồng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người đầu tiên sáng lập "phòng khám" này là cụ bà Trương Thị Hội Tố (nguyên là Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Nam Định).

Cụ Trương Thị Hội Tố chia sẻ về công việc thiện nguyện

87 tuổi, nhưng cụ Tố đã 29 năm gắn bó với công việc thiện nguyện tại phòng tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân kể từ khi nghỉ hưu ở quê lên Hà Nội. Bao nhiêu năm gắn bó với công việc, cụ Tố cũng phải trải qua biết bao kỷ niệm, nhưng đối với cụ đó lại là những niềm vui của tuổi già.

Cụ Tố chia sẻ, bản thân 2 lần làm vợ liệt sĩ (người chồng thứ nhất của cụ hy sinh khi chưa có con, còn người chồng thứ 2 cũng liệt sĩ khi đã có những người con, hiện tại đều trưởng thành).

Người dân luôn được kiểm tra sức khỏe sơ bộ mỗi khi đến phòng tư vấn

Người dân luôn được kiểm tra sức khỏe sơ bộ mỗi khi đến phòng tư vấn

Sau khi nghỉ hưu với công tác ở nhà trường và có những thời gian tham gia vào chuyên môn (sản khoa) ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định, cụ Tố về Hà Nội với các người con. Thời gian này xã hội nói chung còn nhiều khó khăn, người dân đi khám bệnh ở các bệnh viện cũng gặp không ít phiền toái.

"Thấy bệnh viện đông lắm, chờ đợi lâu, mà mình thì có chuyên môn, tôi nghĩ mình làm việc tư vấn như thế này để giảm tải cho bệnh viện. Vì vậy, tôi muốn làm việc từ thiện, nhiều người muốn cho tiền nhưng tôi không lấy".

Bất cứ ai ủng hộ đều được các cụ kiểm tra, ghi chép

Bất cứ ai ủng hộ đều được các cụ kiểm tra, ghi chép

Thấy cụ Tố nói đến đây một đồng nghiệp tiếp lời: "Thậm chí hàng ngày từ nhà riêng đến đây làm việc, mỗi tuần ít cũng 2 lần thuê xe ôm mất tầm 70 nghìn/ lượt nhưng mà vẫn cứ vui như Tết, nhiều lần đi làm từ thiện cụ còn xung phong đóng góp trước".

Cụ Tố tiếp tục chia sẻ trong suốt những năm tháng đều đặn với công việc thiện nguyện, đó toàn là những kỷ niệm khiến cụ và các đồng nghiệp thêm vui.

Cụ Tố luôn vui vẻ với công việc tuổi già

Cụ Tố luôn vui vẻ với công việc tuổi già

Theo cụ Tố, vì là phòng tư vấn chứ không phải "phòng khám" nên 29 năm qua không có người bệnh nặng. Ngoài việc tư vấn sức khỏe là chính, thì những lần giao lưu với người dân giúp cụ thêm niềm vui.

"Có những cụ bảo con cái chở ra phòng tư vấn Hội Chữ thập đỏ, ra đó được gặp các cụ, có cả cụ Tố, nghe thấy vậy là cũng rất vui".

Mong muốn có người nối tiếp công việc

Cách đây 29 năm, phòng tư vấn được thành lập và đặt tại trụ sở UBND quận Hai Bà Trưng (Giáp Bát khi đó là một phường trực thuộc). Sau khi tách quận, phòng khám liên tục được di chuyển bởi các địa điểm nâng cấp hoặc xây dựng mới.

Theo những người hiện đang công tác tại đây, để được như ngày hôm nay, hồi mới đầu BS Tố phải đi khắp nơi thuyết phục, vận động các cán bộ y tế, BS về hưu để chung tay xây dựng phòng khám từ thiện.

Cụ Lê Thị Sóc chia sẻ về công việc của phòng tư vấn sức khỏe

Người đầu tiên tâm đầu ý hợp mà BS Tố gặp được là y tá Lê Thị Sóc đang công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn (nay đã 91 tuổi).

Cụ Sóc kể: "25 năm tôi theo công việc này, chỉ tính trên địa bàn phường này đã có 7 lần chuyển chỗ. Được khang trang như thế này là sự tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp, hoàn toàn tự nguyện (không lương, không trợ cấp bất cứ thứ gì) nhưng chúng tôi được coi như một bộ phận. Bằng này tuổi nhưng tôi luôn nghĩ mình phải làm để có niềm vui, không biết đến bao giờ mới dừng lại".

Đến với phòng tư vấn chủ yếu là người già

Đến với phòng tư vấn chủ yếu là người già

Theo cụ Sóc, từ ngày thành lập đến nay có 2 người đã mất. Thế hệ của các cụ bây giờ còn lại BS Tố và y tá Sóc.

Để tiếp tục duy trì hoạt động công việc thiện nguyện, BS Tố rất vất vả mới quy tụ thêm được BS Nguyễn Duy Đức có chuyên môn cao, ông từng công tác tại phòng khám chuyên khoa thuộc Bộ Y tế và y tá Đỗ Thị Sáu.

BS Đức theo dõi tủ huốc

BS Đức theo dõi kiểm tra tủ thuốc

Những cụ bà, cụ ông gần 30 năm gắn bó với nghề tư vấn sức khỏe miễn phí ở Hà Nội - Ảnh 8.

Mỗi người đến khám đều được cấp thuốc miễn phí

Nguồn thuốc tại phòng tư vấn được các BS trực tiếp đi xin từ các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm và các mạnh thường quân.

Mỗi loại thuốc được chuyển về, các BS, y tá đều tự tay phân loại, ghi chú, sàng lọc cẩn thận.

"Tôi cũng như bà Tố có nhiều năm công tác nên xin được nguồn từ các mối quan hệ. Ban đầu khó khăn thì tự vận động, các con, người thân cùng ủng hộ. Sau đó nhiều người biết đến nhiều thì chung tay", cụ Sóc kể.

BS Đức vui vẻ chia sẻ về công việc của mình

BS Đức vui vẻ chia sẻ về công việc của mình

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, lãnh đạo UBND phường Giáp Bát tặng hoa cho phòng tư vấn sức khỏe

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, lãnh đạo UBND phường Giáp Bát tặng hoa cho phòng tư vấn sức khỏe

Tiếp lời, cụ Tố chia sẻ nỗi niềm: "Nhiều lần ông Đức nói rằng muốn nghỉ ngơi nhưng tôi đáp rằng; nếu ông mà nghỉ thì còn ai. Ông nghỉ tôi cũng nghỉ. Tôi muốn những bác sĩ, nhân viên y tế sau khi nghỉ hưu thì hãy tham gia vào công việc này", BS Tố bày tỏ.

Những cụ bà, cụ ông gần 30 năm gắn bó với nghề tư vấn sức khỏe miễn phí ở Hà Nội - Ảnh 11.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Phó chủ tịch UBND phường Giáp Bát

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Phó chủ tịch UBND phường Giáp Bát, cho hay, phòng tư vấn được chuyển về phường này từ năm 2004, hoạt động duy trì đều đặn.

Từ ngày có phòng tư vấn trên địa bàn, tuy chỉ là tư vấn nhưng luôn duy trì vào các thứ 2 hàng tuần đã giúp được cho rất nhiều người. Những người dân đến đây đều được tư vấn, đặc biệt phù hợp với những người cao tuổi.

"Chính quyền và người dân rất trân trọng các bác vì hoàn toàn tự nguyện. Khi nói đến ra phòng tư vấn ở phường, các cụ cảm thấy hoàn toàn tin tưởng. Khi được tư vấn ở đây, rất nhiều người về cũng thực hiện theo, ai cũng rất yên tâm", bà Hoa chia sẻ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM