Các tựa game kinh dị được sản xuất ra với mục đích chính là khiến người chơi cảm thấy được kích thích, sợ hãi. Thế nên, những câu chuyện ám ảnh, những quái vật kinh dị hoặc âm thanh rùng rợn luôn là một trong những đặc trưng của thể loại trò chơi này. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng đồng thời lồng ghép thêm không ít những cơ chế hù dọa khác, và một số đã trở nên phổ biến tới mức gần như mọi trò chơi đều phải áp dụng.
Những phân cảnh giật mình
Các phân cảnh giật mình, hay còn được gọi với cái tên quen thuộc Jump Scare đã trở thành cơ chế phổ biến không chỉ cho các tựa game mà ngay cả nhiều bộ phim kinh dị đều áp dụng. Đơn giản nhưng đầy hiệu quả, đó đơn giản là những gì mà Jump Scare đã thực hiện được.
Ví dụ dễ thấy nhất chính là series game kinh dị mang tên Five Nights At Freddy's. Nội dung đơn giản, sơ sài nhưng chính những phân cảnh giật mình liên tục tới mức trở thành thương hiệu đã biến nó trở thành một trong những bom tấn kinh dị đáng chơi nhất mọi thời đại.
Sử dụng đèn Flash của máy ảnh
Đôi khi, niềm vui khi chơi các tựa game kinh dị không gì khác ngoài việc đón đầu các khoảnh khắc ma quái sắp xảy ra và cho phép bản thân chìm sâu vào nỗi sợ hãi đó. Và một phương thức đang được khá nhiều trò chơi kinh dị áp dụng trong những năm gần đây, đó chính là đưa cho các game thủ một chiếc máy ảnh, rồi bắt họ khám phá những bí ẩn kinh hoàng thông qua ánh sáng Flash từ chiếc máy này.
Thành công nhất trong series game kinh dị khi áp dụng phương thức này có thể kể tới những cái tên như Outlast, Madison. Và tất nhiên, trong quá trình chơi, sẽ không thiếu lần chúng ta phải giật mình khi thấy ánh Flash lóe lên, và những sinh vật đầy ghê rợn xuất hiện phía trước.
Buộc người chơi phải trốn
Không ít các tựa game sinh tồn luôn đặt ra những nhiệm vụ, thử thách yêu cầu người chơi phải trốn, giữ im lặng trước sự truy đuổi của những sinh vật bí ẩn. Điều này tạo nên sự kích thích, căng thẳng tột độ khi nhân vật của người chơi trốn dưới gầm bàn, gầm giường và hồi hộp chứng kiến kẻ truy đuổi cố gắng tìm ra mình.
Làm tốt nhất với cơ chế này có thể kể tới tựa game At Dead of Night, nơi người chơi luôn bị đặt trong trạng thái lo sợ, không thể nhìn thấy kẻ truy đuổi và cũng chẳng biết rằng liệu chúng đã bỏ đi chưa.