Ngoài nhu cầu về tình cảm, tình yêu thương và sự quan tâm của bố mẹ, trẻ cũng muốn chúng là những người có ích với gia đình và bạn bè. Cha mẹ khéo léo giao công việc nhà cho con không những giúp trẻ phát triển kỹ năng sống tốt mà còn giúp bé trở thành một người có trách nhiệm khi lớn lên. Cùng xem một số bà mẹ dưới đây chia sẻ về cách giúp con yêu bếp, yêu việc nhà nhé.
Mẹ nhàn nhã, gia đình vui vẻ nhờ dạy con yêu bếp, yêu việc nhà
Hiện nay, không ít phụ huynh cho rằng các con còn nhỏ cần vui chơi, học tập, không cần thiết phải làm việc nhà. Tuy nhiên, theo chị Trần Trang (sống tại Hà Nội) thì việc dạy bé các kĩ năng mềm như yêu bếp, làm việc nhà là rất quan trọng. Cụ thể, bà mẹ trẻ quan niệm, việc nhà là việc chung của mọi thành viên trong gia đình, ai cũng nên góp phần.
Cụ thể, các công việc chị Trang phân công cho con như sau:
1. Dọn dẹp đồ chơi
Mình mua cho con các thùng nhựa có nắp để các con tự sắp xếp đồ chơi của mình vào trong đó. Bộ thùng này có nắp đậy và có nhiều cỡ có thể chồng lên nhau gọn gàng. Chất liệu nhựa nguyên sinh khá tốt và bền, màu sắc đẹp và an toàn. Mình cho các bạn tự chọn màu sắc và cỡ hộp mà con yêu thích và để đồ chơi cố định của mình vào đó. Ai chơi xong thì tự dọn đồ chơi của mình. Chị lớn thì có thêm nhiệm vụ quản lý và nhắc nhở em. Để chia vào các ngăn tủ thì mình mua hộp nhựa ở Daiso thì kiểu dáng phong phú phù hợp với nhiều công năng khác nhau, giá rẻ, dễ thay thế tuy nhiên có nhược điểm là nhựa giòn, dễ gãy.
2. Dọn bát đĩa
Các bạn có nhiệm vụ cùng nhau dọn bát đĩa ra bàn trước giờ ăn. Sau khi ăn xong bỏ bát đĩa bẩn vào chậu rửa. Mẹ sẽ giúp tráng rửa đồ cho vào máy còn các bạn giúp mẹ đóng và bấm nút máy rửa bát. Sau khi máy rửa xong hai chị em sẽ cùng nhau cất đồ sạch vào tủ. Do đó khi thiết kế bếp mình đã để cho phần ngăn kéo tủ để bát và thìa dĩa ở dưới để tiện cho các con sử dụng. Đồ ít dùng thì để trên cao để bố mẹ lấy.
3. Phơi quần áo
Em bé có nhiệm vụ đưa móc. Chị lớn phơi được 1 số đồ nhỏ. Gấp quần áo các bạn cũng có thể làm được rồi nhưng còn ẩu, chưa được đẹp. Gấp chăn thì tàm tạm.
4. Lau dọn
Nếu làm rơi bẩn ra sàn, bàn, các con sẽ phải lấy giẻ ra lau, lấy chổi ra quét. Thỉnh thoảng hứng lên mẹ sẽ cho các con giúp mẹ hút bụi nhưng không thường xuyên vì vẫn nghịch là chủ yếu.
5. Nấu cơm, làm bánh
Bạn bé có thể giúp mẹ khuấy, trộn bột. Còn bạn lớn đã có thể sơ chế thực phẩm như rửa và cắt, nấu vài món đơn giản, vo gạo nấu cơm. Các con rất thích cùng mẹ tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn. Tận hưởng thành quả do mình làm ra là một cảm giác rất hạnh phúc và tự hào với các bạn ấy đấy ạ! Các mẹ khi nấu cơm, làm bánh thì cho các con làm cùng để con quan sát kỹ năng nhé!
6. Trông em
Bạn lớn nhà mình từ 3 tuổi rưỡi lúc mẹ đẻ em ra đã biết giúp mẹ trông em rồi. Ngủ cùng em, cho em uống sữa, chơi cùng em. Lớn hơn thì đút cho em ăn, dạy em chơi, tắm cho em, rửa tay chân cho em,...
7. Việc vặt
Sai lấy đồ, tưới cây, vứt rác, rót nước, vắt nước cam,... đã là việc bị bố mẹ sai thường xuyên.
8. Đi siêu thị
Mình dạy con gái về tiền tệ khi con được hơn 2 tuổi. Dạy con tự cầm tiền đi mua đồ vặt. Ban đầu có mẹ đi kèm. Còn từ hồi 5 tuổi rưỡi là có thể tự xuống siêu thị ở dưới chung cư mua sữa, bánh, rau,... và cầm tiền trả lại. Con đọc truyện về các bạn giúp mẹ đi mua đồ rồi nên cũng rất thích việc này.
"Đóng vai" phụ huynh lười nhác, truyền hứng thú lao động cho con bằng các cuộc chơi
Ngày xưa khi chưa lấy chồng, chị Vũ Thúy Hằng (34 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thụy Điển) luôn mong muốn mình sẽ kiếm được "đức lang quân" sẽ yêu thương, và cùng mình sẻ chia mọi thứ, trong đó có làm việc nhà. Chị Hằng nghĩ rằng, cuộc sống gia đình sẽ hạnh phúc hơn khi luôn có sự yêu thương, thấu hiểu và sẻ chia. Chính vì thế, khi làm mẹ của 3 em bé, trong đó có 2 bé trai thì chị Hằng càng nung nấu ý định muốn rèn luyện các con. Mẹ trẻ mong con trai mình lớn lên sẽ trở thành những người đàn ông sống có trách nhiệm, biết san sẻ việc nhà với người vợ của các con sau này.
Để con trai sống tự lập, có trách nhiệm, và làm gương cho các em, mẹ trẻ dạy con làm việc nhà từ rất sớm. Cậu bé 9 tuổi đã biết chuẩn bị đồ ăn sáng cho mình và 2 em, phụ mẹ lau sàn nhà, gấp chăn màn sau khi ngủ dậy và có thể làm bữa tối.
Những "tuyệt chiêu" của mẹ lười giúp con chăm làm việc nhà:
1. Mẹ con mình cùng chơi trò chơi nhé
Khi con khoảng 3 tuổi là chị Hằng bắt đầu cho trẻ làm quen với công việc nhà. Theo chị, ở lứa tuổi ấy, con vẫn đang tò mò và hào hứng tìm hiểu cái mới. Chính vì vậy chị cho con tiếp cận những công việc đơn giản như bóc hành tỏi, thu dọn đồ chơi, tập gấp quần áo... Tất nhiên, vì con còn nhỏ nên không thể chỉn chu như người lớn được. Có thể chiếc áo con gấp vẫn còn méo mó, không vuông vắn... nhưng chị không đặt nặng vấn đề là làm việc. Chị coi đó như 1 trò chơi để con hứng thú hơn. Tâm lý của 1 đứa trẻ thì bao giờ chơi trò chơi cũng hấp dẫn hơn nhiều so với việc bị sai làm cái này, cái kia.
2. Con giúp mẹ được không?
Trẻ con là lứa tuổi hồn nhiên, thích sự ngọt ngào. Đôi khi phải "nịnh" một chút thì chúng mới nghe lời. Chính vì vậy khi con không muốn làm 1 việc gì đó, thay vì nói: "Con phải làm!" thì chị nhẹ nhàng nhờ con giúp. Bọn nhỏ nhà chị Hằng rất nhiệt tình khi nghe mẹ nhờ vả. Vì đôi khi nụ cười hài lòng của mẹ cũng khiến chúng hãnh diện và tự hào lắm.
3. Chúng ta nên làm việc nhà hàng ngày
Theo bà mẹ 8X, việc rèn con làm việc nhà không phải là chuyện 1 sớm 1 chiều mà là cả 1 quá trình dài. Vì có thực hiện hàng ngày mới rèn cho con thành thói quen.
Ví dụ như ở nhà việc dọn dẹp chén bát và bồn rửa sau khi ăn sẽ do bạn lớn năm nay 9 tuổi làm. Mẹ là người hướng dẫn con các bước vệ sinh, từ đó con hình thành thói quen khi dọn dẹp rất sạch sẽ và ngăn nắp.
Cháu đã từng hỏi mẹ: "Tại sao con phải học nấu ăn?". Mẹ cháu trả lời: "Học nấu ăn để khi không có mẹ ở bên thì con có thể tự nấu ăn cho mình hoặc mọi người. Khi lớn con có thể giúp vợ nấu ăn, làm việc nhà!".
Đôi khi 2 em nhỏ học anh nên cũng hăng hái làm việc nhà như gấp quần áo, xếp đồ trong tủ lạnh, lau bàn ăn...
4. Ai cũng có nhiệm vụ của riêng mình
Khi con đã lớn và nhận thức được hành động, mẹ Việt kiều thay đổi cách thức rèn luyện con. Chị phân tích cho các con về trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình. Sau đó sẽ chỉ ra mỗi người 1 công việc, 1 nhiệm vụ riêng.