MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp" ra mắt tối ngày 13/5 có thể xem là sản phẩm được quan tâm đánh dấu sự trở lại của Hoà Minzy sau 2 năm vắng bóng trên đường đua Vpop. Lấy cảm hứng từ câu chuyện lịch sử có thật giữa Nam Phương Hoàng hậu và Hoàng đế Bảo Đại cùng "bức thư đánh ghen" được gửi cho vũ nữ Lý Lệ Hà, MV đã khắc hoạ được hình ảnh những nhân vật lịch sử một cách đầy sống động. Một Nam Phương yêu hết lòng nhưng bị phản bội, một Bảo Đại đào hoa, một Mộng Điệp dịu dàng, một Lý Lệ Hà quyến rũ...
MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp" - Hòa Minzy.
Quả thật trong lịch sử, câu chuyện tình của Bảo Đại còn phức tạp hơn gấp nhiều lần.... Có vô số người phụ nữ đã bước qua cuộc đời ông, từ vợ cho đến tình nhân, từ Hoàng hậu cho đến vũ nữ,... khiến cho hậu thế cũng phải "choáng ngợp".
Hoàng đế Bảo Đại (1913 - 1997), tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ (nhưng ở Huế đọc thành Nguyễn Phước, hoàn toàn giống nhau vì đều là chữ 阮福, các thư tịch và văn bản sử dụng song song hai chữ Nguyễn Phúc và Nguyễn Phước). Bảo Đại là con trai duy nhất của Hoàng đế Khải Định và là vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn và của chế độ quân chủ tại Việt Nam. Ông là người con duy nhất của Hoàng đế Khải Định. Khác với những người tiền nhiệm, Hoàng đế Bảo Đại đã được gửi đi du học tại Pháp và đã hấp thụ văn minh phương Tây ngay từ bé.
Là một ông vua vô cùng đào hoa, lại có ngoại hình điển trai, phong độ thế nên ông cũng khiến phái đẹp phải xao xuyến. Mặc dù khi làm lễ cưới với Nam Phương Hoàng hậu, ông đã cam kết sẽ thuỷ chung 1 vợ - 1 chồng, nhưng rõ ràng qua từng năm, ông đã không thể giữ lời.
Nam Phương Hoàng hậu - đoá "mẫu đơn" quốc sắc thiên hương đến từ phương Nam
Nam Phương Hoàng hậu (1914 - 1963), tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, là vị Hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn. Bà xuất thân từ một gia đình Công giáo giàu có của miền Nam và cũng hưởng thụ nền giáo dục của nước Pháp ngay từ nhỏ. Bà là người phụ nữ thứ 3 của nhà Nguyễn được phong tước vị Hoàng hậu khi còn sống, sau Thừa Thiên Cao Hoàng hậu và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (những người còn lại chỉ được truy phong sau khi qua đời).
Lễ cưới của cả hai diễn ra vô cùng long trọng, tuy nhiên gây không ít tranh cãi trong triều đình lúc bấy giờ vì bà là Hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử là người Công giáo. Đi kèm với việc lập Hoàng hậu là các điều kiện khá "ngặt nghèo": Nam Phương phải được lập làm Hoàng hậu chính cung ngay trong ngày cưới, phải được giữ đạo Công giáo và các con phải được làm lễ rửa tội, Bảo Đại phải bãi bỏ chế độ hậu cung phi tần và tuân thủ nguyên tắc hôn nhân 1 vợ - 1 chồng.
Đám cưới của vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu được tái hiện trong MV.
Tình cảm những năm tháng tuổi trẻ đã đủ mạnh để Bảo Đại chính thức lập Nam Phương làm Hoàng hậu chính cung. Những năm tháng đầu cả hai sống với nhau vô cùng hạnh phúc và có với nhau 5 người con, tuy nhiên khi Bảo Đại trở thành "Ông cố vấn" Vĩnh Thuỵ và chuyển ra Hà Nội, vô số những người phụ nữ chính thức bắt đầu bước vào cuộc đời của Cựu hoàng.
Trong giai đoạn Cựu hoàng Bảo Đại sống lưu vong tại Hong Kong cùng Lý Lệ Hà, Nam Phương đã gửi đến Lý Lệ Hà bức thư "đánh ghen" nổi tiếng trong lịch sử. Từ đó, ngầm xác nhận việc li thân với Bảo Đại, để cho Cựu hoàng được "tự do".
Năm 1947, Hoàng hậu và các con rời Việt Nam. Ngay cả khi li thân với Cựu hoàng, bà vẫn chưa bao giờ "đi bước nữa", vẫn hết mực được khen ngợi bởi sự thuỷ chung vẹn tròn, không có bất kì nhân tình nào, trái ngược hoàn toàn với Bảo Đại.
Nam Phương cùng các con tại Pháp.
Tại Pháp ban đầu bà Nam Phương ở lâu đài Thorenc tại Cannes. Cũng có những lúc Bảo Đại về Pháp, bà Nam Phương cùng đi với Bảo Đại tới casino để xem ông chơi baccarat hoặc roulette cho vui. Những lần có bà cùng đi, nếu được bạc thì Bảo Đại tặng hết cho bà để sắm sửa quần áo.
Sau năm 1955, Bảo Đại để bà Nam Phương ở nhà một mình với mấy người con khi đó đã lớn, mỗi người đi học, đi làm một nơi. Bảo Long gia nhập quân đội rồi sau đó chuyển sang làm ở ngân hàng, Phương Mai và Phương Dung cưới chồng và ổn định cuộc sống, Phương Liên cũng làm ở ngân hàng,...
Về sau, bà Nam Phương rời lâu đài Thorenc ở Cannes để về sống ở lâu đài Domain de la Perche ở Chabrignac , tỉnh Corrèze , vùng Nouvelle-Aquitaine cách Paris chừng bốn năm trăm cây số. Ngôi nhà của bà có rừng bao quanh, gồm 32 phòng, 7 phòng tắm, 5 phòng khách. Về đời sống vật chất thì bà Nam Phương không lúc nào thiếu thốn khi sống ở xứ người tuy nhiên đời sống về tinh thần lại vô cùng đáng thương: 5 người con lần lượt lớn và lên Paris học tập, làm việc, hiếm hoi lắm mới về thăm bà. Bà về cuối đời ưa cuộc sống tĩnh lặng, ít giao thiệp cùng ai và thỉnh thoảng mới lên Paris để thăm con cái.
Bà nổi tiếng trong lịch sử là một vị Hoàng hậu tài sắc vẹn toàn nhưng có những năm tháng cuối đời sống trong cô đơn, rất ít khi gặp mặt Cựu hoàng Bảo Đại. Bà qua đời tại Pháp và được an táng tại nơi đây. Về sau, hậu thế vẫn muôn phần tiếc thương cho một giai nhân của nước Nam nhưng lại có kết cục cô quạnh.
Bùi Mộng Điệp - "Thứ phi phương Bắc"
Bùi Mộng Điệp là người Bắc Ninh, trước khi quen biết với Cựu hoàng, bà đã trải qua một đời chồng và có một người con riêng. Bảo Đại đem lòng yêu mến trong lần ông ra Hà Nội năm 1945, được người đương thời gọi là "Thứ phi phương Bắc" dù lúc đó nhà Nguyễn đã cáo chung. Bà Mộng Điệp giữ nét đẹp truyền thống với "khuôn trăng đầy đặn", "nét ngài nở nang", cùng sự nền nã, thanh lịch của một người con gái đất Bắc, khá phù hợp với tạo hình trong MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp".
Hình ảnh thật nhan sắc của bà Mộng Điệp.
Bà có "duyên nợ" gắn bó với Bảo Đại khá lâu, chỉ thua Nam Phương Hoàng hậu. Thậm chí trong thời gian Bảo Đại đang ở bên Mộng Điệp, ông thường xuyên đi cùng Lý Lệ Hà. Trong MV của Hòa Minzy đã xây dựng giọng nước mắt đồng cảm của bà Mộng Điệp với Nam Phương Hoàng Hậu như một tiếng nói thương cảm chung cho số phận của những người phụ nữ đi qua cuộc đời Bảo Đại.
Giọt nước mắt đồng cảm của cả hai trong MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp" như một tiếng nói thương cảm chung cho số phận của những người phụ nữ đi qua cuộc đời Bảo Đại.
Khi Bảo Đại trở về nước và làm "Quốc trưởng", bà Mộng Điệp trở thành một "Hoàng phi" được Đức Từ cung Hoàng Thái hậu (mẹ của Hoàng đế Bảo Đại) vô cùng yêu thương vì là người biết giữ nề nếp, lễ nghi cổ truyền. Đức Từ cung thậm chí đã ban cho bà áo mũ của ngôi vị Hoàng hậu để bà thay mặt Nam Phương cử hành những nghi thức cổ truyền - những việc mà Nam Phương Hoàng hậu từ chối làm vì bà là người Công giáo.
Sau này bà sang Pháp và có một cuộc sống khá sung túc nhờ đầu óc nhạy bén, trong quãng thời gian này, Bảo Đại xem như ở chung với bà nhưng ông thường xuyên ra ngoài, chỉ khi cần tiền thì mới trở về nhà. Bà Mộng Điệp có riêng với Bảo Đại một người con gái và hai người con trai. Trong đó chỉ có người con gái là vẫn còn sống đến ngày hôm nay, hai người con trai đều đã mất sớm - Bảo Hoàng mất lúc 1 tuổi vì bệnh trong khi Bảo Sơn mất lúc 32 tuổi vì tai nạn ở Nhật.
Lý Lệ Hà - người tình gắn với nhiều bàn tán và giai thoại
Vũ nữ Lý Lệ Hà là một tình nhân nổi tiếng của Bảo Đại. Trong lịch sử, bà là một tuyệt sắc giai nhân, từng đoạt danh hiệu Hoa khôi đầu tiên của Việt Nam và là nguồn cảm hứng cho nhiều bậc nghệ sĩ đương thời. Đương thời truyền tụng rằng cô có hàm răng rất đẹp, như những hạt ngọc. Hình ảnh "Người đẹp mặc áo lụa Hà Đông" là nguồn cảm hứng để nhà thơ Nguyên Sa sáng tác bài thơ "Áo Lụa Hà Đông" và được nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên phổ thơ thành nhạc.
Karen Nguyễn vào vai Lý Lệ Hà trong MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp" của Hoà Minzy.
Bà cũng quen biết Bảo Đại trong lần ông ra Hà Nội hồi năm 1945. Cả hai công khai mối quan hệ của nhau, thường được bắt gặp ở những tụ điểm ăn chơi đắt tiền.
Sau năm 1946, Bảo Đại rời Việt Nam, sống lưu vong tại Hong Kong cùng Lý Lệ Hà. Nam Phương đã gửi cho Lý Lệ Hà một bức thư tay, lời lẽ dịu dàng nhưng vẫn thể hiện sự uy quyền, không đánh mất đi phong thái của một bậc "mẫu nghi", chính là bức thư đã xuất hiện trong MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp".
Lý Lệ Hà sau đó cưới một quân nhân người Pháp và kể từ đó về sau, bà không dính líu gì đến Cựu hoàng của nước Nam nữa.
Bức thư được tái hiện lại trong MV của Hoà Minzy.
Hoàng Tiểu Lan - người tình mang hai dòng máu
Lý Lệ Hà tuyệt sắc giai nhân là thế, quyến rũ là thế, nhưng cuối cùng vẫn không níu giữ được trái tim của vị Cựu hoàng đa tình. Ngay khi cùng Lý Lệ Hà sống lưu vong tại Hong Kong, ông đã có thêm người phụ nữ tên Hoàng Tiểu Lan, bà còn tên khác là Jenny Woong, vũ nữ Trung Hoa lai Pháp. Ông chung sống không hôn thú với Hoàng Tiểu Lan và có được một người con gái.
Cuộc sống sau này của bà không rõ ràng, nhưng theo nhiều nguồn tài liệu, trong lúc Bảo Đại về nước làm Quốc trưởng, ông đã đem bà Hoàng Tiểu Lan theo cung. Ông xây riêng cho bà một biệt thự tại Đà Lạt, giống với Nam Phương Hoàng hậu, bà Mộng Điệp và bà Phi Ánh.
Phi Ánh - "thứ phi Đà Lạt"
Bà Phi Ánh sinh ra trong gia đình giàu có, thuộc dòng họ danh giá và sớm nổi tiếng với vẻ đẹp mặn mà và sắc sảo. Bà đã gặp Bảo Đại tại Đà Lạt giai đoạn ông về nước và nhận chức "Quốc trưởng". Là một "Thứ phi" của Cựu hoàng, giống với những người khác, bà được tặng một căn biệt thự tại Đà Lạt. Được biết, trái với những căn biệt thự kiểu Pháp của những người phụ nữ khác, căn biệt thự của bà Phi Ánh được xây theo kiến trúc Tây Ban Nha đặc trưng, thể hiện sự "sủng ái" đặc biệt mà Bảo Đại dành cho bà lúc này.
Sau khi Bảo Đại rời khỏi Việt Nam, bà ở lại đất nước, đi bước nữa nhưng không có được hạnh phúc. Bà sống tại Việt Nam và mất vì bệnh ung thư tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1986.
Monique Baudot - người phụ nữ "cuối cùng" trong cuộc đời Bảo Đại
Sau khi đến Pháp, Bảo Đại một mặt vẫn thường đến viếng thăm lâu đài của bà Nam Phương và nhà của Mộng Điệp, một mặt vẫn qua lại với nhiều người phụ nữ khác như bà Vicky, bà Clement. Cho đến năm 1969, Bảo Đại đã gặp bà Monique Baudot và từ đó hai người dần nảy sinh tình cảm.
Hình ảnh Vua Bảo Đại và bà Monique Baudot.
Cả hai bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1971 nhưng mãi đến năm 1972, cả hai mới làm đám cưới một cách chính thức, có giấy hôn thú. Cùng với Nam Phương, thì bà Monique là hai người vợ chính thức và chính danh của Bảo Đại. Bà Monique là người chăm sóc cho Cựu hoàng mãi cho đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời. Hiện tại, bà vẫn còn sống tại nước Pháp và là người cất giữ nhiều tài liệu và kỉ vật quan trọng về nhà Nguyễn.
Tổng cộng trong cuộc đời thăng trầm của Cựu hoàng Bảo Đại, ông đã có rất nhiều người phụ nữ và có đến 12 người con, cả chính thức lẫn ngoài giá thú. Tất cả đã góp phần tạo nên vô vàn giai thoại tình ái của cuộc đời một Cựu hoàng triều Nguyễn.