Tay mò cá tê cứng, không mở được cúc áo
Theo ghi nhận của chúng tôi, khoảng 6h30 sáng mỗi ngày, chợ cá Yên Sở đã đông đúc, âm thanh ồn ào phát ra từ những gian hàng bán cá.
Trong giá rét, những chiếc xe tải chở đầy ắp cá chép, cá trắm, cá mè… ở các tỉnh lân cận đổ liên tục về chợ. Còn những tiểu thương mặc áo mưa kín mít vừa để giữ ấm, vừa để khi bắt cá thì nước không bắn vào người.
Cảnh chợ cá Yên Sở lúc sáng sớm
Chị Cao Thị Thơm, tiểu thương bán cá 18 năm tại chợ cho biết, trời mùa đông này mặc áo mưa chỉ giữ ấm một phần thôi, tay luôn phải ngâm trong nước, buốt lắm.
Người nào cũng mặc áo mưa để làm việc
"Mùa đông đúng là nỗi ám ảnh của những người buôn cá như chúng tôi. Khi người ta đang chăn ấm đệm êm thì tôi phải nhúng người vào nước. Hơn nữa, cá năm nay rẻ, người mua ít nên rất bấp bênh, nguồn thu hôm được hôm mất", chị Thơm nói.
Theo chị Thơm, cá chép năm nay chỉ bán được 50.000/kg, cá trắm đen là 100.000 đồng/cân, giá cá rẻ hơn khoảng 10.000/1kg so với năm ngoái nhưng lại khó bán hơn vì giờ nhiều người nuôi quá, chủ yếu phải bán rẻ để giữ mối.
Chị Thơm và khách hàng đang mò bắt từng con cá một
Những con cá to, tươi rói được vớt ra
Anh Nguyễn Văn Minh, một chủ xe cá đã có hơn 10 năm kinh nghiệm buôn bán, chia sẻ gần đây anh chỉ nhập một nửa hàng so với trước kia. Giá cả đi lại đều tăng nhưng cá thì không được tăng. Hơn nữa những ngày gần đây trời lạnh, người dân ngại đi chợ nên bán được rất ít cá.
"Quen mùi cá, quen mùi muối rồi, giờ cố bám trụ kiếm sống thôi, chỉ mong trời hết rét để chúng tôi làm ăn cho đỡ khổ", anh Minh buồn bã nói.
Ngồi ở gian hàng cá cuối chợ, ông Mai Văn Chính (55 tuổi) vừa run run, vừa đưa hai bàn tay sưng tím vì lạnh, ông nói: "Rét, buốt lắm, tay tôi liên tục bị tê cứng vì thường xuyên ngâm nước để vớt cá. Đến lúc cứng, tê tay quá thì nghỉ, ra hơ lửa rồi lại vào vớt cá tiếp".
Bàn tay sưng tấy của ông Chính vì ngâm nhiều vào nước bắt cá
"Có những hôm tay tôi tê cứng không thể kéo được cổ áo nhưng mình vẫn cố gắng thôi, trời lạnh khách họ không chịu vớt cá thì mình phải làm", ông Chính nói thêm.
Đeo bao nhiêu găng tay bê đá cũng "chẳng ăn thua"
Sự vất vả của những tiểu thương khiêng đá trong giá rét
Tưởng như những người bán cá đã khổ sở với thời tiết mùa đông nhưng có những người còn vất vả hơn, đó là những người khiêng đá. Đá ở đây là đá lạnh, đóng từng cây nặng 40kg để ướp cá, làm mát nước trong bể cá.
Chị Chu Thị Tâm (37 tuổi), bán đá hơn 10 năm ở chợ Yên Sở cho biết: "Mùa đông, công việc của tôi bị ảnh hưởng quá nhiều vì chỉ bán được 1/5 so với ngày hè. Thông thường, ngày hè tôi bán một ngày được 400 - 500 cây đá nhưng mùa đông chỉ được gần 100 cây thôi. Tiền lãi được ít, tôi phải làm từ 1h đêm đến 12h trưa hôm sau mới đủ trang trải cuộc sống".
Ban ngày ít khách, chị Tâm thường ngồi chờ bên cạnh kho đá
Cũng giống như chị Tâm, chị Mai cũng buồn bã tâm sự: "Người bán cá cần cho đá vào bể để con cá được khoẻ, tươi nhưng trời lạnh tiểu thương ít mua khiến thu nhập của tôi bị giảm đáng kể".
"Đấy còn chưa nói lúc làm, nước đá tan ra, thấm vào từng lớp áo, lạnh cắt da cắt thịt. Đeo găng tay bao nhiêu cũng chẳng đủ, buốt lắm, buốt đến thấu xương", chị Mai nói.
Trời lạnh khiến việc mua đá, mang đá về của các tiểu thương cũng gặp khó khăn
Theo chị Mai, việc khiêng đá giữa trời rét còn ảnh hưởng đến cuộc sống sau này vì chắc chắn xương khớp sẽ ảnh hưởng. "Những người bán cá có thể họ khổ hơn chúng tôi lúc này vì luôn phải ngâm tay vào nước lạnh nhưng sau này người khiêng đá sẽ bị bệnh về xương khớp vì vừa bị lạnh, vừa bê nặng", chị Mai nói thêm.