Nhóm mai táng miễn phí cho người dân cù lao: "Có hôm chúng tôi phải vác quan tài gần 5km"

Bình Nghi - Minh Duy | 10-04-2022 - 19:36 PM

(Tổ Quốc) - 24 năm, 12 người, nhóm mai táng từ thiện ở xã Tân Bình (Đồng Tháp) đã luôn dùng cách riêng của mình để giúp những hoàn cảnh khó khăn được an nghỉ.

Chuyện về những đám tang đặc biệt

Người dân ở ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp không ai là không biết đến nhóm mai táng từ thiện đặc biệt do anh Lê Hữu Phước (ngụ tại ấp Tân Phú A) làm trưởng nhóm. Dù không có tên, nhóm vẫn ghi dấu bởi những điều ấm áp và đầy yêu thương dành cho những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.

Nhóm mai táng miễn phí cho người dân cù lao: Có hôm chúng tôi phải vác quan tài gần 5km - Ảnh 1.

Anh Lê Hữu Phước - trưởng nhóm mai táng từ thiện đang ở xưởng gỗ chuẩn bị nguyên liệu đóng các cỗ quan tài

Bắt đầu hoạt động từ năm 1998, đến nay nhóm có khoảng 12 - 15 thành viên. Nhóm chủ yếu hoạt động ở 3 xã Tân Bình, Tân Long và Tân Huề (Đồng Tháp). Nơi đây là cù lao, việc đi lại sẽ khó khăn hơn bao giờ hết.

Hơn 10 người đảm nhận hết các khâu từ chuẩn bị quan tài đến tẩn, liệm, di quan và hạ huyệt, tiễn người đã khuất đi hết đoạn đường cuối cùng. 

Nhóm mai táng hoàn toàn miễn phí cho hộ nghèo, những gia đình không có khả năng lo tang lễ cho người thân của mình. Anh Phước chia sẻ: "Người dân nghèo ở đây bất thình lình mà cần làm đám tang thì sao mà xoay sở kịp. Thấy cảnh người ta đã mất rồi còn khốn khó như vậy, sao mà mình chịu nổi...".

Anh Trịnh Văn Thum (cùng ngụ ấp Tân Phú A) chia sẻ, mỗi lần đi lo liệu đám tang là một lần chứa đầy kỷ niệm. 

Mỗi khi được báo tin có người mất, anh Phước sẽ gọi điện tập hợp các anh em trong nhóm. "Người nào dùng điện thoại thì dễ liên lạc, còn những người chưa có thì mình phải ghé tận nhà để tập hợp mọi người lại với nhau" - anh Thum nói. Anh Phước cũng cho biết thêm, nhiều thành viên sẵn sàng gác lại công việc đang làm để cùng nhóm lên đường.

Dù hoạt động đã lâu, nhóm vẫn chưa có được một chiếc xe để di chuyển. Khi cần đến nơi làm đám, nhóm phải dựa vào vận may. Hôm nào may mắn, nhóm sẽ mượn được một chiếc xe ba gác cũ mèm, còn hôm nào kém may, nhóm sẽ phải cuốc bộ đến nơi làm đám. Các thành viên phải khuân vác trống, kèn, quan tài… suốt một quãng đường dài, có hôm vác gần 5km mới đến nơi. "Lúc đó, ai cũng mệt, cũng đuối, nhưng anh em bảo nhau là gắng làm, để người mất còn yên lòng nơi chín suối" - anh Thum tâm sự.

Làm bằng cái tâm, cái tình

Theo lời người dân xung quanh, các thành viên trong nhóm cũng "sống không dư dả gì". Hầu hết các thành viên đều không có nghề nghiệp ổn định, chủ yếu làm nông, làm thuê, đời sống riêng cũng bấp bênh, chật vật. Trống, kèn, quần áo để mặc khi mai táng giờ đây đã rách, cũ sờn. Anh Thum ví von, lỗ thủng trên trống giờ to như cái chén cơm, giày thì "chiếc được chiếc mất" mà mãi vẫn chưa có tiền mua mới.

Hoạt động của nhóm mai táng chủ yếu được duy trì bởi tiền quyên góp của mạnh thường quân và tiền của các thành viên. 

Mùa dịch vừa qua, các thành viên thất nghiệp, cũng gặp khó khăn nhiều hơn trong duy trì việc mai táng từ thiện. Những lúc cạn kiệt kinh phí duy trì, các thành viên phải thay nhau đi đến từng hộ dân gần ấp Tân Phú A để kêu gọi đóng góp, mong giải quyết được phần nào thì hay phần đó. Vậy mà, đối với những trường hợp quá khó khăn, ngoài hỗ trợ mai táng miễn phí, nhóm còn góp tiền cho gia đình người thân.

Nhóm mai táng miễn phí cho người dân cù lao: Có hôm chúng tôi phải vác quan tài gần 5km - Ảnh 2.

Ông Lâm chia sẻ về những khó khăn mà nhóm mai táng đang gặp phải

Ông Lê Văn Lâm, người dân gần đó thường gọi là chú Hai, năm nay đã ngoài 60, cũng đã có hơn 20 năm đóng quan tài tặng cho những hoàn cảnh khó khăn. Quan tài của ông Lâm hỗ trợ một phần không nhỏ cho nhóm mai táng từ thiện. Quan tài được mang đi nhiều nơi như An Giang, Trà Vinh, Long Điền...

Với cấu trúc nhà sàn chống lũ ở cù lao Tây, ông Hai Lâm đã tận dụng khoảng trống bên dưới nhà mình để đựng gỗ và dụng cụ đóng quan tài. Xung quanh nhà là cả kho quan tài chất cao như núi, tất cả đều do một mình ông tự mình hoàn thành. Từ 6 giờ sáng, ông đã bắt đầu công việc của mình, chú cưa cây, soạn gỗ, mài, cắt và đóng quan tài. Chú cứ làm miệt mài như thế đến chiều mới nghỉ ngơi.

Nhóm mai táng miễn phí cho người dân cù lao: Có hôm chúng tôi phải vác quan tài gần 5km - Ảnh 3.

Những cỗ quan tài sau khi đóng được bảo quản kỹ lưỡng

Người nhỏ nhất nhóm hiện tại chỉ mới 19 tuổi, hết lớp 9 đã nghỉ học để làm việc phụ ba mẹ. Người lớn tuổi nhất hiện cũng đã gần 60 tuổi, thay vì nghỉ ngơi bên con cháu, ông lại chọn cách "nay đây mai đó" giúp đỡ những người khốn khó.

Anh Phước tâm sự, dù vẫn còn nhiều người e ngại việc làm của nhóm nhưng gia đình các thành viên luôn ủng hộ, động viên. Bản thân các thành viên trong nhóm mai táng cũng tự hào về công việc mà mình đang làm. Anh Thum khẳng định, giờ đây việc quan trọng nhất không phải là người ta nghĩ gì về công việc mà nhóm đang làm, mà là nhóm phải cố gắng như thế nào để tiếp tục duy trì nghĩa cử cao đẹp này.

Chia sẻ về ước mơ lớn nhất hiện tại, anh Thum cho biết, nhóm đang cố gắng để tìm được một chiếc xe vận chuyển để việc lo liệu đám tang cho người khó khăn được suôn sẻ hơn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.