Lấy bối cảnh thành phố Hyosan, Hàn Quốc rơi vào đại dịch zombie, All Of Us Are Dead không đơn thuần là tựa phim kinh dị, giật gân mà còn tái hiện cả một xã hội thu nhỏ. Sau 12 tập phim, All Of Us Are Dead đã để lại nơi người xem không chỉ là nỗi ám ảnh khôn cùng mà còn là sự day dứt, cảm động, đặc biệt là trước những tình tiết gợi nhớ đến thảm kịch chìm phà Sewol năm xưa được nhiều người chỉ ra.
1. Khi người lớn, những chiếc phao cứu sinh cuối cùng đã dập tắt tia hy vọng của thế hệ trẻ
Khi trẻ em chết, hy vọng sẽ biến mất. Khi người lớn chết, tri thức sẽ không còn. Hy vọng và tri thức, liệu ta sẽ coi trọng gì hơn?
Oh Joon Yeong
Xét trên thực tế, All Of Us Are Dead đã phần nào phác họa những định kiến về người Châu Á, phần đông thường trông cậy vào những người cầm quyền. Ở Hàn Quốc, trẻ em được coi là kho báu của mỗi gia đình, nghe lời là một trong những phẩm chất được đánh giá cao. Người lớn giữ vai trò che chắn bảo vệ. Điều này được thể hiện qua ý nghĩ của các nhân vật xuyên suốt nửa đầu phim, rằng họ chỉ cần ở yên, ngoan ngoãn nghe lời người lớn thì sẽ được giải cứu.
Tuy nhiên, lũ trẻ dần đánh mất hy vọng khi quân đội quyết định bỏ rơi toàn bộ học sinh và cho đánh bom thành phố Hyosan. Để rồi cuối cùng, cả nhóm phải tự cứu lấy chính bản thân mình. Thông điệp này đã để lại một câu hỏi bỏ ngỏ, liệu thế hệ trẻ em - niềm hy vọng của đất nước có thật sự được quan tâm?
Không chỉ thiếu đi những lời trấn an hay xoa dịu lũ trẻ mà thay vào đó, thế hệ đầu tàu sau tất cả chỉ đăm đăm tra khảo và xoáy sâu vào nỗi đau của chúng. Lời On Jo nói với người lính: "Cháu sẽ không bao giờ nhờ người lớn làm gì nữa" đã phần nào khẳng định thông điệp thật sự của All Of Us Are Dead.
Người ta thường nói khi con người rơi vào khoảnh khắc sinh tử sẽ bộc lộ bản chất tàn nhẫn, ích kỷ sau chiếc mặt nạ đạo mạo tử tế. Tuy nhiên, đâu đó vẫn tồn động một vài tia hy vọng nhỏ nhoi bên cạnh những khối óc logic. Là khi bố On Jo bất chấp tính mạng, phản kháng hệ thống luật lệ để giải cứu những mầm non hy vọng của đất nước. Là khi cô giáo tiếng Anh, hy sinh mạng sống trân quý để cứu lấy Na Yeon (Lee Yoo Mi). Không cần biết em xấu tính ra sao, em vẫn nhất định phải sống tốt.
2. Lời yêu thương cùng nỗi oán trách vẫn còn đó mà người đã đi xa
Một trong những phân cảnh đắt giá và xúc động nhất ở All Of Us Are Dead có lẽ là những lời nhắn nhủ thật tâm của những đứa trẻ. Dường như việc trao gửi lời yêu thương, điều tưởng chừng đơn giản nhất lại chính là việc thường xuyên bị chúng ta lãng quên, chỉ khi rơi vào những khoảnh khắc cận tử, con người mới vội trao đi những cảm xúc non nớt từ tận đáy lòng. Bên cạnh những lời nói ấm áp, All Of Us Are Dead còn gửi gắm những lời oán trách hết sức đau lòng của Ji Min về sự tắc trách của người lớn, rằng em sẽ sống thật tốt để trả thù.
Video và những dòng tin nhắn cuối cùng của cậu học sinh gửi mẹ, người đã không thể trở về từ chuyến phà Sewol
3. Tình yêu vừa chớm nở đã vội tàn, người ra đi hay ở lại mới là kẻ đau khổ nhất?
Loveline giữa Cheon Sang (Yoon Chan Young) - On Jo (Park Ji Hoo) cùng Soo Hyuk (Park Solomon) - Nam Ra (Cho Yi Hyun) ít nhiều gợi nhớ đến mối tình giữa lằn ranh giới sinh tử trong thảm kịch chìm phà Sewol năm xưa. Mối tình chớm nở giữa họ vừa chớm nở không bao lâu đã có thể phải khép lại mãi vì sự ích kỷ của người lớn. Không chỉ những người đã mất mới cảm nhận được cơn đau thể chất lẫn tinh thần mà nỗi đau của người ở lại còn khắc khoải hơn khi chứng kiến người mình yêu ra đi.
Thi thể của cặp tình nhân trên chuyến phà định mệnh năm xưa được tìm thấy trong tình trạng buộc vào nhau trong phao cứu sinh
Đã 8 năm trôi qua nhưng những đứa trẻ ấy vẫn mãi chỉ là học sinh cấp ba
Nguồn ảnh: Koreaboo, Tổng hợp