Tại Trung Quốc, Thượng Hải là đô thị sầm uất bậc nhất có nhịp sống nhanh đến chóng mặt. Ở Thượng Hải, không dễ để tìm được công việc ưng ý, đối với dân văn phòng việc tan sở về khuya là chuyện rất bình thường. Đến đường đi làm mỗi ngày trên tàu điện ngầm và xe buýt cũng gặp khó khăn khi phải chen lấn và tuyệt đối đúng giờ.
Dưới những áp lực lớn như vậy, Thượng Hải vẫn nắm giữ danh hiệu "thành phố trường thọ". Tuổi thọ trung bình của người Thượng Hải là 83 tuổi, xấp xỉ tuổi thọ trung bình 84 tuổi của người Nhật Bản. Tính đến năm 2021, có 3.418 người trăm tuổi ở Thượng Hải trong đó người thọ nhất lên tới 114 tuổi. Vậy bí quyết của người dân thành phố là gì?
Thành phố Thượng Hải. Ảnh: Toutiao
1. Kiểm soát lượng đồ ăn, ăn ít muối và đường
Ăn quá nhiều dầu, muối, đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh dẫn đến béo phì, tiểu đường, ung thư và các bệnh khác. Kết quả giám sát tình trạng sức khỏe và chế độ ăn uống của người dân Thượng Hải cho thấy lượng muối một người tiêu thụ hàng ngày là 7,5 g, thấp hơn trung bình toàn quốc (10 g) dù không đạt tiêu chuẩn 5 g/ngày.
Người Thượng Hải từng rất thích ăn đường và các loại gia vị khác nhưng khi nhận thức về sức khỏe được nâng cao, người dân bắt đầu kiểm soát chế độ ăn của họ. Ngoài ra họ còn có yêu cầu cao với mỗi bữa ăn, kết hợp nhiều nguyên liệu nhưng không bao giờ ăn quá no, phải có rau và ưu tiên nấu ăn ở nhà để kiểm soát lượng đường, muối, dầu.
Cụ ông Ưng Phúc Lâm 101 tuổi cho biết dù cảm thấy đồ ăn ngon đến đâu, ông cũng chỉ ăn 80%. Bên cạnh đó ông hiếm khi ăn đồ chiên rán vì cho rằng loại thực phẩm này không tốt cho sức khỏe. Cụ bà Hạ Giai Kỳ 100 tuổi chia sẻ mình chưa bao giờ ăn cao lương mỹ vị mà chỉ ưu tiên ăn các loại ngũ cốc thô như khoai, thịt cá chim hoặc thịt lợn.
2. Thích ăn hải sản
Thượng Hải là thành phố ven biển nên có nguồn hải sản phong phú, các món hải sản như tôm, cá không thể thiếu trong khẩu phần ăn của người dân. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Châu Âu cho thấy ăn khoảng nửa con cá mỗi tuần có thể làm giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, bệnh tim mạch và các bệnh cụ thể như bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Theo Guo Mingdong, Giám đốc Khoa Y học Cổ truyền Trung Quốc, thịt cá có chứa nhiều vitamin, canxi, protein chất lượng cao và axit béo không bão hòa giúp tăng khả năng miễn dịch và nâng cao thể lực con người.
3. Đặc biệt chú trọng bữa sáng
Theo một cuộc khảo sát về bữa sáng được thực hiện tại ba đô thị lớn Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu của Trung Quốc, tỷ lệ người Thượng Hải ăn sáng có thể chiếm từ 70% đến 90%. Người Thượng Hải cho rằng bữa sáng rất quan trọng, dù mệt mỏi đến đâu nhất định sẽ dậy sớm 20 phút đển ăn một bữa sáng đủ chất cho một ngày dài. Các hàng quán ăn sáng tại thành phố này cũng rất đa dạng để phục vụ mọi nhu cầu của người dân.
Người Thượng Hải thích uống sữa, ăn ngũ cốc thô hoặc ăn súp có rau cho bữa sáng, đảm bảo tiêu chí ít calo, vệ sinh, ít dầu mỡ và gia vị.
4. Hiểu biết về sức khỏe
Trình độ chăm sóc y tế ở Thượng Hải tương đối cao, người dân có nhận thức rõ ràng về việc khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện các bệnh hiểm nghèo và điều trị sớm hơn, tỷ lệ sống sót cao.
Theo thống kê của Ủy ban Xây dựng Thành phố Thượng Hải, vào năm 2021, trình độ hiểu biết của cư dân Thượng Hải về phòng ngừa và điều trị bệnh truyền nhiễm đạt 36,98% và trình độ hiểu biết về sức khỏe đạt 38,25%. Mọi người đều rất quan tâm đến sức khỏe, đặc biệt là chế độ ăn và kiến thức về các loại bệnh mãn tính.
Dưới áp lực công việc, người Thượng Hải tìm đến nhiều cách để thư giãn và giải tỏa căng thẳng như tham gia các CLB đạp xe, leo núi, hoạt động văn nghệ ngoài trời hoặc đi du lịch, từ đó duy trì trạng thái cảm xúc tốt hơn.
Ngoài ra, họ phải đi bộ và đạp xe nhiều để di chuyển mỗi ngày, điều này vô hình mang lại hiệu quả tương đương tập thể dục, thúc đầy quá trình trao đổi chất và duy trì chức năng miễn dịch. Cụ ông Triệu Minh Trì 104 tuổi thường đi bộ đến nơi làm việc mỗi ngày nên đến khi nghỉ hưu, thể chất của ông vẫn rất tốt.