Con đường đau khổ ở Hà Nội, chỉ 650m nhưng gần trăm "ổ khủng long"
Năm 2007, UBND TP Hà Nội đã giao Ban Quản lý Dự án giao thông - đô thị (thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội) làm chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường 181. Dự án được khởi công với tổng chiều dài 6,2 km, đi qua phố Keo (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) và phố Sủi (xã Phú Thị).
Đến nay, 5,24/6,2km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, chỉ còn 760m chưa được thực hiện, trong đó có đoạn đường 650m qua phố Keo xuống cấp nghiêm trọng.
Khoảng 3-4 năm trở lại, lượng xe tải cỡ lớn, xe container ngày đêm "quần thảo", biến đoạn đường chưa đến 1km, nhưng xuất hiện gần trăm "ổ voi", "ổ gà", thậm chí... "ổ khủng long".
Nhìn từ trên cao con đường "đau khổ" nhất Hà Nội: 650m có gần 100 "ổ khủng long", xe container ngày đêm cày nát. Thực hiện: Minh Nhân - Quý Nguyễn.
650m đường đi qua phố Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội như một ma trận đầy rẫy "hố bom". Mỗi ngày, gần trăm phương tiện từ ô tô, xe tải, xe container, đầu kéo,... lũ lượt "quần thảo".
Không chỉ gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, việc con đường xuống cấp gây hậu quả nghiêm trọng tới đời sống dân cư 2 bên.
Chính những loại xe trọng tải nặng đang "cày nát" con đường, họ bất chấp lưu thông dù có biển cảnh báo.
Những "ổ khủng long" từ đầu đường tới cuối đường. Dù chỉ dài 650m, nhưng người dân chật vật mỗi ngày để băng qua.
Theo ước tính, mỗi ngày có gần 1.000 phương tiện, chủ yếu là ô tô, xe container, xe trọng tải nặng,... thi nhau "cày nát" con đường. Các xe bắt đầu di chuyển qua đây từ năm 2016-2017, tần suất tăng dần theo thời gian.
Ngày nắng, bụi mù mịt, nhìn không rõ đường di chuyển. Trời mưa, có hố sâu gần nửa mét, đầy đá dăm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Xe chạy cả ngày lẫn đêm, đông nhất vào 2-3h sáng, khiến giấc ngủ của người dân chưa bao giờ trọn vẹn.
Trong 3 năm qua, đã có hàng chục vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đoạn đường chỉ 650m này, khiến 10 người tử vong, trong đó có 3 trẻ nhỏ, chủ yếu liên quan đến việc người dân điều khiển phương tiện giao thông lao xuống hố hoặc va quệt với xe container, xe đầu kéo.
Hàng dài xe container, xe tải nối nhau, khói bụi mù mịt nghiêm trọng.
Con đường bị phá hỏng, ngày mưa thì ngập úng, nắng lên bụi mù mịt. Ở phố Keo, tai nạn xảy ra thường xuyên đến nỗi người dân gọi đó là một điều "hết sức bình thường".
Nước ngập úng, bùn cát chảy trôi gây tắc cống khiến nước không thể thoát, tràn hết vào nhà dân 2 bên đường.
Xã Kim Sơn đã trám đường 3-5 lần, nhưng chỉ 2 ngày sau, hiện trạng lại như cũ.
Để băng qua "con đường đau khổ" này, chủ phương tiện cần hết sức tập trung để tránh va chạm.
"Chúng tôi đã phải ném gạch xuống các hố sâu 50-70cm"
Chị Kim Anh, 30 tuổi, kể rằng gia đình cho thuê tầng 1 làm salon tóc, nhưng không có khách, vì người dân Phố Keo không dám ra đường nếu không có việc gì cần thiết. Không chỉ ô nhiễm tiếng ồn, họ phải chấp nhận tình cảnh: ngày mưa thì đường lầy lội, nắng lên không thể thở được vì bụi mù mịt. Các hộ gia đình đã tự khắc phục bằng cách lắp cửa kính, mua rèm, nhưng không ăn thua, đến nỗi "chịu khổ mãi cũng quen rồi".
Chị cho biết, cách đây 2 năm, ngày giáp Tết, có đôi vợ chồng bị xe container cán, người vợ tử vong, còn chồng bị thương nặng. Đặc biệt, năm 2019, một xe container khác va chạm với xe đạp, khiến 2 cháu nhỏ tử vong trên đường đi học về. Tai nạn giao thông nhiều đến mức, người dân xem như... "chuyện bình thường".
"Thực sự con đường quá nguy hiểm, đặc biệt vào giờ tan tầm, các phương tiện trọng tải nặng lưu thông dày đặc. Quanh năm, nhiều người bán nhà, rồi chuyển đi", chị nói.
Theo chị, 2-3 tháng trước, có đơn vị thi công tới san ít đá dăm trên mặt đường, nhưng hễ trời mưa, lượng xe không giảm, thì "chuyện đâu lại vào đấy".
"Chúng tôi đã phải ném gạch xuống các hố sâu khoảng 50-70cm, nếu không hố sẽ còn lún sâu hơn, dễ khiến container bị lật. Khi đó, người dân di chuyển bên cạnh sẽ cực kỳ nguy hiểm", người phụ nữ kể.
Người dân nhiều năm qua đã quen với cảnh "sống chung với container".
"Ổ gà", "ổ vịt" khiến mỗi lần băng qua con đường như một "cuộc thi" hết sức cân não.
Trong 3 năm qua, đã có hàng chục vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, khiến 10 người tử vong, trong đó có 3 trẻ nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Băng, 58 tuổi bức xúc, khi các hố sâu trũng nước, cát bùn trôi xuống cống gây tắc nghẽn khiến mặt đường lúc nào cũng trong trạng thái "lênh láng". Bà cho hay, để qua đường, người dân phải đợi hàng xe container nối đuôi nhau, rồi né lên vỉa hè, men theo từng căn nhà.
"Có người đi qua mấy cái ổ gà, cứ nghĩ nông, nhưng ngã chổng vó, quần áo bẩn hết", bà Băng nói.
Bà Nguyễn Thị Loan, 52 tuổi, ngồi nhắm tịt mắt trước cửa hàng tạp hoá của mình, khi mà lớp bụi mù vẫn chưa tan sau khi một chiếc container ì ạch vụt qua. Dù có lợi thế vị trí buôn bán đắc địa ngay giữa ngã tư, nhưng cửa hàng luôn trong tình trạng... ế khách.
"Ngồi cả ngày, tôi không bán được đồng nào, sắp nghỉ đến nơi vì người dân không dám ra khỏi nhà. Cứ hễ các phương tiện đi qua thì không gian lại trở nên bụi bặm, một ngày không biết bao nhiêu người ngã lăn ra đường".
Bà Loan cho hay, trên địa bàn phố Keo có 3 trường: 1 Tiểu học, 1 THCS và 1 Mầm non. Học sinh không dám đi học trên con đường này. Bố mẹ phải dạy các em cách đi băng qua đường trong làng, dù xa hơn nhưng an toàn.
"Mặc dù có biển cấm xe container lưu thông vào các khung giờ từ 6h-9h và 16h30-19h30 nhưng các xe hạng nặng vẫn ngang nhiên", bà bức xúc. Người dân đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu lên chính quyền địa phương nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Đến nay, hy vọng của người dân Phố Keo, chỉ là mong mỏi chính quyền địa phương duy tu, sửa chữa con đường để cuộc sống của họ ổn định hơn.
Bà Nguyễn Thị Loan, 52 tuổi, ngồi nhắm tịt mắt trước cửa hàng tạp hoá của mình, khi mà lớp bụi mù vẫn chưa tan sau khi một chiếc container ì ạch vụt qua
Nhà bà Loan có vị trí đắc địa ngay ngã tư, nhưng dường như ưu điểm này không giúp được việc kinh doanh trở nên khấm khá hơn vì người dân rất sợ... ra đường.
Người dân chẳng lấy gì làm ngạc nhiên mỗi lần tiếng lốp xe tải nổ vang trời. Họ bảo sống quen rồi, nên cái khổ cũng hoá tầm thường.
"Chúng tôi cũng đã ban hành giờ cấm phương tiện lưu thông đối với xe đầu kéo, nhưng họ vẫn bất chấp"
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn thông tin, hiện nay còn khoảng 650m đường đi qua địa bàn chưa giải phóng mặt bằng nên không thể hoàn thành dự án. Hơn nữa, mỗi ngày, hàng trăm xe container hạng nặng "quần thảo" khiến con đường vốn đã xuống cấp thì lại càng trầm trọng hơn.
"Nhiều năm qua, người dân rất bức xúc về việc giao thông đi lại. Chúng tôi đã khuyến cáo toàn dân hạn chế thấp nhất lưu thông qua tuyến đường này, bằng cách di chuyển qua các tuyến đường liên thôn, liên xã", ông Thắng cho hay.
Được biết, xã Kim Sơn có 154 hộ sản xuất kinh doanh nằm hai bên quốc lộ 181 - trực tiếp chịu ảnh hưởng từ "con đường đau khổ". 3-4 năm trở lại, họ không thể làm ăn vì đường sá hư hỏng, lưu lượng lớn xe trọng tải. Chính quyền địa phương đã đề xuất với cơ quan thuế tiến hành miễn giảm thuế cho các hộ, và khuyến khích họ khắc phục khó khăn bằng cách tìm các phương án sản xuất thay thế.
Trên địa bàn có 3 trường học, trẻ nhỏ được khuyến cáo đi đường thôn để tới trường, nhưng không tránh khỏi việc nhiều em đi mon men bên cạnh những chiếc xe khổng lồ như thế này.
Người dân phố Keo hy vọng, thời gian tới, chính quyền sẽ duy tu, sửa chữa con đường để cuộc sống của họ ổn định hơn.
Theo ông Thắng, một trong những lý do khiến các xe container, xe đầu kéo chọn cách "băng qua" con đường 650m thuộc tỉnh lộ 181 này, là để "né" 2 trạm thu phí BOT trên quốc lộ 5 cũ.
Cụ thể, thay vì đi thẳng quốc lộ 5 cũ hướng Hà Nội - Hải Phòng thì dòng xe container lại rẽ vào ngã 3 phố Keo Sủi - Gia Lâm - Hà Nội để trốn trạm thu phí, sau đó qua địa phận Bắc Ninh và Hải Dương. Theo khảo sát, mỗi lần di chuyển qua phố Keo, cánh tài xế sẽ tiết kiệm được từ vài trăm đến tiền triệu.
"Chính vì thế, dù đi qua đây xa hơn, đường xấu, nhưng họ vẫn đi", ông Thắng nói. "Xã đã cho trám đường 3-5 lần, nhưng không ăn thua. Mọi hiện trạng lại trở về như trước chỉ sau 1, 2 ngày.
Chúng tôi cũng đã ban hành giờ cấm phương tiện lưu thông đối với xe đầu kéo, nhưng họ vẫn bất chấp. Có những thời điểm, đường hỏng, lốp xe không thể bám đất, phương tiện bị mắc kẹt giữa đường gây cảnh ùn tắc giao thông".