Có lẽ, thông tin kỳ quặc nhất về Apple trong những ngày gần đây không phải là cột mốc 2 nghìn tỷ giữa tâm bão Covid-19, mà là thông tin rằng Apple đang phát triển một bộ máy tìm kiếm riêng nhằm thay thế Google. Đây có thể coi là một trong số những bước đi hiếm hoi có máu sắc "hoang tưởng" của nhà Táo: chưa một gã khổng lồ nào có thể thay thế Google, bao gồm cả những kẻ đã từng một thời thống trị thế giới một cách áp đảo như Microsoft.
Nhưng dĩ nhiên, trên chiến trường hi-tech vốn đã vô cùng khắc nghiệt và liên tục thay đổi, Tim Cook sẽ chẳng thể xây dựng nên một đế chế 2 nghìn tỷ chỉ bằng những mộng ước hoang tưởng. Không như những gì bạn nghĩ, một bộ máy tìm kiếm của riêng Apple vẫn có thể mang lại vô số lợi ích - ngay cả khi nắm chắc phần thua trước Google.
Apple không phải là gã khổng lồ đầu tiên dám cạnh tranh với Google trên lĩnh vực tìm kiếm. Nhắc đến bộ máy tìm kiếm đối đầu Google, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Bing, một trong số những sản phẩm thất bại nhất của Microsoft. Người dùng có chút hiểu biết chắc chắn sẽ cài Chrome; nếu có dùng Edge Chromium họ cũng sẽ tìm cách thay đổi mặc định về Google.
Lý là vì Bing có trải nghiệm ở tầm vóc thảm họa. Các kết quả tìm kiếm của Bing thường không đúng ý người dùng như Google, tốc độ tìm cũng thua xa Google. Khi Microsoft cải thiện được (phần nào) trải nghiệm dở tệ này, nhiều người còn đùa ác ý rằng Bing đơn giản là… lấy kết quả tìm kiếm của Google về hiển thị.
Đúng vậy, Bing cũng giống như Internet Explorer hay Windows Vista ngày trước, chỉ là trò đùa của thế giới công nghệ. Nhưng bạn có biết rằng, trong năm tài chính vừa qua, Microsoft đã thu về tới 7,74 tỷ USD từ quảng cáo trên tìm kiếm? Con số này thừa đủ để Bing vượt qua doanh thu Surface, vốn chỉ đạt 6,2 tỷ USD mà thôi.
Hiển nhiên, con số 7,7 tỷ USD của Bing chẳng nhằm nhò vào đâu so với những gì Google thu về từ bộ máy tìm kiếm đang thống trị thị trường của mình. Nhưng 7,7 tỷ USD mỗi năm cũng không phải là một khoản thu nhỏ: con số này cao gấp 4 lần doanh thu quảng cáo của mạng xã hội Twitter, và cũng bằng 1 nửa doanh thu quảng cáo của Amazon.
Vậy, Bing làm thế nào để kiếm tiền cho Microsoft? Có lẽ bạn sẽ bất ngờ khi biết điều này, nhưng Google.com hay thanh tìm kiếm trên Chrome không phải là nơi duy nhất bạn thực hiện tìm kiếm. Bing không chỉ được tích hợp vào trình duyệt Edge hay IE mà còn hiện diện trong nút Start và nhiều vị trí khác trên Windows, các ứng dụng Office hay các phần mềm doanh nghiệp (Sharepoint, Power BI) của Microsoft. Trong nhiều tình huống, Bing được Microsoft "khéo léo" vào các tính năng tìm kiếm trên thiết bị/mạng nội bộ. Do quảng cáo thực chất là cuộc đua để thấu hiểu người dùng (qua những thông tin thu nhận được), 1 tỷ thiết bị Windows 10 chắc chắn đã đem đến lợi thế đặc biệt cho Bing, một sản phẩm vốn được coi là trò đùa của thế giới công nghệ.
Tháng 1/2019, Apple công bố lượng iPhone đang lưu hành (đang được sử dụng) là 900 triệu máy. Đầu năm 2020, lượng thiết bị Apple lưu hành (gồm cả iOS, macOS) là 1,5 tỷ. Nếu Bing có thể mang về doanh thu tầm cỡ tỷ đô từ 1 tỷ thiết bị Windows, doanh thu của "iSearch" hay "Apple Search" từ 1,5 tỷ thiết bị đắt tiền gắn mác Táo chắc chắn sẽ còn lớn hơn thế nhiều lần.
Từ trước khi ôm mộng tìm kiếm, Apple có đã có rất nhiều sản phẩm kiếm bộn tiền dù "thua đứt" trước các đối thủ cạnh tranh. Các dịch vụ online của Apple là minh chứng điển hình. iCloud có giá ngang ngửa với Google Drive và Microsoft OneDrive nhưng kém tính năng hơn hẳn. Apple Music có lẽ chỉ được sử dụng bởi iFan - số người dùng trả phí hiện tại vẫn thua xa Spotify. Apple TV chắc chắn không hút khách như Netflix hay Amazon Prime. Nói chung, tất cả các dịch vụ của Apple đều sinh ra để thua kém các đối thủ cạnh tranh. Nhưng cộng lại, chúng mang về hơn 10 tỷ USD mỗi quý, biến Apple trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ online lớn nhất thế giới.
Một lợi ích khác không thể bỏ qua là lợi thế công nghệ. Phát triển một bộ máy tìm kiếm bắt buộc phải đi kèm với phát triển các công nghệ liên quan tới dữ liệu và thuật toán. Những gì Apple "học" được khi phát triển một bộ máy tìm kiếm hoàn toàn có thể giúp cải thiện vị trí của Apple trên bản đồ AI, đem đến những cải thiện gián tiếp cho Siri, nhiếp ảnh iPhone hay kiến trúc iCloud.
Chưa kể, cho dù có thất bại trước đối thủ thì mỗi sản phẩm riêng cũng luôn đem lại quyền tự chủ cho nhà phát triển. Apple Maps là ví dụ. Sau màn ra mắt thảm họa vào năm 2012, đến nay dịch vụ này vẫn được Apple liên tục phát triển và trau chuốt. Hơn ai hết, Apple thừa hiểu rằng bắt kịp Google Maps hay thập chí Bing Maps là không thể. Song, sự xuất hiện của Apple Maps (và iCloud) cho phép các nhà phát triển có thể tạo ra những ứng dụng iOS KHÔNG sử dụng đến Google Maps.
Lợi ích quan trọng nhất từ những sản phẩm thất bại là ảnh hưởng "ngầm" của chúng đến các mối quan hệ chồng chéo của các ông lớn công nghệ. Ví dụ, Apple đã có thời gian chuyển Siri sang sử dụng Bing hay vì Google. Chắc chắn, sự kiện này đã khiến số tiền Google phải trả cho Apple để giữ vững vị trí là bộ máy tìm kiếm mặc định trên iOS/macOS gia tăng. Nếu Apple giờ còn có cả bộ máy tìm kiếm riêng, chắc chắn con số hàng tỷ USD chảy từ túi Google sang Apple sẽ còn tăng hơn nữa - dù rằng số lượng iFan bỏ Google sang dùng "iSearch" sẽ chỉ là thiểu số.
Đây cũng sẽ chẳng phải là lần đầu tiên Google phải vung tiền để dập tắt những đối thủ yếu thế hơn hẳn. Gã khổng lồ tìm kiếm được cho là sẽ sớm mở túi để Samsung khai tử Galaxy Apps (và Bixby) và đưa smartphone Galaxy sang "toàn tâm toàn ý" với Play. Galaxy Apps chỉ có vỏn vẹn vài triệu người dùng nhưng mới đây lại là công cụ để Epic Games phát hành Fortnite sau khi bị loại bỏ khỏi Google Play. Và đó là cách một sản phẩm cạnh tranh có quy mô nhỏ hơn rất nhiều có thể gây hại cho những ông lớn thống trị.
Chính Google cũng đâu xa lạ với những chiêu trò kiểu này. Smartphone Pixel của Google dĩ nhiên sẽ cẳng bao giờ đạt thị phần có nghĩa, nhưng vẫn sẽ khiến các đối tác phải thêm phần "kiêng nể" khi nghe Google định đoạt các điều khoản kiểm soát Android. ChromeBook của Google có doanh số èo uột (và trải nghiệm giới hạn) nhưng gây sức ép lên Microsoft, buộc công ty Windows phải vung tiền lôi kéo các nhà sản xuất đầu tư hơn vào PC giá rẻ.
Đến cuối cùng, Apple, Google và Microsoft đều là một trong số ít các ông lớn nghìn tỷ đô trên thế giới. Họ vẫn có thành công đan xen với thất bại, nhưng chẳng có công ty nào có thể đạt đến tầm cỡ nghìn tỷ bằng những quyết định ngây ngô/hoang tưởng. Mọi điều mà Apple, Google hay Microsoft làm đều có rất nhiều toan tính phía sau. Đôi khi, "đánh bại đối thủ" không phải là toan tính duy nhất.