1. Máy làm rau mầm
Thời tới cản không kịp, thường ngày chẳng được mấy người ngó nghiêng nhưng trong mùa giãn cách vừa qua, máy làm rau mầm bỗng trở thành 1 trong những sản phẩm được dân tình “săn lùng” ráo riết nhất. Nhà bạn đã sắm chiếc nào chưa?
So với phương pháp làm rau mầm truyền thống bằng khăn xô hay hộp sữa thì chiếc máy này giúp bạn tạo rau mầm đơn giản và tiện lợi hơn nhiều.
Máy có công suất rất nhỏ (khoảng 15W) nên dù có hoạt động liên tục cũng không hề tốn điện. Máy cũng dễ tháo lắp và vệ sinh.
Bạn chỉ cần rải hạt đã ngâm lên khay, đổ nước vào lồng, lắp vòi phun và bật công tắc cho máy hoạt động. Máy sẽ tự động bơm nước 360 độ sau 1 khoảng thời gian nhất định, mỗi ngày chỉ cần thay nước 1 lần duy nhất. Sau khoảng 2 - 3 ngày là có thể thu hoạch rau mầm.
Hiện tại, máy làm rau mầm có giá dao động từ 700 - 1.000K/chiếc tùy theo loại 1 tầng, 2 tầng hay 3 tầng. Nếu nhà đông thành viên, khuyên thật bạn nên chọn loại nhiều tầng để một mẻ thu hoạch được nhiều rau mầm hơn nhé.
2. Máy làm bánh mì
So với rau củ thì bánh mì tươi thậm chí còn khó mua hơn trong những ngày giãn cách xã hội, thế nên nhiều gia đình sẵn sàng tậu thêm máy làm bánh mì tại gia cho “thỏa cơn thèm”.
So với lò nướng cồng kềnh, đắt đỏ thì những chiếc máy làm bánh mì tươi có kích cỡ nhỏ gọn hơn nhiều và mức giá nhìn chung cũng khá dễ chịu, chỉ từ khoảng 1.000K - 6.000K đã có thể sắm được một chiếc.
Bạn chỉ cần cho nguyên liệu theo đúng công thức vào máy, cài đặt chế độ phù hợp rồi ấn nút khởi động. Sau khi hết thời gian đã cài đặt trước, ổ bánh mì thơm ngon, nóng hổi đã hoàn thành, bạn chỉ cần lấy bánh ra để nguội bớt là có thể thưởng thức luôn cùng gia đình. So với cách làm bánh mì thủ công thì rõ ràng dùng máy tiện lợi hơn nhiều đúng không nào?
Máy làm bánh mì có dung tích dao động từ 1 - 3,5L, thường tích hợp nhiều chế độ nấu khác nhau như làm bánh mì cổ điển, bánh mì Pháp, bánh ngọt, mứt, sandwich… Một số máy cao cấp còn có thêm chức năng làm sữa chua, làm kem, pate, chà bông, nấu chè…, đa năng không kém một chiếc máy nấu ăn thực thụ. Nếu muốn sử dụng nhanh gọn, tiện lợi hơn, bạn có thể tham khảo các dòng máy có khả năng kết nối với wifi để thao tác qua điện thoại.
3. Bánh mì cấp đông
Ngoài máy làm bánh mì thì bánh mì cấp đông cũng rất “đắt khách” trong mùa dịch. Đây là loại bánh mì tươi được chế biến sẵn và bảo quản lạnh ở nhiệt độ thích hợp. Sau khi mua bánh mì về, bạn chỉ cần một chiếc lò nướng đơn giản và vài bước chuẩn bị là có thể nhận về ngay những chiếc bánh nóng hổi thơm ngon.
Một set 4 ổ bánh mì tươi có giá trung bình từ 35K - 80K/chiếc, cũng có đủ loại cho người dùng tiện “đổi gió” hàng ngày. Nào bánh mì chiên, bánh mì dạng sừng bò và cả bánh mì Sourdough cũng có đủ. Riêng bánh mì Sourdough thì có giá cao hơn, từ 50 - 75K/chiếc tùy loại.
Mùa dịch vừa qua, bạn đã “chốt đơn” bánh mì cấp đông bao nhiêu lần rồi?
4. Nước cốt bún bò/phở bò
Những ngày giãn cách, dân Sài Gòn nhớ da diết “cô bán bún bò”, còn dân Hà Nội thì chỉ thèm một bát phở bò nóng hổi ngoài hàng. Mua đồ đóng hộp thì hương vị khó chuẩn hàng “auth”, tự làm thì hương vị “hên xui”, thế nên dân tình đành chuyển hướng sang mua nước cốt để được thưởng thức món ngon chuẩn vị nhất.
Thời điểm đó, nhiều tiệm phở, tiệm bún bò cũng chuyển sang bán nước cốt đóng gói sẵn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Một số hãng chuyên về gia vị nấu ăn liền cũng tranh thủ quảng bá mạnh mẽ các loại nước cốt phở đóng gói sẵn.
Tùy theo nhu cầu sử dụng mà bạn có thể chọn mua các loại nước cốt khác nhau với mức giá từ 20 - 60K hoặc trên dưới 200K đối với loại cao cấp. Chủng loại nước cốt cũng rất đa dạng, từ vị bò, vị gà, vị mặn tới vị chay đều có đủ. Đã có ai từng nấu thử bún bò, phở bò bằng nước cốt thành công chưa nào?
Ảnh: Internet