Những ngày cuối cùng của năm 2019, cả thế giới đón chờ một kỷ nguyên mới. Một thập kỷ hỗn loạn chuẩn bị qua đi với một loạt biến động trên thế giới, từ Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu EU), chiến tranh Syria cho đến khủng hoảng nhập cư.
13:38 phút ngày 31/12/2019, chính phủ Trung Quốc thông báo về một loạt các ca mắc chứng "viêm phổi do virus lạ", xảy ra tại Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, với 11 triệu dân. Thông tin được gửi đến Tổ chức y tế thế giới WHO, nhưng thời điểm ấy thì đây chỉ là một trong số hàng chục dịch bệnh khác có nguy cơ bùng phát trên thế giới được tổ chức xác nhận, như Ebola tại Tây Phi, dịch sởi ở Thái Bình Dương, và sốt xuất huyết ở Afghanistan.
Nhìn chung bên ngoài Trung Quốc, thông tin về dịch bệnh gần như rất nhỏ giọt, ít ai để ý đến.
100 ngày kế tiếp, thế giới ghi nhận 1,44 triệu ca nhiễm, hơn 83.000 người tử vong. Hàng không quốc tế đóng băng, nền kinh tế khủng hoảng, và hơn một nửa nhân loại phải ở trong nhà, thực thi cách ly xã hội. Trong số những người nhiễm bệnh có cả những nhân vật đầy quyền lực, như Thái tử vương quốc Anh - Hoàng tử Charles, thủ tướng Anh Boris Johnson, phó thủ tướng Iran Eshaq Jahangiri...
Tất cả những điều trên, vào thời khắc cuối cùng của năm 2019, chẳng ai có thể tưởng tượng được chúng có thể xảy ra. Còn giờ thì đó là cơn ác mộng đang hiển hiện, với cái tên Covid-19.
1/1/2020
Ngày 31/12/2019, chính phủ Trung Quốc thông báo với WHO về các ca viêm phổi do virus lạ xảy ra tại Vũ Hán. Khi ấy đã có 27 người nhiễm bệnh, với ít nhất 7 trường hợp nghiêm trọng.
Nguồn gốc dịch bệnh khi đó được truy về khu chợ hải sản tươi sống Hoa Nam của Vũ Hán (dù sau đó xác nhận các ca nhiễm đầu tiên không liên quan đến khu chợ này). Sáng ngày 1/1/2020, khu chợ vốn đông đúc nay chỉ còn bóng dáng cảnh sát, yêu cầu tất cả phải đóng cửa. Công nhân viên y tế trong trang phục phòng độc cẩn thận lấy mẫu tại chợ, đặt vào trong túi nhựa rồi niêm phong.
Chợ hải sản Hoa Nam - Trung Quốc, từng được cho là nơi bắt nguồn dịch bệnh
Các thông điệp lo ngại xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc, rằng có nhiều người bệnh với triệu chứng lạ xuất hiện trong các bệnh viện của Vũ Hán. Ít nhất 8 người bị triệu tập lên sở cảnh sát vì tội "lan truyền tin đồn sai sự thật". Một trong số đó là bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng đã bị khiển trách, sau khi lan truyền bản phân tích của ông về một loại virus "giống với SARS" cho các cựu sinh viên trường y.
9/1/2020
Căn bệnh lạ được xác nhận: giới chuyên gia Trung Quốc cho biết các bệnh nhân tại Vũ Hán đã nhiễm phải một loại virus corona chủng mới chưa xác định. Tuy nhiên, giới khoa học xác định khả năng virus lây lan từ người sang người là rất thấp.
11/1/2020
Người đầu tiên tử vong vì virus chủng mới. Bệnh nhân là nam giới, 61 tuổi, sống tại Vũ Hán và có bệnh lý nền "nghiêm trọng". Trong giai đoạn này, số liệu công bố có chiều hướng giảm dần, do việc phân tích mã gene của virus cho phép các bác sĩ loại bỏ các trường hợp tưởng là nhiễm virus, nhưng thực ra chỉ là viêm phổi thường.
Cũng trong ngày, bác sĩ Lý Văn Lượng bắt đầu ho và sốt, sau khi khám cho một bệnh nhân tương tự trước đó 2 ngày.
13/1/2020
Hơn 1 tuần trôi qua kể từ khi chính quyền Vũ Hán xác nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên. Không có thêm tin gì mới ở Vũ Hán - nơi khởi phát dịch bệnh. Nhưng bất ngờ, Thái Lan đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên - là một người dân từ Vũ Hán, được xác định bằng biện pháp đo thân nhiệt tại sân bay Bangkok.
Một hội đồng gồm các chuyên gia bệnh truyền nhiễm đã thành lập tại London để thảo luận về virus mới. Tất cả thống nhất rủi ro với nước Anh là "rất thấp, nhưng cần điều tra thêm".
Trung Quốc khi đó cho biết vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về khả năng lây lan từ người sang người với virus chủng mới, cũng không có bất kỳ chuyên gia y tế nào mắc bệnh. Thông tin này nhận được sự ủng hộ từ WHO, bằng một bản thông báo cho thấy sự yên tâm về khả năng ứng phó của chính phủ Trung Quốc với dịch bệnh.
Xe làm việc để xây dựng cấp tốc 2 bệnh viện tại Vũ Hán trong 2 tuần
Các chuyên gia dịch tễ cho biết các thông tin hoàn toàn đáng khích lệ. "Nếu không có ca nhiễm mới trong những ngày tới, có thể tuyên bố dịch bệnh chấm dứt," - Guan Yi, giáo sư bệnh truyền nhiễm từ ĐH Hong Kong trả lời New York Times.
Tuy nhiên, các bác sĩ tại Vũ Hán lại nhìn thấy một bức tranh khác. Các nghiên cứu sau này tiết lộ, bệnh viện tại thành phố đã phải đối mặt với làn sóng bệnh nhân nhiễm virus mà không có liên hệ gì với khu chợ hải sản Hoa Nam cả.
20/1/2020
Các trường hợp nhiễm virus xuất hiện ở Bắc Kinh, Thâm Quyến, Thái Lan và Nhật Bản. Chung Nam Sơn - chuyên gia hô hấp đáng tin cậy đại diện chính phủ Trung Quốc thông báo trên truyền thông quốc gia: "Chúng ta có thể chắc chắn rằng virus có thể lan truyền từ người sang người."
Tưởng như đã biến mất trong hơn 2 tuần, virus corona chủng mới bất ngờ xuất hiện trở lại, và lần này là ở phạm vi toàn quốc. Ngày 17/1, có thêm 4 ca nhiễm mới. 19/1, tổng cộng là 139.
Các trường hợp lây nhiễm xuất hiện cả ở Hàn Quốc và Mỹ. Ngày 19/1, tiểu bang Washington xác nhận có mắc virus đầu tiên, là một người đàn ông 35 tuổi trở về từ Vũ Hán.
Tại Trung Quốc, hoảng loạn bao trùm Vũ Hán. Guardian đưa tin vào sáng ngày 20/1, hơn 100 bệnh nhân với các triệu chứng nhiễm bệnh đang chờ khám bệnh tại Bệnh viện Liên hợp Vũ Hán.
22/1/2020
Vũ Hán tiến hành phong tỏa di chuyển. Các chuyến bay, tàu điện ra vào thành phố đều đóng cửa. Xe bus ngưng hoạt động.
24/1/2020
Giáp Tết âm lịch, hàng trăm triệu người Trung Quốc đang chuẩn bị hành trình "xuân vận" - trở về quê với gia đình và bạn bè. Nhưng trong đó, không có người ở Vũ Hán. Lúc này đã có 800 ca nhiễm bệnh, và 25 trường hợp tử vong.
Một bệnh nhân tại Hong Kong - Trung Quốc ngày 22/1
Vũ Hán cũng là nơi đầu tiên "trải nghiệm" sự bùng nổ của dịch bệnh: các ca nhiễm tăng nhanh, bệnh viện quá tải, và toàn bộ cư dân phải tiến hành cách ly xã hội.
Virus xuất hiện ở châu Âu, trên 2 người trở về từ Trung Quốc cùng một người là họ hàng liên quan. Cả 3 từng tiếp xúc với nhiều người, và chính phủ Pháp cho biết họ đang gấp rút lần theo dấu vết các trường hợp khả nghi. "Dập dịch như dập lửa," - trích lời Bộ trưởng bộ y tế Pháp Agnes Buzyn.
25/1/2020
Viện trưởng bệnh viện Tân Hoa - Lương Vũ Đông thiệt mạng giữa dịch bệnh
Lệnh phong tỏa được nới rộng ra nhiều thành phố, với 56 triệu người bị ảnh hưởng. Tổng Bí thư Tập Cận Bình cảnh báo đất nước đang rơi vào tình huống nguy cấp. Lương Vũ Đông - viện trưởng bệnh viện Tân Hoa của tình Hồ Bắc trở thành chuyên gia y tế đầu tiên thiệt mạng trong dịch bệnh (sau được đính chính nguyên nhân tử vong là vì đau tim).
28/1/2020
Số người chết tại Trung Quốc vượt quá 100.
30/1/2020
WHO tuyên bố virus corona là tình trạng khẩn cấp ở phạm vi toàn cầu.
31/1/2020
Với nước Anh, đây là ngày có 2 cột mốc không mấy êm đẹp. Đầu tiên là sau 4 năm tranh luận, cuối cùng Anh cũng chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu EU. Và thứ hai, có 2 người trong cùng một gia đình tại Anh đã dương tính với virus corona. Họ trở về từ Vũ Hán, và được đưa đi cách ly ngay sau đó.
Số lượng người nhiễm chính thức vượt qua dịch SARS vào năm 2003. Tây Ban Nha và Ý cũng đã phát hiện ca nhiễm đầu tiên.
"Tình hình đang rất nghiêm trọng, nhưng không có gì phải lo. Mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát," - trích lời bộ trưởng Bộ y tế Ý Roberto Speranza.
Số người tử vong tại Trung Quốc tăng nhanh - 258 người, trong khi tổng cộng 11.000 ca nhiễm. Mỹ ban hành lệnh cấm nhập cảnh toàn bộ người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong thời gian gần.
2/2/2020
Philippines xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì virus corona, là một người trở về từ Vũ Hán với triệu chứng viêm phổi nặng. Đây cũng là ca tử vong đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục kể từ đầu dịch bệnh. Philippines chặn nhập cảnh với người đến từ Trung Quốc.
4/2/2020
Số người nhiễm tại Trung Quốc vượt quá 20.000, với 425 người tử vong.
Tổng giám đốc WHO cho biết khả năng lây lan ra quốc tế của dịch bệnh là "nhỏ giọt và chậm." Ông kêu gọi dù tình hình có thể tệ hơn, nhưng chưa đến mức cần phải hoãn giao thương và đi lại giữa các nước. Guardian ghi nhận, một người đàn ông trở về London từ Thượng Hải đã phải ngỡ ngàng trước các biện pháp kiểm soát quá sức lỏng lẻo ở đây. Dù người này có điền thông tin di chuyển, nhưng dường như chẳng ai quan tâm.
Trong khi đó tại Vũ Hán, tình hình bác sĩ Lý Văn Lượng dần xấu đi, rồi tử vong sau đây 3 ngày. Cái chết của người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về dịch virus corona đã làm dấy sự tiếc thương vô hạn đối với công chúng tại Trung Quốc.
Bác sĩ Lý Văn Lượng - người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về dịch bệnh đã tử vong vào ngày 4/2/2020
Tại Mỹ ngày 5/2, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã bắt đầu phân phối các bộ kit xét nghiệm trên toàn quốc. Tuy nhiên, bộ thiết bị này được đánh giá là không chuẩn xác, và suốt gần 1 tháng trời Mỹ mới chỉ xét nghiệm được cho 1.200 trường hợp. Trong khi đó, Hàn Quốc và Úc xử lý hơn 12.000 ca xét nghiệm mỗi ngày.
Tổng thống Trump sau đó có phát biểu: "Về lý thuyết thì vào tháng 4, khi tiết trời ấm hơn, dịch bệnh sẽ biến mất một cách kỳ diệu."
11/2/2020
Số người chết tại Trung Quốc đại lục đã vượt quá 1000. WHO xác nhận tên gọi mới cho dịch bệnh là Covid-19, thay cho cái tên 2019-nCoV trước đó.
19/2/2020
Việc xét nghiệm diện rộng cho kết quả khả quan tại Hàn Quốc, khi chỉ có 30 trường hợp được xác nhận tính đến 18/2. Tuy nhiên bệnh nhân số 31 xuất hiện, nó đã khiến giới chức hoang mang tột độ.
Bệnh nhân là nữ, 61 tuổi, là thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa thành phố Daegu phía nam Seoul. Bà đã không chịu làm xét nghiệm virus, thay vào đó vẫn đi dùng buffet tại một khách sạn, và trước đó vẫn tham dự buổi cầu nguyện của giáo phái. Cơ quan chức năng khi đó dự đoán, bà có khả năng gây rủi ro cho hơn 1000 người. "Sau thời điểm này, virus bùng nổ," - Kang Kyung-wha, bộ trưởng Bộ ngoại giao Hàn Quốc phát biểu.
Iran cũng xác nhận 2 ca nhiễm tại thành phố Qom. Còn tại Milan, đó là ngày diễn ra trận đấu giữa Atalanta và Valencia trong khuôn khổ giải Champions League. Rất nhiều cổ động viên đã hướng về vùng Lombardy (nơi sau này là tâm dịch của châu Âu), trong đó có hàng ngàn người Tây Ban Nha.
22/2/2020
Những ca tử vong đầu tiên xuất hiện tại Ý, tạo tiền đề cho lệnh phong tỏa toàn miền bắc quốc gia, cũng là nơi đầu tiên tại châu Âu áp dụng lệnh phong tỏa.
25/2/2020
Ngày 24/2, WHO cho biết thế giới cần chuẩn bị cho một đại dịch toàn cầu. Thị trường chứng khoán thủng đáy, thấp nhất trong 13 tháng qua. Khối tài sản trị giá 150 tỉ bảng Anh của các công ty hàng đầu "bốc hơi" trong vòng 4 ngày.
Ngày 25/2, toàn cầu có 80.000 ca nhiễm, và lần đầu tiên số ca nhiễm trong ngày trên quốc tế vượt qua Trung Quốc đại lục.
Số người tử vong tại Iran được cho là nhiều nhất bên ngoài Trung Quốc, với 12 ca được xác nhận. Tình hình trong quốc gia có phần hỗn loạn, sau khi Thứ trưởng bộ Y tế Iran xuất hiện trên truyền hình nói rằng dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát. Ngay chiều hôm đó, ông xác nhận dương tính với virus.
Mỹ thông báo ca nhiễm thứ 14. Tổng thống Trump nhận xét: "Virus corona được kiểm soát tốt tại Mỹ."
28/2/2020
Hành khách người Anh trên du thuyền Diamond Princess cách ly tại Nhật bản tử vong, cũng là người Anh đầu tiên thiệt mạng vì dịch bệnh.
6/3/2020
Anh Quốc có trường hợp đầu tiên thiệt mạng trong nước. Nạn nhân là nữ 70 tuổi, tử vong tại bệnh viện Royal Berkshire (Reading, Anh).
Số ca tử vong tại Ý tăng 6 lần trong 6 ngày, với 230 người chết và mỗi ngày tăng thêm 1200 người. Rome đóng cửa mọi trường học, giải Serie A hủy bỏ. Thủ tướng Giuseppe Conte thừa nhận rủi ro quá tải với hệ thống y tế, nếu khủng hoảng tiếp tục gia tăng.
Trước đó 3 ngày, thủ tướng Anh Boris Johnson đã gây ngạc nhiên khi tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục bắt tay khi cần, thậm chí còn bắt tay tất cả mọi người khi đi thăm bệnh viện có bệnh nhân nhiễm virus corona.
11/3/2020
WHO tuyên bố: Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Trước đó, Bộ trưởng bộ y tế Anh Nadine Dorries trở thành chính trị gia người Anh đầu tiên nhiễm Covid-19.
Tổng giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus
Tại phòng Bầu Dục, tổng thống Trump tuyên bố bộ máy của ông đang thực hiện "nỗ lực quyết liệt và toàn diện nhất lịch sử hiện đại để đối phó với virus ngoại lai," đồng thời cấm toàn bộ hành khách từ châu Âu, trừ Anh Quốc. Khi đó, số người nhiễm tại Mỹ đã vượt quá 1000, trong khi cả thế giới là hơn 116.000. Vợ chồng diễn viên Tom Hanks và Rita Wilson xác nhận nhiễm virus, và được điều trị tại Úc.
Thị trường chứng khoán sụp đổ nhanh chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Ý chứng kiến bước tăng 168 người chết trong ngày - cao nhất kể từ đầu dịch. Cả đất nước bước vào những "thời khắc đen tối' - theo lời thủ tướng Conte.
Tại Anh, mọi chuyện lại rất khác. Dù có 456 ca nhiễm nhưng Anh từ chối thi hành phong tỏa diện rộng giống như các nước khác. Dù người nhiễm được khuyên ở nhà, nhưng chính phủ lo ngại thiệt hại kinh tế sẽ vượt mức chịu đựng. Cộng thêm đó là quan điểm "miễn dịch cộng đồng" - để virus lan ra và ngày càng nhiều người được miễn dịch, tạo thành lá chắn cho người khác - cũng được củng cố.
17/3/2020
Nhiều chuyện đã xảy ra trong vòng chưa đầy 1 tuần. Ngày 12/3, huấn luyện viên trưởng của đội bóng Anh danh tiếng Arsenal - Mikel Arteta dương tính với virus. Các giải bóng đá hàng đầu tại Anh Quốc bị tạm hoãn. Toàn châu Âu ban hành lệnh cấm tụ tập đông người.
14/3, tổng thống Trump ban hành lệnh cấm nhập cảnh với người từ Anh và Ireland.
17/3, số người thiệt mạng tại Ý tăng 450 ca mỗi ngày, chuẩn bị vượt qua cả Trung Quốc. Số ca nhiễm tại Tây Ban Nha tăng gấp đôi sau vài ngày cuối tuần, lên 17.000 người. Tổng cộng, 3/4 số người thiệt mạng vì Covid-19 là công dân châu Âu.
Người Anh chen chúc trên tàu điện ngầm
Tình hình tệ hơn sau mỗi giờ: nhiều ca nhiễm hơn, nhiều người chết hơn, và các lệnh cấm được ban hành nhiều hơn. Pháp cấm cả người đi xe đạp, trong khi 40 triệu dân California được khuyên không nên rời nhà.
Ý tưởng "miễn dịch cộng đồng" bị bác bỏ, sau khi mô hình cho thấy nó có thể khiến nửa triệu người Anh thiệt mạng.
Tại Burkina Faso - quốc gia châu Phi, cựu phó tổng thống quốc gia này tử vong vì virus. Tổng số ca nhiễm tại lục địa này rơi vào khoảng 1000 trường hợp, trong khi cả thế giới là 160.000.
23/3/2020
Thủ tướng Boris Johnson yêu cầu đóng cửa trường học và viện dưỡng lão vào ngày 20/3. Sau đó là nhà hàng, quán bar cũng được lệnh đóng cửa.
23/3, tổng cộng thế giới có hơn 370.000 ca nhiễm, với 6.600 từ Anh Quốc. Thủ tướng Boris Johnson lần đầu tiên công bố trên sóng truyền hình: "Mọi người phải ở trong nhà."
Tây Ban Nha có thêm 400 người chết - kỷ lục của quốc gia ở thời điểm đó. New York (Mỹ) có thêm 5000 ca nhiễm mới, tổng cộng 20.000 người mắc bệnh. Cuối tuần đó, Mỹ trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới.
Câu chuyện ở Trung Quốc lại khác hẳn. Tuần đó, họ công bố những ngày đầu tiên không có bất kỳ ca nhiễm nào từ "nội địa" - bao gồm cả tỉnh Hồ Bắc.
Trong khi đó Ấn Độ, thủ tướng Narendra Modi chuẩn bị ban hành lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới, ảnh hưởng đến hơn 1,3 tỉ dân, và qua đó cũng kích hoạt cuộc di cư lớn nhất trên toàn lục địa khi công nhân tìm cách trở về nhà.
Đến ngày 25/3, hoàng tử xứ Wales dương tính với Covid-19.
30/3/2020
27/3, thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng y tế Matt Hancock xác nhận dương tính với virus corona chủng mới. Sau đó 1 ngày, số người chết tại Anh đã vượt 1000.
2/4/2020
ĐH Johns Hopkins (Mỹ) thông báo, số người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 1 triệu, với hơn 50.000 người tử vong.
Tại Ấn Độ, ca nhiễm thứ hai được tìm thấy tại khu ổ chuột khổng lồ của Mumbai - Dharavi, một trong những nơi có mật độ dân số đông nhất thế giới. Điều này làm dấy lên nỗi sợ, rằng con số thực tế sẽ kinh khủng hơn so với hơn 2000 ca được chính phủ Ấn Độ công bố.
Tây Ban Nha chứng kiến 950 người tử vong trong ngày - cao kỷ lục ở thời điểm đó. Hơn 250.000 người xác nhận nhiễm bệnh tại Mỹ, với 6000 trường hợp tử vong.
Các bệnh viện dã chiến được dựng lên ngay tại công viên New York. Số người chết nhiều đến mức các bệnh viện phải cần đến xe đông lạnh để chứa thi thể người chết. Tổng thống Trump cảnh báo "hai tuần đau đớn đang chờ đợi phía trước".
8/4/2020
Thủ tướng Boris Johnson nhập viện điều trị Covid-19 vào ngày 5/4, sau đó phải chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) sau khi các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
Tại châu Âu, những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất đang chứng kiến số ca nhiễm mới và tử vong giảm đi. Trung Quốc thì công bố ngày đầu tiên không có người tử vong, và bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa trên các thành phố.
Thủ tướng Anh Boris Johnson
Ngày 4/4 được xem là ngày chết chóc nhất, khi thế giới chứng kiến thêm 6.500 ca tử vong. Tuy nhiên, với việc còn những nước nghèo với mật độ dân số đông đúc chưa chính thức công bố dịch bệnh, "kỷ lục" kia chưa chắc đã tồn tại lâu.
Singapore từng được đánh giá cao về khả năng phản ứng nhanh đã phải tiếp tục ban hành lệnh cách ly siết chặt, sau khi có dấu hiệu bùng dịch lần 2. Công tác điều chế vaccine đang được đẩy nhanh với tốc độ đáng kinh ngạc, nhưng nhiều khả năng sẽ chỉ được phân phối rộng rãi sau 18 tháng.
Thời điểm hiện tại, cả thế giới có 1,44 triệu người nhiễm bệnh với hơn 83.000 ca tử vong, và 270.000 người khỏi bệnh.
Tham khảo: The Guardian, Metro