Tính đến thời điểm hiện tại, khi mà dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, học sinh và sinh viên ở nhiều tỉnh thành tiếp tục nghỉ học và chưa xác định được thời gian quay trở lại trường. Việc đóng cửa tạm thời là cần thiết nhưng đã gây ra rất nhiều khó khăn cho việc học tập của các thầy cô giáo và học sinh, đặc biệt là các trường tư.
Với các trường tư thì nguồn thu chính đến từ học phí. Nhưng học sinh nghỉ học kéo theo các nguồn thu không còn khiến không ít trường đành phải cắt giảm ngân sách và giảm bớt tiền lương khiến cuộc sống của giáo viên trở nên vô cùng khó khăn.
Tuy vậy, cũng có một vài trường tư thục ở Hà Nội vẫn chọn cách trả nguyên lương cho giáo viên trong giai đoạn học sinh nghỉ học tránh dịch như Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường Phổ thông liên cấp Marie Curie, trường Quốc tế Nhật Bản...
Dòng tin nhắn Hiệu trưởng trường Marie Curie nhắn gửi đội ngũ giáo viên trong trường.
Theo thầy giáo Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường Marie Curie), trường sẽ trả đủ lương cho toàn bộ giáo viên và cán bộ nhân viên trong 2 tháng nghỉ dịch. Hiệu trưởng cũng nhắn nhủ mọi người nên tiêu xài hạn chế để cầm cự trong giai đoạn khó khăn này; đồng thời mong các thầy cô giáo tiếp tục giảng dạy và động viên học trò học tập từ xa theo các hình thức trực tuyến.
Tại trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều bậc phụ huynh đã chủ động đóng học phí tháng 2 và tháng 3, thậm chí nhiều nguời đã đóng hết cả học kì 2 để thể hiện sự cảm thông, chia sẻ khó khăn với nhà trường. Vì vậy, trường đã cam kết sẽ chi trả đầy đủ tiền lương cho các thầy cô giáo và cán bộ nhân viên nhà trường như những tháng tương ứng năm trước.
Hiện nay, trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kêu gọi vay tiền của các thầy cô giáo, vay tiền ngân hàng để có đủ tiền phát lương kịp thời cho đội ngũ cán bộ nhân viên trong trường. Đồng thời, trong thời gian nghỉ dịch, trường cũng cam kết sẽ không thu tiền học phí của học sinh cũng như thu tiền phí dạy online. Trường coi đây là hình thức dạy bổ trợ, không thể thay thế cho việc học chính khóa.
Liên hệ với trường Quốc tế Nhật Bản, đại diện trường cho biết dù thời gian qua bị ảnh hưởng rất nhiều từ dịch bệnh nhưng nhà trường vẫn cố gắng trả lương bình thường cho đội ngũ cán bộ và giáo viên trong trường. Xác định đây là khó khăn chung, nhà trường đã tiến hành cho giáo viên tiếp tục dạy học trực tuyến và theo sát việc học tập của học sinh. Tuy vậy tình hình dịch bệnh kéo dài đang khiến trường gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.
Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cam kết trả lương đầy đủ cho giáo viên như những tháng tương ứng với năm trước.
Thực tế, tình hình dịch bệnh kéo dài đã khiến nguồn thu tài chính của nhiều trường tư bị cạn kiệt. Nhiều trường không thể trả được lương hay buộc phải chấm dứt hợp đồng với nhiều nhân sự. Việc các trường tư kể trên vẫn trả đủ tiền học phí không chỉ giúp giáo viên vững tâm hơn mà khiến việc dạy học trực tuyến có thể diễn ra như bình thường, đảm bảo tiến độ học tập. Tuy vậy, nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài sẽ khiến trường tư phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa.
Trước đó, vào ngày 3/3, lãnh đạo 150 trường tư thục các cấp từ mầm non đến THPT đã ký vào thư kiến nghị Thủ tướng cho phép hoạt động trở lại. Theo nội dung thư kiến nghị, 150 lãnh đạo các trường ngoài công lập này "đã kiệt sức về tài chính, năng lượng và cả ý chí". Có người phải "đem tiền tiết kiệm của gia đình để trả tiền thuê địa điểm, lương giáo viên, điện nước, thuế, phí, tiền vay ngân hàng...". Trong bản kiến nghị có đoạn: "Chúng tôi đang đứng trước tương lai bất định, khó khăn chưa từng có".
Hiện trên toàn quốc có gần 2 triệu học sinh theo học tại trường tư thục ở các cấp. Theo nhóm các trường gửi kiến nghị đến Thủ tướng, việc đóng cửa hàng loạt cơ sở giáo dục sẽ "gây hệ lụy nghiêm trọng" đối với nền giáo dục Việt Nam; hàng trăm cơ sở mầm non sẽ phá sản dẫn đến trẻ không có người trông nom, cha mẹ bị ảnh hưởng công việc làm.