Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ tính riêng trong 6 ngày từ 30/5/2023– 4/6/2023, tại khoa Điều trị tích cực Nội khoa đã tiếp nhận 7 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch do đuối nước tại bể bơi và ao hồ. Trong số này, có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch.
Trong số 7 trẻ đuối nước chỉ có duy nhất 1 trẻ được hồi sức ban đầu đúng cách, các trường hợp còn lại đều được cấp cứu sai cách.
Đang điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương vì đuối nước nhưng bé B.M (20 tháng tuổi, Ninh Binh) vẫn đang trong tình trạng hôn mê, tiên lượng xấu.
Được biết khi xảy ra đuối nước, bé M không được cấp cứu ban đầu mà bị vác ngược chạy vòng quanh. Sau đó, trẻ được đưa đi cấp cứu nhưng thời gian di chuyển đến bệnh viện tỉnh quá dài, trên 30 phút. Vì vậy, dù trẻ có nhịp tim trở lại sau 15 phút cấp cứu ở tuyến dưới song khi áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, tiên lượng di chứng thần kinh nặng nề.
May mắn thoát khỏi án tử thần đó là trường hợp C.T (6 tuổi, ở Hà Nội) đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cứu sống, thoát khỏi tình trạng rất nguy kịch do đuối nước.
Gia đình bé C.T cho biết, chiều ngày 31/5, trẻ được đưa xuống bể bơi gần nhà họ hàng. Chỉ vài phút sơ xuất, trẻ được mọi người xung quanh phát hiện bị đuối nước và đưa lên bờ trong tình trạng không tỉnh, tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Sau khi được dốc ngược chạy quanh bể nhưng tình trạng không cải thiện, trẻ mới được đưa đến một bệnh viện cách đó khoảng 5 phút di chuyển.
Tại đây, trẻ được các bác sĩ nhanh chóng hồi sức tim phổi. Sau 15 phút, tim trẻ mới đập trở lại. Trẻ được đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.
Khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tiên lượng rất nặng nề. Tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, trẻ đã được các bác sĩ áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, phối hợp với liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ não. Sau 4 ngày hôn mê, trẻ dần tỉnh lại. Tới thời điểm hiện tại, trẻ đã tỉnh, tự thở, tuy nhiên trẻ vẫn phải tiếp tục theo dõi lâu dài vì các di chứng thần kinh vẫn có thể xảy ra.
Bố bé T tâm sự: "Tôi tưởng đã mất con vì đuối nước rồi! Giờ được nhìn thấy con có thể ngồi chơi, nói chuyện thế này… đúng là 1 kỳ tích không thể ngờ".
Báo động tình trạng đuối nước
TS.BS Phan Hữu Phúc - Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khoẻ Trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), Tổng thư ký Hội Nhi Khoa Việt Nam, cho hay sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy.
Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút. Nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh.
"Khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ", bác sĩ Phúc nói.
Với trường hợp của bé C.T, thời gian trẻ bị ngừng tim kéo dài, không được hồi sức tim phổi ngay do sơ cứu sai cách bằng cách dốc ngược chạy. Song, may mắn là nơi trẻ gặp nạn gần kề cơ sở y tế. Bên cạnh đó, một phần rất lớn quyết định thành công của việc hồi sức tích cực cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương đó chính là trẻ đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn hiệu quả ở tuyến trước.
TS.BS Phan Hữu Phúc cho biết, để hồi sức thành công được các trường hợp ngừng tim do đuối nước cần áp dụng phối hợp rất nhiều các biện pháp hồi sức tích cực. Bên cạnh các biện pháp hồi sức thường quy, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động theo đích, nghĩa là dùng các thiết bị đưa thân nhiệt cơ thể trẻ giảm xuống 33-34 độ C trong một vài ngày để bảo vệ não, tránh não tổn thương nặng hơn, giúp hồi phục trở lại.
Dưới đây là video hướng dẫn cách sơ cứu đúng khi bị đuổi nước:
Sơ cứu khi xảy ra đuối nước (Nguồn video: BVCC)