Nhiều nước than trời vì vũ khí Trung Quốc: Cờ đã đến tay Ấn Độ, Bắc Kinh sẽ nếm trái đắng?

QS | 10-11-2020 - 07:17 AM

(Tổ Quốc) - Thế giới từ lâu đã nhận ra những hạn chế của hàng hóa và máy móc Trung Quốc. Nhiều dấu hỏi được đặt ra liên quan đến chất lượng, độ bền và hiệu suất sản xuất tại quốc gia này.

Theo EurAsian Times, Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới, chủ yếu nhờ vào nguồn lao động giá rẻ hơn là lợi thế về chất lượng hoặc công nghệ. Tuy nhiên, tiết lộ mới liên quan tới những vấn đề mà các quốc gia nhập khẩu thiết bị quân sự của Trung Quốc đang phải đối mặt thật khiến người ta "mở mang tầm mắt".

Các báo cáo gần đây cho thấy nhiều nước không hài lòng với các thiết bị quân sự của Trung Quốc. Cụ thể, xe bọc thép chở quân VN-4 mà Kenya mua từ Trung Quốc được cho là đã phát sinh một số lỗi cơ học khi bắn thử nghiệm, dẫn đến cái chết đáng tiếc của một số binh sĩ Kenya.

Algeria cũng đã chứng kiến một số vụ tai nạn liên quan đến máy bay không người lái CH-4 của Trung Quốc trong 6 năm qua. Jordan thậm chí đã có trải nghiệm cay đắng hơn khi phải bán tháo những chiếc CH-4 do chúng không thể đạt được tất cả các thông số yêu cầu của quân đội nước này.

Nhiều nước than trời vì vũ khí Trung Quốc: Cờ đã đến tay Ấn Độ, Bắc Kinh sẽ nếm trái đắng? - Ảnh 1.

UAV CH-4B được Trung Quốc thử nghiệm năm 2013. Ảnh: Sina.

Tại châu Á, Nepal đã mua 6 máy bay Y-12 và MA60 do Trung Quốc sản xuất cho lĩnh vực hàng không dân dụng. Điều đáng nói là tất cả số máy bay này đều có vấn đề về cơ học và vận hành, buộc chúng phải nằm "đắp chiếu" trong nhà chứa nhiều tháng qua.

Bangladesh, quốc gia hiện được ông Tập chú ý nhiều hơn sau căng thẳng với Ấn Độ, đã mua từ Trung Quốc 2 tàu ngầm Type 035G lớp Ming (có từ những năm 1970) với chi phí 100 triệu USD/chiếc vào năm 2017.

Thế nhưng, hai con tàu này đều phát sinh vấn đề và không được sử dụng. Tới năm 2020, Bangladesh mua 2 khinh hạm 053H3 của Trung Quốc, đặt tên là BNS Umar Farooq và BNS Abu Ubaidah. Song, không bao lâu sau, chúng đã gặp trục trặc với radar dẫn đường và hệ thống pháo hạm.

Mặc dù có mối quan hệ chính trị-quân sự chặt chẽ với Bắc Kinh nhưng Myanmar cũng đã bày tỏ sự không hài lòng về những khí tài quân sự Trung Quốc mà họ nhận được. Việc Myanmar chấp nhận tàu ngầm Sindhuvir của Ấn Độ, đi ngược lại mong muốn của Trung Quốc, nên được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn hơn như thế này.

Người anh em chí cốt của Trung Quốc – Pakistan đã tân trang lại các khinh hạm F22P của Trung Quốc nhưng theo báo cáo thì chúng vẫn gặp khó khăn về kỹ thuật.

Nhiều nước than trời vì vũ khí Trung Quốc: Cờ đã đến tay Ấn Độ, Bắc Kinh sẽ nếm trái đắng? - Ảnh 2.

Khinh hạm F22P của Hải quân Pakistan. Ảnh: Wiki

Lục quân Pakistan đã mua các hệ thống tên lửa di động LY-80 LOMADS từ Trung Quốc nhưng một số tổ hợp không thể hoạt động do các vấn đề kỹ thuật.

Việc khí tài Trung Quốc "mất điểm" trong mắt các đối tác quốc tế được xem như một bài học, cũng như cơ hội cho Ấn Độ. New Delhi hiện đang cạnh tranh để trở thành một quốc gia tự chủ với tối đa lượng hàng hóa, và công tác sản xuất được thực hiện trong nước.

Gần đây, chính phủ Ấn Độ đã mở cửa thị trường quốc phòng cho các doanh nghiệp tư nhân để chế tạo nhiều máy móc, thiết bị quân sự đa dạng. Một số tập đoàn rất có uy tín của Ấn Độ đang đóng góp vào ngành sản xuất quốc phòng sinh lợi khổng lồ trị giá 60 tỷ USD.

Hiện tại, các khách hàng lớn của vũ khí Ấn Độ là Myanmar, Sri Lanka, Mauritius nhưng theo EurAsian Times, sự khéo léo trong ngoại giao và tiếp thị có thể cho phép New Delhi đảm bảo được các hợp đồng quân sự quan trọng với những quốc gia như Việt Nam, Mông Cổ, Philippines, Brazil, các nước ở Trung Á và tất nhiên, nhiều quốc gia ở châu Phi cũng vậy.

Cách tiếp cận tập trung, với sự hỗ trợ đầy đủ từ chính phủ, cùng các phương thức tiếp thị và thúc đẩy ngoại giao có thể cho phép ngành sản xuất quốc phòng Ấn Độ đạt được bước tiến lớn trên thị trường an ninh toàn cầu và thu được các hợp đồng béo bở.

Điều đó cũng có thể mang tới đòn bẩy chính trị và ngoại giao lớn hơn cho Ấn Độ, giúp nước này đảm bảo vị trí xứng đáng của mình trên trường quốc tế.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM