Đại dịch Covid-19 đang khiến nhiều ngân hàng yếu kém ở châu Âu rơi vào tình thế buộc phải sáp nhập để mở rộng quy mô hoặc "khai tử".
Nhiều nhà băng đang tìm cách sáp nhập vào một ngân hàng khác sau một thập kỷ ghi nhận thu nhập sa sút. Họ đang vạch ra các kế hoạch để có thể đối mặt với thời kỳ lãi suất thấp kéo dài, triển vọng kinh tế ảm đạm và các khoản nợ xấu dự kiến tăng vọt khi khách hàng phải vật lộn để giữ việc làm và duy trì hoạt động kinh doanh.
Sáp nhập là một cách giúp các nhà băng loại bỏ một lượng lớn chi phí, nhờ đóng cửa các chi nhánh trùng lặp và sa thải nhân viên.
Tại Thụy Sỹ, UBS Group đang nghiên cứu về việc sáp nhập Credit Suisse Group. Còn tại Tây Ban Nha, nơi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, CaixaBank đang tiến hành mua Bankia để hình thành ngân hàng nội địa lớn nhất của nước này.
Một ngân hàng khác – Banco De Sabadell cũng đang tính toán các kế hoạch, bao gồm cả phương án sáp nhập trong nước. Đại diện Sabadell cho biết, ngân hàng vẫn muốn độc lập, nhưng cũng sẽ nghiên cứu các phương án để tăng vốn.
Christian Sewing, Giám đốc điều hành của Deutsche Bank cho biết ngân hàng muốn tham gia hợp nhất nếu lợi nhuận được cải thiện. Năm ngoái, Deutsche Bank đã có các cuộc đàm phán sáp nhập với Commerzbank nhưng không thành công. Bản thân ngân hàng Commerzbank cũng đang gặp khó khăn và có thể vẫn cần tìm một đối tác thích hợp để "kết hôn".
Hầu hết các kế hoạch sáp nhập đang được bàn bạc nội bộ và vẫn chưa chuyển thành các cuộc đàm phán thỏa thuận chính thức. Các cuộc thảo luận giai đoạn này cũng đều xoay quanh trong nước thay vì tiến đến thương vụ xuyên biên giới, vì sẽ đòi hỏi sự tham gia sâu hơn của chính phủ.
Các câu chuyện sáp nhập ngân hàng ở châu Âu cũng đã diễn ra trong thập kỷ qua vì nhiều nước có hệ thống ngân hàng phân tán, trong đó có có những nhà băng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu quá thấp. Tuy nhiên, theo giám đốc điều hành của nhiều nhà băng và chuyên gia, giờ đây, việc sáp nhập trở nên cấp thiết hơn hết.
Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu - chỉ số chính về khả năng sinh lời của các ngân hàng châu Âu đã giảm từ mức 5,7% cuối năm 2019 xuống còn 1,3% vào cuối quý 1/2020.
Bankia và CaixaBank cho biết đang tiến hành sáp nhập do bị thúc đẩy bởi đại dịch và lợi nhuận sụt giảm vì lãi suất thấp kéo dài. Trước đó, năm 2012, Bankia gần như sụp đổ và được chính phủ Tây Ban Nha giải cứu. Chủ tịch Bankia cho biết, ngân hàng hợp nhất sẽ chiếm khoảng 25% dư nợ cho vay và tiền gửi tại Tây Ban Nha. Theo dữ liệu của World Bank, Tây Ban Nha có nhiều chi nhánh ngân hàng trên đầu người hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào, với khoảng 55 chi nhánh ngân hàng trên 100.000 dân, gần gấp đôi con số ở Mỹ.
Các ngân hàng khác cũng đang tăng cường các cuộc họp nội bộ, xem xét đến việc có nên tìm đến sáp nhập hay không. Ngay cả những ngân hàng mạnh hơn, vốn không mặn mà với việc sáp nhập cũng đang dự kiến gia nhập vào làn sóng thâu tóm khi chính phủ các nước châu Âu sốt ruột, muốn tìm ra cứu tinh cho những ngân hàng yếu kém.
Đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng châu Âu đã công bố kết quả kinh doanh tương đối ổn định, tạo cảm giác rằng họ đang chống chịu tốt trước sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Nhưng điều này chủ yếu do chính phủ đã tiến hành nhiều biện pháp duy trì nền kinh tế như bơm tiền cho các doanh nghiệp để giữ việc làm cho người dân và yêu cầu các ngân hàng tạm dừng thu nợ. Khi những chính sách này được dỡ bỏ, một làn sóng vỡ nợ có thể xảy ra, đẩy các ngân hàng yếu kém đến bờ vực sụp đổ. Điều này đặc biệt đúng với các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như Tây Ban Nha, Ý hay quốc gia không đủ tiềm lực để kích thích kinh tế như Hy Lạp.
Giá cổ phiếu quy giảm cũng khiến ngân hàng khó huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư. Chỉ số Stoxx Europe 600 Banks đã giảm gần 40% từ đầu năm đến nay.
João Soares, chuyên gia tư vấn của Công ty tư vấn quản lý Bain & Company (Mỹ) cho biết: "Chúng tôi dự đoán, cơn đau thật sự với các ngân hàng châu Âu sẽ bắt đầu vào năm tới và từ giờ cho đến lúc đó, họ phải chuẩn bị sẵn sàng đón "cơn bão" này"
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) gần đây đã ban hành dự thảo hướng dẫn về cách thức xử lý một số vấn đề phổ biến trong việc sáp nhập, nhằm thúc đẩy hoạt động M&A giữa các ngân hàng. ‘Trước khi cuộc khủng hoảng Covid ập đến, nhu cầu điều chỉnh lại chi phí hoạt động, cơ cấu lại ngành ngân hàng cũng đã rất quan trọng", Luis de Guindos – Phó Chủ tịch ECB nói với báo chí gần đây. Ông cho rằng đại dịch đã thúc đẩy yêu cầu này mạnh hơn và kêu gọi các ngân hàng hợp nhất "nhanh chóng và khẩn trương".
Tham khảo: The Wall Street Journal