Tết Nguyên đán là dịp các gia đình cùng nhau quây quần sau 1 năm làm việc vất vả. Tuy nhiên, đối với nhiều người, đây là khoảng thời gian khá đau đầu và áp lực đi tìm đáp án cho bài toán ngân sách chi tiêu Tết sao cho hợp lý mà vẫn đủ đầy.
Bảng chi tiêu sắm Tết 25-40 triệu đồng
Theo ước tính hiện tại, gia đình Huệ Nguyễn (27 tuổi), sinh sống tại Hà Nội, sẽ chi khoảng 40 triệu đồng trong Tết năm nay, tăng gần gấp đôi so với mức phí sinh hoạt hàng tháng.
"Trong ngày Tết, gia đình mình thường biếu ông bà nội và ngoại, mỗi bên 5 triệu. Bên cạnh đó, do năm nay ăn Tết Nguyên đán ở quê ngoại nên mình sẽ đưa thêm ông bà 2 triệu tiền sắm sửa mua đồ ăn. Tết Dương lịch, nhà mình sẽ về quê nội ăn Tết".
Bên cạnh đó, gia đình Thanh Bình (26 tuổi, Hà Nội) dự tính sẽ chi khoảng 25 triệu đồng cho Tết năm nay. Cô chia sẻ rằng khoản chi tiêu trong Tết tăng 50% so với các tháng thông thường. So với những năm trước, gia đình cô đã chi tiêu nhiều hơn trong dịp này. Song chỉ có khoản mục tiền biếu bố mẹ là tăng, Thanh Bình quyết định giảm bớt mua quần áo mới, và bánh kẹo.
"Nếu trừ khoản tiền biếu bố mẹ, chi phí năm nay tương tự so với năm ngoái. Bởi vì gia đình mình năm nào cũng sắm giống nhau. Mình luôn lên kế hoạch trước, ít khi mua vượt ngân sách hay dự tính đưa ra trước, do vậy qua từng năm, khoản chi không mấy thay đổi".
Mặt khác, gia đình Minh Thủy hiện đang sống tại Hà Nội gồm hai vợ chồng, năm nay mới có thêm em bé nên cái Tết này cũng có nhiều thay đổi. Minh Thủy coi Tết là dịp nghỉ ngơi dài ngày, sum vầy bên gia đình và cũng là dịp tri ân, cảm ơn bố mẹ, gia đình hai bên nên Thủy thường đặt kế hoạch chi tiêu cho dịp này khá xông xênh và thoải mái.
Trong đó, khoản chi lớn nhất là biếu ông bà nội ngoại tiền sắm Tết khoảng 5 triệu/nhà. "Khoản này thì tùy điều kiện kinh tế mỗi năm mà vợ chồng mình sẽ căn chỉnh cho hợp lý. Như năm ngoái dịch bệnh, làm ăn kém hơn thì vợ chồng mình biếu ông bà được ít hơn. Năm nay có làm được hơn nên cũng biếu ông bà thêm chút", Thủy chia sẻ.
Các gia đình nỗ lực sắm Tết tiết kiệm hơn
Tiêu chí khi mua sắm Tết của Thanh Bình sẽ thay đổi theo từng hạng mục. Đối với quần áo mới mặc Tết, cô ưu tiên mua đồ cho các con trước mới đến vợ chồng. Nếu quần áo mặc thường ngày vẫn còn mới, màu sắc tươi tắn đủ để chơi Tết, có thể Thanh Bình sẽ không mua trang phục mới nữa. "Vợ chồng mình thường không mua quần mới cho Tết vì trang phục năm ngoái vẫn còn khá mới. Có những bộ quần áo mua mỗi năm chỉ mặc 1 lần. Mình chỉ sắm cho các con vì năm nay lớn hơn quần áo năm ngoái không mặc vừa nữa".
Năm nay, Thanh Bình cảm thấy khá tiếc nuối vì mua quần áo và giày Tết cho con sớm quá. "Mình vừa đặt áo dài và giày cho bé lớn, mấy hôm sau đã được tặng cho 1 bộ và đôi giày mới tinh. Còn năm ngoái, mình đặt mua đồ ăn ngày Tết như giò hay bánh kẹo sớm. Đến gần Tết được cho lại thừa nhiều đồ ăn, vì vậy năm nay mình không những thực phẩm này sớm nữa".
Gần Tết chi phí và giá cả các mặt hàng đều tăng lên. Chưa kể năm nay bão giá nên vợ chồng Thủy tính toán sẽ tranh thủ săn sale, được đồ gì sắm cho Tết thì càng tốt. "Bỉm sữa cho con vào tháng Tết mình cũng phải mua ngay từ cuối tháng 11. Bỉm sữa dùng lâu dài nên mình luôn mua dư từ 3-4 hộp sữa, bịch thì 6-8 bịch mỗi lần", Thủy chia sẻ.
Tận dụng những chương trình giảm giá, khuyến mại dịp cuối năm thì vợ chồng Thủy cũng mua quần áo từ sớm. Thời gian mua sớm thì quần áo cũng đẹp và nhiều mẫu mã hơn. Thủy sẽ mua sắm đủ dùng cho nhu cầu của gia đình, món nào săn giảm giá được thì tốt hoặc đôi khi các shop có chương trình mua theo set cũng tiết kiệm thêm được một khoản nhỏ.
Qua 2 cái Tết chi tiêu quá tay, năm nay Huệ Nguyễn đã "bỏ túi" một số kinh nghiệm vàng trong sắm Tết. Đầu tiên, chỉ mua đúng thứ bản thân thật sự cần, tuyệt đối không mua thừa. Lên danh sách sản phẩm chi tiết và cụ thể trước khi đi sắm Tết, ưu tiên sắp xếp đồ quan trọng lên trước. Hơn thế nữa, dự trù số tiền, giá cả để không bị vượt quá ngân sách.
Huệ Nguyễn cũng áp dụng phương án "tăng xin, giảm mua, tận dụng đồ có sẵn" triệt để. Quà Tết được biếu hay cho như quần áo mới, đồ ăn, hoa quả, bánh kẹo, bia rượu,... cũng đỡ đi một phần chi phí phát sinh. Hạn chế ăn hàng quán, tiệc tùng, thay vào đó cô rủ mọi người về nhà tự nấu nướng, ăn uống. Như vậy vừa vui vẻ thân mật lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp cuối năm, tiết kiệm chi phí.
Mặt khác, quan điểm của Thanh Bình trong câu chuyện sắm sửa năm mới đó là Tết có thể chi tiêu thoải mái chút. Bởi vì cả năm mới có 1 lần Tết. Hơn thế nữa, cô cũng có thêm thưởng Tết, do vậy thoải mái hơn trong câu chuyện tài chính. Tuy nhiên, hãy thoải mái trong "khuôn khổ" vì giờ mọi sản phẩm hay dịch vụ đều tăng giá. Cô vẫn muốn tiết kiệm một khoản tiền để ra Tết gửi tiết kiệm, dùng tiền đó vào nhiều dự định khác trong năm mới sẽ tốt hơn.
"Mình nghĩ các gia đình hãy lên kế hoạch cụ thể từng khoản dự định chi cho Tết 1 cách chi tiết nhất, ưu tiên các khoản cần thiết như tiền để lì xì, biếu bố mẹ. Tết không phải dịp duy nhất để 'sắm sửa'. Do vậy, nếu Tết chưa kịp sắm, sau đó mình cũng có thể mua dần", lời khuyên của Thanh Bình trong câu chuyện chi tiêu ngày Tết.
Ảnh: NVCC