* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc còn có bút danh quen thuộc là Penci Black được độc giả biết tới với những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống đời thường như: "Miếu thành hoàng" (năm 2003), "Những hẻm phố Sài Gòn" (năm 2015), "Hồn quê trong phố" (năm 2019),...
Ngoài mảng truyện ngắn, anh Bùi Ngọc Phúc còn là tác giả của nhiều bài viết rất hay và tâm huyết về lĩnh vực giáo dục. Cuốn sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" (xuất bản năm 2019) của anh và đồng tác giả Nguyễn Thị Thanh Hải từng được phụ huynh đón nhận nồng nhiệt.
Ngoài xuất bản sách, anh Bùi Ngọc Phúc cũng thường xuyên chia sẻ những quan điểm giáo dục thiết thực, đa chiều trên trang Facebook cá nhân. Mới đây, anh đã có đôi dòng gửi đến các bậc phụ huynh và các em học sinh về chuyện đi du học: Một số sai lầm nhiều người mắc phải khi chưa chuẩn bị thật tốt đã "cất cánh".
Chúng tôi xin phép chia sẻ lại bài viết của anh như sau:
Nhiều nước coi giáo dục là một dịch vụ mang tính cạnh tranh cao. Họ luôn rộng cửa chào đón các du học sinh đến từ khắp nơi trên thế giới đến học tập và tìm kiếm cơ hội cho tương lai.
Tất nhiên là người học phải thanh toán mọi chi phí cần có để nhập học. Trừ những trường đại học thuộc hàng TOP với những tiêu chuẩn tuyển sinh nghiêm ngặt, còn một số trường để tồn tại và thu hút du học sinh. Họ đã hạ bớt tiêu chuẩn và như vậy vô hình chung lại khuyến khích nhiều em với học lực khiêm tốn và kinh tế gia đình không mấy dư giả chấp nhận mạo hiểm đi du học với hy vọng đổi đời.
Một trong những lý do dẫn đến quyết định trên, đơn giản là vì ai cũng nghĩ sang đó chậm nhất là 6 tháng đến 1 năm sẽ xin được việc làm thêm và dùng số tiền đó trang trải được học phí, tiền sinh hoạt và các nhu cầu khác... Tôi nhớ có câu danh ngôn “Lối đi mãi thành đường, gạch xây mãi thì thành nhà”. Nhưng nếu sự tính toán sai lầm thì đường đi sẽ mịt mù và dẫn đến nhiều hệ lụy sau này.
Thực tế không bao giờ như ý muốn chủ quan của mình. Như tôi đã nói ở trên, các trường có thể bỏ qua điểm GPA của con bạn không cao, điểm Ielts thậm chí cũng chưa cần và quan trọng nhất là việc chứng minh tài chính cũng gạt sang một bên. Tất cả chỉ nhằm thúc đẩy việc ra nhà ga T2 được nhanh chóng và thuận tiện.
Dù bỏ qua nhiều thủ tục quan trọng như vậy, con bạn và gia đình vẫn phải thanh toán đầy đủ các khoản phí và học phí nếu muốn nhập học. Bi kịch có lẽ bắt đầu từ đó. Sự trợ giúp của gia đình quá ít để tồn tại được ở đất nước có nền kinh tế phát triển thuộc nhóm G7 với chi phí đương nhiên cũng rất đắt đỏ.
Để duy trì cuộc sống, các bạn phải chấp nhận làm thuê cho các gia đình gốc Việt vì vốn tiếng Anh chưa đủ. Làm thêm nhiều giờ sẽ không thể đảm bảo việc học trên lớp, việc nợ môn hay thiếu tín chỉ là việc sẽ đến. Không chỉ du học sinh tại Canada mà nhiều du học sinh của Việt Nam đi du học các nước cũng gặp phải trường hợp này. Nhiều bạn đã bỏ học để kiếm tiền dẫn đến việc bị từ chối gia hạn Visa, lao động và sống chui lủi nơi xứ người đến khi bị bắt và làm thủ tục trục xuất.
GIẢI PHÁP CHO VẤN ĐỀ: Ước muốn được du học để tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của thế giới là ước mơ chính đáng và nên khích lệ. Nhưng dân gian ta có câu “Liệu cơm gắp mắm”: Nếu xét thấy lực học của con chưa ổn, tình hình tài chính gia đình không thể chu cấp thường xuyên được thì hãy để con học trong nước cũng là phương án khả thi nhất.
Sau này, nếu con bạn có ý chí và nghị lực thì việc tìm kiếm học bổng để du học bậc thạc sĩ cũng đâu có muộn. Chỉ sợ không có ý chí, còn không thì sao phải vội. Đi du học là một bài toán kinh tế không thể đơn giản hóa được.
Du học không thể dựa vào niềm tin. Cho dù con bạn có giành được 80 hay 100% học bổng thì số tiền mà gia đình bỏ ra để hỗ trợ cho sinh hoạt phí cũng là một khoản tương đối. Chỉ khi nào tìm được lời giải cho chi phí trong 4 năm học của con mình nơi xứ người, phụ huynh hãy quyết định việc ra nhà ga T2 của con.
Nếu không, việc du học sẽ thành cơn ác mộng với nhiều bạn. Đường đi thì ngay dưới chân còn đích đến vẫn xa mãi ngoài đường chân trời là vậy.
Du học không thể dựa vào niềm tin. Cho dù con bạn có giành được 80 hay 100% học bổng thì số tiền mà gia đình bỏ ra để hỗ trợ cho sinh hoạt phí cũng là một khoản tương đối.
Chọn du học là quyết định có thể thay đổi số phận của nhiều bạn, còn thay đổi theo hướng tốt hơn hay theo chiều ngược lại phần lớn là do sự chuẩn bị, thậm chí là từ rất sớm.
Các phụ huynh cần tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Trong một thế giới phẳng, việc tìm hiểu không hề khó khăn. Đôi khi lùi một bước có khi lại bước được những bước dài hơn là bước sớm mà không có sự chuẩn bị.
Khi đã quyết định cho con du học và chuẩn bị đủ mọi tiềm lực tài chính, phụ huynh cũng không vì một vài thông tin bất lợi mà lưỡng lự. Cá nhân tôi vẫn đánh giá quyết định đi du học là ước mong chính đáng. Giống như khi yêu đừng quay đầu lại. ️
Để kết thúc bài viết trao đổi này, xin được mượn lời của nữ nhà văn Mỹ là Helen Keller “Life is a succession of lessons which must be lived to be understood" - "Cuộc sống là một chuỗi bài học mà bạn cần phải sống mới hiểu được"...