Nhặt được 2 tảng đá, người thợ điêu khắc đem về kết quả cuối cùng là bài học đáng suy ngẫm

Thanh Hương | 10-03-2022 - 19:14 PM

(Tổ Quốc) - Vì sao cùng là 2 tảng đá tốt như nhau mà cuối cùng "số phận" của chúng lại khác nhau 1 trời 1 vực như vậy? Có lẽ đáp án sẽ là bài học đáng suy ngẫm cho tất cả chúng ta.

Câu chuyện thứ nhất: Phanh xe để làm gì?

Trong 1 giờ học vật lý, thầy giáo bỗng hỏi cả lớp: "Tại sao trong ô tô của chúng ta lại cần có phanh?".

Câu hỏi dường như quá đơn giản nên 1 học sinh đã xung phong trả lời đầu tiên: "Thưa thầy, em nghĩ là để dừng xe".

"Theo em là để giảm và kiểm soát tốc độ của xe", 1 học sinh khác có ý kiến.

"Để tránh va chạm ạ", 1 học sinh nữa đứng lên trả lời.

Nhặt được 2 tảng đá, người thợ điêu khắc đem về kết quả cuối cùng là bài học đáng suy ngẫm - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Internet)

Sau đó, đa số các học sinh cũng đều có những câu trả lời tương tự. Thấy vậy, thầy giáo mỉm cười và nói ra đáp án của mình: "Tôi đánh giá cao tất cả các câu trả lời của các em, tuy nhiên, tôi lại có góc nhìn của riêng mình. Theo tôi, phanh xe trong ô tô là để giúp nó chạy nhanh hơn".

Nghe thấy vậy, các học sinh đều ngơ ngác nhìn nhau không hiểu thầy giáo đang nói gì.

Lúc này, thầy giáo mới từ tốn giải thích:

"Thế này nhé, vậy giả sử chiếc ô tô chúng ta đang đi không có phanh, thì các em sẽ dám lái nó với tốc độ tối đa là bao nhiêu? Chắc chắn là vì không có phanh nên các em sẽ không dám đi nhanh đúng không? Chính vì thế, chiếc phanh đã cho chúng ta dũng khí để lái nhanh hơn và đến được cái đích của mình".

Tất cả các học sinh đều im lặng. Đây là điều các em chưa từng nghĩ tới.

Thầy giáo tiếp tục: "Tương tự như vậy, trong cuộc sống này cũng có rất nhiều chiếc phanh cho chúng ta. Chúng chính là những khó khăn, thử thách kìm hãm chúng ta vào 1 lúc nào đó.

Thế nhưng, sao ta không nhìn khác đi? Sao không cho rằng chúng cũng chính là động lực để ta tiến về phía trước? Để giúp chúng ta an toàn và tránh được những nguy hiểm, rủi ro? Giống như chiếc phanh vậy. Đôi khi, để đi được nhanh hơn, chúng ta cần phải dừng lại hoặc lùi về phía sau. Chúng ta nên biết ơn những chiếc phanh như vậy".

Câu chuyện thứ 2: Số phận khác nhau của 2 tảng đá

Ngày xưa có 1 người nghệ nhân tạc tượng muốn đi tìm 1 tảng đá hoàn mỹ để tạc tượng Phật cho người dân của 1 ngôi làng nọ. Ông ta đi vào rừng và may mắn nhìn thấy 1 tảng đá sáng bóng, trông rất đẹp. Chính vì thế, người nghệ nhân đã rất hài lòng và mang tảng đá này về.

Thế nhưng, đang đi trên đường, người nghệ nhân lại nhìn thấy 1 tảng đá nữa cũng đẹp không kém nên đem luôn về nhà. Vậy là giờ đây, ông ta đã có 2 tảng đá với chất lượng tốt có thể phục vụ cho mục đích của mình.

Nhặt được 2 tảng đá, người thợ điêu khắc đem về kết quả cuối cùng là bài học đáng suy ngẫm - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: Internet)

Về tới nơi, người nghệ nhân đã đem đồ nghề ra và bắt đầu công việc với tảng đá thứ nhất. Song, vừa mới định cầm cái đục lên thì bỗng tảng đá phát ra tiếng người: "Xin đừng đục đẽo tôi, thế tôi sẽ đau lắm, tôi không chịu được đâu, tôi sẽ vỡ ra mất. Tôi xin ông đấy".

Nghe thấy vậy, người nghệ nhân vừa kinh ngạc lại vừa cảm thấy thương cảm cho tảng đá nên đem cất nó vào 1 góc, rồi lấy tảng đá thứ 2 ra để tiếp tục công việc. Hòn đá này không hề phát ra tiếng cầu xin nào, nên ông có thể yên tâm làm việc. Sau 1 khoảng thời gian, cuối cùng ông cũng có thể biến nó trở thành 1 bức tượng Phật tinh xảo, đẹp đến lay động lòng người.

Nhặt được 2 tảng đá, người thợ điêu khắc đem về kết quả cuối cùng là bài học đáng suy ngẫm - Ảnh 4.

Người nghệ nhân đã biến tảng đá thành 1 bức tượng Phật tinh xảo. (Ảnh minh họa: Internet)

Hôm sau, những người dân ở ngôi làng nọ đến để đem tượng Phật về. Trước khi về, họ nói họ cần thêm 1 tảng đá nữa. Người nghệ nhân thấy vậy liền cho họ luôn cái tảng đá thứ nhất mà ông tìm được.

Sau khi đem bức tượng Phật về, những người dân ở ngôi làng nọ đã lau chùi cho nó sáng bóng lên rồi kính cẩn đặt nó ở vị trí trang trọng nhất trong chùa. Hàng ngày, những người đi lễ đều đến đây đặt hoa thơm trước bức tượng Phật rồi lễ phép cúi mình vái lạy Ngài.

Trong khi đó, tảng đá cũng được đặt cạnh đó, nhưng chỉ để làm cái đệm cho những người lên chùa đập vỡ dừa để uống giải khát mà thôi. Ngày nào nó cũng phải chịu sự tra tấn đầy đau đớn.

Một hôm, hết chịu nổi, tảng đá đã òa lên khóc vì tủi thân. Thấy vậy, tượng Phật cất tiếng hỏi: "Làm sao anh lại khóc?".

"Anh thật may mắn. Ngày nào người ta cũng dâng hoa thơm lên anh rồi xì xụp vái lạy, trong khi tôi, ngày nào cũng bị đánh đập không thương tiếc. Chẳng ai quan tâm đến tôi cả. Thật là đau lòng", tảng đá thổn thức.

Lúc này, bức tượng Phật mới từ tốn đáp: "Vào cái hôm người nghệ nhân định đục đẽo anh đó, nếu anh không ngăn ông ấy lại, thì bây giờ, anh sẽ ngồi ở vị trí của tôi. Thế nhưng, anh lại muốn chọn con đường dễ dàng, anh không muốn chịu khổ, không muốn tôi luyện cho bản thân trở nên có giá trị, vậy bây giờ, anh chỉ có thể đối diện với kết cục này mà thôi".

Nhặt được 2 tảng đá, người thợ điêu khắc đem về kết quả cuối cùng là bài học đáng suy ngẫm - Ảnh 6.

Lời bàn: 

Đúng như lời của nhà văn Mỹ Helen Keller từng nói, "Chỉ qua trải nghiệm thử thách và gian khổ mà tâm hồn trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành và thành công đạt được", không có ai trong chúng ta có thể có được thành tựu mà lại không phải làm gì, không phải bỏ công bỏ sức, vất vả ngày đêm. 

Chính vì thế, nếu bạn đang cảm thấy mình quá vất vả, quá mệt mỏi, có lẽ bạn đang cách thành công không xa. Hãy kiên trì với con đường mình đã chọn và coi những gian khổ mình gặp phải là chất xúc tác đưa bạn đến cái đích cuối cùng.  

Theo Moral Stories

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM