Nhiều người hay nói trường học là ngôi nhà thứ hai, chỗ làm là một xã hội thu nhỏ, khiến cho việc mỗi lần nghe tới công ty thì nó sẽ như một nơi có nhiều drama, tranh đấu,... và cần phải gồng mình?
Thực tế điều này không sai, vẫn có một số công ty với đầy rẫy các quy tắc khiến nhân viên vào một khuôn khổ "công sở" đúng mực vì quan niệm "dân văn phòng là dân trí thức", phải thế này hay thế kia. Những quy củ cho đến luật bất thành văn duy trì từ năm này sang năm khác, từ sếp đời trước đến sếp đời sau, muốn nhân viên đi làm là phải chỉnh tề, vì "chỉnh tề thì công việc mới hoàn thành chỉn chu, thái độ làm việc mới cực kỳ nghiêm túc".
Tùy vào từng ngành/nghề hay tính chất công việc khác nhau mà những điều vừa kể trên có thể đúng hoặc sai. Tuy nhiên, đã có không ít nhân viên văn phòng hiện nay nhận ra việc đi làm cũng cần được điều tiết và cân bằng. Bạn có thể chấp nhận làm việc ở cường độ cao để có được hiệu quả công việc tốt, nhưng đồng thời bạn cũng cần các sếp tạo điều kiện để cân bằng cuộc sống, cân bằng tinh thần và thể chất. Từ đó mà nhiều công ty hoặc nhóm các bộ phận, chủ động tạo ra môi trường làm việc và "văn hóa nội bộ" của riêng mình để mang tới sự thoải mái, tiếng cười,... Điển hình như cách mà bộ phận Chăm sóc khách hàng của Công ty Thương mại Điện tử Tiki đang thực hiện. Và chính bạn Phương Uyên - thành viên trong bộ phận này đã chia sẻ cho "1 Tiếng 30 Phút Nghỉ Trưa" được đến và khám phá.
CHÚNG TÔI XEM CÔNG TY NHƯ NHÀ, ĐỒNG NGHIỆP NHƯ GIA ĐÌNH VÀ "ĐẠI TIỆC PYJAMA" NGẪU HỨNG
Bước đến văn phòng nơi mà Bộ phận Chăm sóc khách hàng của Tiki đang làm việc, một cảnh tượng ai nhìn cũng phải thừa nhận mới mẻ khác hoàn hoàn "môi trường công sở" ngày thường. Mọi người mặc những bộ pyjama sặc sỡ sắc màu, rất thoải mái nhưng cũng rất kín đáo. Có bạn trên tay ôm gối ngủ, có bạn thì trên đầu cài tóc thú nhồi bông... cả nam lẫn nữ, đều mang dép ngủ thoải mái như đang đi lại trong chính căn nhà của mình.
Thắc mắc về khung cảnh quá thú vị này, chúng tôi được Uyên chia sẻ rằng chuyện "Hôm nay mặc gì?" cũng là câu hỏi đau đầu không kém "Trưa nay ăn gì?" đối với dân văn phòng, nhất là chị em công sở. "Để tiết kiệm thời gian và đỡ phải suy nghĩ, ban đầu mọi người trong công ty rủ nhau mặc đồ đi làm theo dresscode. Vì cách này khá hữu dụng nên trưởng nhóm đã quyết định tổ chức luôn các ngày hội dresscode diễn ra khá thường xuyên - những ngày này sẽ đưa ra một chủ đề đặc biệt để mọi người chọn lựa trang phục đi làm cho hôm đó. Ai mặc đúng chủ đề nhất và đẹp, có đầu tư nhất còn được trao thưởng đàng hoàng. Và với tiêu chí đi làm thật thoải mái, vui vẻ, dresscode pijama tất nhiên sẽ được cả bọn tán thành rủ nhau mặc ngay lần đầu tổ chức".
Theo tính ngẫu hứng mà "đại tiệc" này sẽ được thực hiện. Vì tính chất công việc không cần trực tiếp đi gặp đối tác hay khách hàng, nên các bạn không ngại bị xem là thiếu chuyên nghiệp bởi trang phục của mình giống như các công việc hay bộ phận khác. Nó cũng là điều kiện rất quan trọng để có thể được công ty tạo điều kiện thực hiện các hoạt động như thế này.
"Chuyện mặc đồ thoải mái như thế này khi đi làm rất vui, cảm thấy đi làm sẽ hào hứng hơn nhiều ấy. Nếu người ăn bận lịch sự quá còn người lại áo phông quần lửng thì hơi chuệch choạc, tạo khoảng cách cũng có khi. Cả team cùng nhau mặc chung một dạng quần áo vầy cũng là một cách để chúng mình thân với nhau nữa. Mà gắn kết với đồng nghiệp chỗ làm thì tất nhiên khi làm việc nhóm, họp hành hay chạy chung dự án cũng sẽ thuận lợi, nhanh chóng và đạt hiệu quả hơn."
Đồng ý hoàn toàn chuyện ăn bận khác nhau cũng đâu đó hình thành nên khoảng cách, thế nên chọn dresscode đồ ngủ là một cái hay "có một không hai" mà công ty thực hiện. Vừa tạo cho nhân viên một ngày đi làm hào hứng vui vẻ, vừa xây dựng được văn hóa nội bộ từ những hoạt động nhỏ nhặt ngày thường. Tuy nhiên, hôm nào mà cần phải ra ngoài gặp đối tác hay khách hàng thì người đó vẫn phải ăn mặc chỉn chu, để thể hiện sự chuyên nghiệp của mình và của công ty.
ĐÓI THÌ CHẾ MÌ GÓI CÓ SẴN, GIỜ NGHỈ TRƯA MỌI NGƯỜI RA BÀN NGỒI ĂN CHUNG
Ở công ty có một văn hóa khá hay là "Bữa sáng yêu thương" với một tủ các đồ đóng hộp như bánh sandwich, mì gói, nước đóng chai, bánh ngọt,... để nhân viên thấy đói là tới kệ chọn lựa.
"Xuất phát từ chuyện phòng khi mọi người sáng dậy lật đật đi làm mà không kịp ăn sáng, hoặc những khi cuối tháng không dư dả tiền, thì tìm đến quầy đồ ăn có sẵn này. Gọi là "Bữa sáng yêu thương" nhưng kệ đồ ăn khi nào cũng đầy ắp ở đó, chúng mình thi thoảng sẽ ăn cho bữa trưa nếu không biết ăn gì, cũng như đang làm bất chợt đói lúc nào thì đồ ăn ngay bên cạnh khỏi phải tìm đâu xa."
Chuyện ăn uống hay ho ở công ty chưa dừng lại ở đó, Uyên kể: "Team mình còn có "Bữa ăn thân mật" diễn ra định kỳ 2 lần vào đầu tháng và cuối tháng nữa. Các bạn có đi làm ngày hôm đó sẽ chuẩn bị mỗi người một món ăn để cùng chia sẻ, ăn chung với nhau. Hoặc các bạn cũng có thể góp nguyên liệu để cùng nấu thành một món ăn trưa. Trước ngày hôm đó, chúng mình sẽ cùng nhau thảo luận chọn thực đơn và phân công chuẩn bị món cho khỏi trùng vào ngày hôm sau và đảm bảo có đủ món mặn, món tráng miệng..."
Đặc biệt, những "bữa ăn gia đình" này còn có sự góp mặt của các sếp, sự xuất hiện càng khiến cho không khí công ty trở nên gần gũi hơn. Chỉ là một bữa ăn trưa, có thể đặt ở ngoài hoặc rủ nhau ra quán, nhưng cách mọi người cùng nhau cắt gọt trái cây, mua bún mua chả, đứng quanh một bàn ăn chung, giống hệt bầu không khí của mâm cơm gia đình.
CƠ SỞ VẬT CHẤT ĂN UỐNG NGỦ NGHỈ ĐƯỢC ĐẦU TƯ GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG... CÔNG VIỆC
Không gian của công ty khá rộng để mọi người có với nhau các hoạt động chung. Pantry cũng là một khu vực lý tưởng hội họp cùng nhau ăn trưa, trò chuyện vào giờ nghỉ. Có lẽ lo nhân viên mình cất công đi xa, kệ riêng trữ các đồ ăn tức thời khi nhân viên đói cũng như phục vụ "Bữa sáng yêu thương" hệt như tủ bếp ở nhà được đặt ngay ở phía trong. "Để ăn đồ ăn trên kệ, chúng mình sẽ mua phiếu, và dùng phiếu này đổi lấy đồ ăn. Công ty hỗ trợ mọi người lắm, mỗi phiếu chỉ 5 nghìn đồng để đổi lấy 1 gói mì, 1 chai nước ngọt hay 2 gói bánh chẳng hạn... so với giá thành ở ngoài bán các món đồ ăn này thì chúng mình quá hời. Không có ai soát phiếu hết, cứ bỏ phiếu vào thùng và tự đem đồ ăn về bàn."
Mặc dù các bạn nhân viên ở đây tự do sắm chiếu mền, gối ngủ, gấu bông... để được một giờ nghỉ trưa thẳng giấc nhưng công ty cũng thường xuyên tổ chức các buổi bốc thăm trúng thưởng hoặc tặng quà may mắn, và các món quà này là chăn bông, gối ngủ chất lượng cho nhân viên.
"Chúng mình còn được trang bị một tủ thuốc mini với nhiều loại thuốc cơ bản thường cần. Công ty rất tâm lý, vì team đa phần có các bạn nữ, nên còn chuẩn bị sẵn cả thuốc đau bụng khi đến kỳ và băng vệ sinh..."
"MÌNH KHÔNG CÒN SỢ MỖI SÁNG PHẢI ĐẾN CÔNG TY LÀM VIỆC"
Chia sẻ cảm nhận của riêng mình, Uyên nói: "Môi trường làm việc như thế này giúp mình không bao giờ biết đến nỗi ám ảnh mang tên "mỗi sáng đi làm". Vì có gì phải lăn tăn đâu, chuyện ăn mặc thì đến cả đồ ngủ dép lê vẫn được cho phép. Mà ăn uống cũng thoải mái không nhất thiết phải chờ đến giờ ăn trưa, mình có thể bày biện ra ăn ngay trên bàn làm việc nếu đói, miễn sao giữ vệ sinh và đảm bảo không ảnh hưởng mọi người xung quanh, làm chậm trễ công việc là được."
Hơn nữa, ở đây khá "trưng cầu dân ý". Chúng mình sẽ thường xuyên được hỏi cần loại thực phẩm nào, vật dụng gì... để bổ sung theo nhu cầu của số đông. Đi làm như thế này khiến mình cảm thấy bớt căng thẳng vì công việc đi nhiều. Vì cảm thấy bản thân được quan tâm và công ty đang rất nhiệt tình."
ĐỂ ĐƯỢC CÓ MỘT NGÔI NHÀ THỨ HAI KHI ĐI LÀM, PHẦN LỚN LÀ NHỜ CÁC SẾP
"Các sếp rất quan tâm nhân viên và thường tổ chức nhiều hoạt động để mọi người tham gia, tạo cơ hội kết nối lắm. Ví dụ hoạt động mặc dresscode đi làm, thường thì sếp sẽ đứng ra phổ biến, thông báo ngày tổ chức, thể lệ để mọi người cùng nhau lên ý tưởng trang phục. Mặc đúng chủ đề sẽ được tham gia bỏ phiếu bình chọn trang phục ấn tượng nhất và nhận giải. Mặc dù sếp mình không tham gia tranh cử nhưng vẫn mặc chung dresscode để hoạt động thêm hăng hái, sôi nổi." - Uyên chia sẻ.