PV: Trong thời gian người lao động bị cách ly do Covid-19 nên phải nghỉ làm, Công ty có trách nhiệm trả lương cho người lao động hay không, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Không chỉ quy định của pháp luật hiện hành mà ngay cả Bộ luật Lao động năm 2019 (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021) cũng không có quy định về vấn đề này; nghĩa là Công ty không bắt buộc phải trả lương cho người lao động trong trường hợp này. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, tài chính của mình, Công ty có thể dành ra một khoản phúc lợi hỗ trợ đời sống cho người lao động trong giai đoạn này một các phù hợp với thực tiễn; để từ đó mối quan hệ lao động giữa người lao động với Công ty được gắn kết lâu dài.
Khu cách ly tập trung đặt tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 2 cũ (Cát Lái, quận 2, TP.HCM).
PV: Vậy người bị cách ly có được hưởng chế độ gì từ cơ quan Nhà nước trong thời gian bị cách ly hay không, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Trong trường hợp này, người bị áp dụng biện pháp cách ly sẽ được hưởng các chế độ theo Điều 2 của Thông tư số 32/2012/TT-BTC. Cụ thể như sau:
- Thứ nhất, được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập.
- Thứ hai, được cấp không thu tiền: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế.
- Thứ ba, được miễn chi phí di chuyển từ nhà, từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế hoặc từ cơ sở cách ly y tế này đến cơ sở cách ly y tế khác; được bảo đảm vận chuyển thuận lợi, an toàn.
- Thứ tư, trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; nếu người đó có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
- Thứ năm, trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly tử vong thì được miễn chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Người dân phố Trúc Bạch nhận "tiếp tế" thực phẩm qua rào chắn trong buổi đầu cách ly vì ca nhiễm Covid-19.
- Thứ sáu, người bị áp dụng biện pháp cách ly được cơ sở thực hiện cách ly cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly.
- Thứ bảy, người bị áp dụng biện pháp cách ly được cơ sở thực hiện cách ly cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn (nếu có).
PV: Trường hợp người lao động chưa bị bắt buộc áp dụng biện pháp cách ly, nhưng để đảm đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người lao động nên Công ty quyết định cho người lao động ngừng việc, người lao động ở nhà tự cách ly thì Công ty có phải trả lương cho người lao động hay không, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Căn cứ vào khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012, trong trường hợp dịch bệnh do Covid-19 thì người sử dụng lao động có thể cho người lao động ngừng việc nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người lao động và người khác. Đối với trường hợp này, tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Nghị định số 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng hiện nay như sau:
- Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
- Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
- Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
- Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Việc pháp luật quy định hai bên thỏa thuận mức lương phải trả trong thời gian ngừng việc do dịch bệnh Covid-19 như trên sẽ đảm bảo người lao động có khoản thu nhập để trang trãi cuộc sống trong thời gian ngừng việc; và người lao động cũng có trách nhiệm chia sẻ khó khăn với Công ty trong thời gian này (mức lương thỏa thuận có thể thấp hơn lương thực nhận hằng tháng của người lao động nhằm giảm bớt khó khăn tài chính cho Công ty).
PV: Vâng, cảm ơn luật sư!