Bài toán về chi tiêu vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, gây trăn trở của nhiều người. Tiêu cho những việc cần thiết là một lẽ nhưng tiêu bao nhiêu, tiêu như thế nào, cần tiết kiệm ra sao thì không phải ai cũng biết.
Đối với những người trẻ, bất kể là còn độc thân hay đã lập gia đình thì mọi chuyện cũng không khác đi. Dường như chuyện thu nhập chỉ có 1 khoản mà khoản phải chi thì cứ lên hàng chục hàng trăm là điều hết sức thường tình. Thế nhưng, trong số chung thì vẫn có vô số ngoại lệ. Vẫn có những người dù tiền kiếm được không bao nhiêu nhưng nhờ chi tiêu hợp lý mà họ vẫn đảm bảo được chất lượng cuộc sống, thậm chí còn dư ra một khoản để phòng thân dù ít dù nhiều.
Cô gái công sở tuổi 25, lương 9 triệu/tháng nhưng chỉ tiêu hết 3 triệu dù phải thuê nhà và ăn uống thoải mái
Ra trường đi làm đã 3 năm nay, dù đang có mức lương 9 triệu đồng/tháng nhưng chưa tháng nào, cô nàng công sở có tên Trần Thị Thu Hường này lại tiêu hết quá 3 triệu đồng dù sống giữa Hà Nội.
Được biết, Hường đã làm tại phòng marketing của một công ty Dược quy mô nhỏ gần 3 năm. Ban đầu, cô nàng được nhận vào với mức lương khởi điểm chỉ 6 triệu đồng/tháng (đã bao gồm được công ty cho ăn trưa). Ở thời điểm ấy, Hường chỉ tiêu 1,5-2 triệu đồng/tháng. Số tiền 4 triệu đồng còn lại, Hường gửi về phụ cho bố mẹ ở quê để nuôi em trai đang học lớp 12.
Theo Hường, ai cũng cần có một khoản tiền tiết kiệm để đầu tư cho tương lai hay việc học nâng cấp bản thân
Sau 3 năm đi làm, dù lương đã tăng lên 9 triệu chưa kể các khoản thưởng quý, thưởng Tết khác, nhưng Hường vẫn giữ thói quen chi tiêu tiết kiệm. Mỗi tháng, cô nàng công sở độc thân này vẫn chỉ chi tiêu khoảng 3 triệu đồng.
Cụ thể các khoản chi hàng tháng của Hường như sau:
- Tiền thuê nhà: 1 triệu đồng (thuê chung cùng bạn)
- Tiền ăn: 1,2 triệu đồng (hạn chế ăn ngoài, có thể mang đồ ăn từ quê lên để tiết kiệm thêm)
- Tiền điện nước: 200 ngàn đồng
- Tiền chi tiêu vặt, xăng xe tiền đám cưới: 500 ngàn đồng
Đôi vợ chồng mới cưới ở giữa Hà Nội thu nhập 14 triệu nhưng tháng nào cũng để ra được 8 triệu
Đây chính là câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ Trần Thị Minh và Nguyễn Duy Phúc ở Yên Nghĩa, Hà Đông (Hà Nội). Được biết, Minh đang làm tư vấn viên cho một nhãn hàng, lương tháng chỉ 6,5 triệu đồng. Còn Phúc là thợ sơn gò hàn mới vào nghề nên lương tháng cũng chỉ được 7,5 triệu. Tổng cộng mỗi tháng vợ chồng trẻ này có thu nhập 14 triệu đồng.
Tuy có thu nhập không cao, thậm chí ở mức trung bình thấp nhưng theo cô vợ tên Minh, việc chi tiêu hàng tháng ở gia đình không đến nỗi tệ. Bí quyết cho điều này chính là chủ động tiết kiệm ngay từ đầu tháng và hạn chế tối đa việc ăn ngoài.
Tự trồng rau dưa, nuôi gà vịt là một trong những cách giúp cặp đôi này tiết kiệm được quá nửa thu nhập/tháng
"Mỗi tháng mình cố gắng trích riêng khoảng 8 triệu đồng sau khi lĩnh lương và mở luôn sổ tiết kiệm online. Trích hẳn trước chừng này như vậy để cả tháng không bị lạm vào. Nếu tháng nào phát sinh nhiều chi phí cỗ bàn, đám cưới, đám ma chay, mình sẽ vay mượn thêm của đồng nghiệp, người thân rồi sẽ bù trừ các khoản khác để trả nợ", Minh chia sẻ.
Cụ thể các khoản chi hàng tháng của gia đình Minh - Phúc:
- Tiền điện nước: 500 - 530 ngàn đồng/tháng
- Tiền ăn: 3 triệu đồng/tháng (hạn chế ăn ngoài, tự trồng rau dưa, nuôi gà vịt để cải thiện)
- Tiền xăng xe: 300 ngàn đồng
- Tiền mua xà phòng, kem đánh răng, dầu ăn, mì chính, nước mắm, hạt rau: 300 ngàn đồng (mua cỡ lớn để tiết kiệm)
- Tiền hiếu hỷ: 900 ngàn đồng (nếu không cần đến thì gửi tiếp vào sổ tiết kiệm online)
- Tiền mua sắm quần áo, mỹ phẩm: 1 triệu đồng
Lương 9 triệu/tháng, chàng trai vẫn tiết kiệm được 2 triệu cho mục tiêu đầu tư sinh lời ngon ơ nhờ cách đặc biệt
Nhiều người cho rằng con trai thì không biết cách quản lý tài chính, chi tiêu nhưng với anh chàng tên Ngô Nam này thì chưa hẳn. Dù thu nhập chỉ rơi vào tầm 9 triệu/tháng, Nam vẫn trích ra được một khoản để đầu tư sinh lời khiến ai cũng phải ngưỡng mộ hỏi xin bí quyết.
Nhờ phương pháp chi tiêu thông minh, hợp lý mà dù lương chỉ 9 triệu nhưng Nam vẫn tiết kiệm được số tiền 2 triệu ngon ơ nhằm mục đích đầu tư sinh lời
Theo đó, để có được bí quyết chi tiêu hiệu quả, ngay từ ban đầu Nam đã học hỏi và xin tư vấn từ chuyên gia tài chính để có thể áp dụng chính xác vào mức tiền lương hàng tháng mà mình có. Con số được đưa ra là: tối đa 55% thu nhập cho các nhu cầu cần thiết (nhà ở, ăn uống, sinh hoạt, bạn bè, cafe, ma chay, cưới hỏi...), 10% cho việc đầu tư, 10% để phát triển bản thân, 10% để nâng cấp chất lượng cuộc sống (tham gia event, gặp gỡ người nổi tiếng, chuyên gia trong lĩnh vực bản thân đang theo đuổi) và còn lại thì dùng để làm từ thiện.
Trong quá trình áp dụng, Nam cũng rút ra được lời khuyên riêng dành cho các bạn trẻ đang có thu nhập tương đương:
- Hãy bỏ ra 2 triệu đồng tiền đầu tư ngay khi vừa lấy lương, để khi thấy tài khoản ngân hàng của mình giảm xuống bạn sẽ dễ dàng cắt bớt các khoản chi tiêu hơn
- Hạn chế các buổi party không cần thiết, tiết kiệm thời gian, sức lực để tập trung vào học tập và phát triển bản thân
- Sắp xếp lại các mối quan hệ theo mức độ thân thiết
Cách Ngô Nam sắp xếp chi tiêu:
- Các nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt: 4 triệu đồng
- Đầu tư cổ phiếu: 2 triệu đồng/tháng (có thể giúp thu về tài khoản 30 triệu đồng/năm)
- Tiền học các khóa học mua sách: 1,5 triệu đồng/tháng
- Các khoản còn lại: 1 - 1,5 triệu
Mất việc, hưởng bảo hiểm thất nghiệp 4.8 triệu/tháng, nữ nhân viên văn phòng ở Sài Gòn vẫn tiết kiệm được 2 triệu mỗi tháng
Nghe thì có vẻ khó tin nhưng nếu đọc xong câu chuyện của cô nàng tên Ngọc Lan này bạn sẽ gật gù thấy đúng thôi. Được biết, Ngọc Lan hiện là nhân viên hành chính văn phòng ở phường 10, quận Gò Vấp (TP.Hồ Chí Minh). Lan đã đi làm được 4 năm với mức lương 8 triệu một tháng. Cuộc sống nói chung tạm ổn, không quá dư dả nhưng đủ ăn đủ tiêu.
Thế nhưng biến cố ập đến khi công ty Lan làm ăn thua lỗ và buộc phải cắt giảm nhân sự. Đùng một cái thất nghiệp nhưng Lan khá bình tĩnh, cô nàng chủ động xin trợ cấp thất nghiệp. Mức lương trợ cấp thất nghiệp của Lan là 8 triệu x 60% = 4.8 triệu/tháng, được nhận trong vòng 5 tháng. Dù khó khăn nhưng Lan đã nhanh chóng tìm ra giải pháp "cứu" chính mình.
Cụ thể, cô nàng đã tìm người ở ghép để giảm tiền phòng xuống. Tiếp đó, thay vì ăn ngoài, Lan chuyển sang tự nấu ăn ngày 3 bữa. Những chi phí cho việc tụ tập bạn bè, xăng xe, mỹ phẩm được hạn chế tối đa.
Đặc biệt nhất là cô nàng nói không hoàn toàn với việc mua sắm. Theo Lan, dù shopping là sở thích của tất cả các cô gái, trong đó có Lan, nhưng mọi người cũng cần cân nhắc tình trạng cá nhân để xem xét tạm ngưng sở thích một thời gian. Nhờ giảm mọi khoản chi khác nên mỗi tháng, Lan vẫn giữ nguyên mức tích lũy dự phòng 2 triệu/tháng.
Con số chi tiêu cụ thể của Ngọc Lan:
- Tiền phòng: 700 ngàn đồng (do ở ghép)
- Tiền ăn: 1 triệu đồng (do tự nấu toàn bộ)
- Mỹ phẩm, chăm sóc da: 100 ngàn đồng (do tự làm mặt nạ)
- Xăng xe: 100 ngàn đồng
- Sinh nhật, cưới hỏi bạn bè: 500 ngàn đồng (cân nhắc những buổi thực sự cần thiết mới đi)
- Tiết kiệm: 2 triệu đồng