Lần hiếm hoi trong sự nghiệp "phỏng vấn sâu" của mình, khi đã khai thác đủ chất liệu, tôi chủ động dừng cuộc đối thoại thì bất ngờ nhân vật cất lời.
Chris Freund - CEO Mekong Capital - vị doanh nhân Mỹ không né tránh bất kỳ câu hỏi nào trong hơn 2 giờ đồng hồ trước đó bỗng có vẻ hơi bối rối và đề nghị: "Tôi băn khoăn một chút, qua bài báo của bạn liệu có điều kỳ diệu nào xảy ra không?
… Về Lê Trung Hưng, người bạn Việt Nam đầu tiên của tôi, chính là người đàn ông cụt chân tôi đã gặp ở Nha Trang, người đã thúc đẩy mong muốn chuyển đến Việt Nam của tôi.
Tôi rất muốn tìm lại anh ấy, nếu có thể..."
…."Sao lại không nhỉ. Chúng ta luôn có quyền hy vọng về tương lai, ở đó, hai người bạn sau bao năm thất lạc sẽ tìm và gặp được lại nhau". Khi nói như vậy, tôi chỉ nghĩ mình nên động viên nhân vật, vì hai người đã mất liên lạc từ gần 30 năm trước, và việc tìm người ở một thành phố sôi động như Nha Trang mà hầu như không có manh mối gì hẳn không phải là việc đơn giản.
Nhưng… Hai tuần sau khi bài "Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường" được đăng tải, tôi bất ngờ nhận được một bức thư. Là thư của Chris Freund, gửi cho tôi qua đường bưu điện.
"Sau khi bài viết được đăng, trưởng chi nhánh tại Nha Trang của Nhất Tín, một trong những công ty Mekong Capital đầu tư, đã tìm thấy anh Lê Trung Hưng. Mong ước của tôi để kết nối lại với anh Hưng đã trở thành hiện thực!", bức thư viết.
Ngay lập tức tôi xin số điện thoại và liên lạc với người đàn ông cụt chân ở Nha Trang, người đã thúc đẩy mong muốn chuyển đến Việt Nam sống như là một phần ở đất nước này của "rich kid" nước Mỹ.
"Hắn làm tui xúc động cả mấy ngày trời. Thiệt tình, sao có thể quên được cậu thanh niên ngoại quốc đầu trọc như chú tiểu, mặc bộ quần áo giống người nhà chùa lúng túng đứng trước quầy cơm chay ở cửa chợ Đầm 30 năm trước..." - ông Lê Trung Hưng, người bạn thất lạc hơn 28 năm mới tìm lại được của Chris đã chia sẻ với tôi về 7 ngày "ấm cúng rất đặc biệt" giữa ông và chàng trai trẻ nước Mỹ hồi năm 1992.
Đó là một buổi trưa hè lất phất mưa. Khi vừa ra khỏi một quán cà phê, ông Hưng thấy bên kia đường một thanh niên ngoại quốc mặc áo người nhà chùa chứ không phải sơ mi hay áo phông như giới trẻ thường mặc. Trông điệu bộ có vẻ cậu này đang ngó nghiêng, muốn tìm kiếm gì đó trước quầy cơm chay. Những năm ấy, bán hàng ở chợ mấy ai biết tiếng Anh là gì đâu.
"Tui chỉ nghĩ hay mình qua đó dịch vài câu giúp bà chủ quán bán được suất cơm" - thầy Hưng kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông và Chris Freund. Ông vừa cất lời chào thì "hắn" nói luôn:
- Tôi muốn mua cơm chay.
- Vậy cậu muốn ăn món nào cứ chỉ đi, tui bảo bà chủ bán cho.
Sẵn tiện biết tiếng Anh lại đứng cùng nhau nên ông Hưng bắt chuyện:
- Ủa cậu ở đâu tới đây?
- Tôi là sinh viên Mỹ.
- Ù, vậy hả. Lý do sao người Mỹ lại ăn chay?
Trò chuyện một hồi, thầy Hưng biết thêm vài điều hay ho về cậu sinh viên chọn lối sống thuần chay đến từ nước Mỹ.
"Hắn tên là Chris Freund, sinh viên năm thứ 3 ở California, còn nhà thì ở Chicago, Illinos. Cậu này nghiên cứu rất kỹ về triết học. Từ Hy Lạp cổ đại qua nguyên tử luận rồi triết học phương Tây cổ điển hay các triết gia Hồi giáo... hắn đọc hết. Lúc đó Chris nói đang chuyên tâm nghiên cứu về triết học phương Đông với những nội dung như Hindu giáo, Phật giáo... Ở Mỹ hắn đã đọc nhiều tài liệu nên bây giờ muốn được trực tiếp trải nghiệm để hiểu cụ thể hơn. Ví dụ như một nhà sư thì sống, học đạo và hành đạo như thế nào?
Tay này hay một cái, băn khoăn gì là hắn sẽ lao đi tìm bằng được câu trả lời. Vậy nên mới có chuyện sang Ấn Độ tu học 1 năm, rồi qua Thái Lan vào chùa xin đóng tiền để được ăn ở, học tập như một nhà sư. Vừa hết thời gian làm Sadi (chú tiểu - PV) thì Chris sang Việt Nam".
Trông chừng trời có vẻ mưa dông sắp đến, ông Hưng gợi ý Chris nên về nhà mình. Bởi vì "mưa xuống một cái là trong chợ dễ dính bùn lầy, dơ lắm. Chợ Đầm ngày xưa lôi thôi, xập xệ chứ không được sang trọng như bây giờ". Hơn nữa ông Hưng lo Chris ăn cơm hàng cháo chợ mãi không ổn. Sẵn nhà gần chợ cho nên ông bảo đến giờ cơm Chris cứ qua, ông sẽ mời cơm chay: "Cơm mặn á, tui không có tiền mua thật chứ cơm chay dễ lắm. Đồ luộc, đồ hấp dễ. Nhà tui cũng thường ăn vậy".
Hồi đó ở nhà thầy Hưng đang có 2 lớp tiếng Anh từ 7 - 10 giờ tối. Ông đề nghị Chris ngồi vào trong lớp, những lúc cần thì nói chuyện minh họa cho học trò dễ hiểu. Chris đồng ý.
Ngày đầu tiên anh chàng người Mỹ xuất hiện và nói mấy câu, học trò ngẩn ngơ không hiểu gì hết trơn. Lúc đó thầy Hưng có thêm công cụ trực quan để giải thích và hướng dẫn kỹ năng nghe nói chuẩn Anh - Anh, Anh - Mỹ. "Xưa giờ mình vẫn dạy học trò đọc nối phụ âm theo quy luật, nhưng người Việt nói tiếng Anh là ngoại ngữ sao đủ ngữ điệu, nhanh và chuẩn như cậu Tây này được. May thiệt may, Chris ở Nha Trang tầm 1 tuần, ngoài việc đi tắm biển, đọc sách, qua nhà tui ăn uống thì hắn rất tận tâm rèn tiếng Anh cho tụi học trò".
Hết giờ học, hàng xóm xung quanh lại rủ nhau qua chơi với cậu người Mỹ hay cười. Nói chuyện hoài cũng chán, mọi người rủ nhau chơi bài, đánh tiến lên, đánh phỏm...". Cũng có nhiều hôm, Chris lôi đâu ra mớ đồ nghề làm ảo thuật, biểu diễn mấy trò nghịch nghịch cho tụi nhỏ chơi. Nói chung, tay này vui lắm".
Những kỷ niệm giữa hai người bạn chưa dừng lại, tối nào ông Hưng cũng tiễn Chris từ nhà mình về khách sạn ngay đối diện bờ biển. Phải thấy cậu ta an toàn vào khách sạn thì ông Hưng mới yên tâm. Trên quãng đường hai anh em vẫn đi qua có một tiệm sữa chua. Chủ quán là bạn học với Hưng từ hồi nhỏ nên ông dẫn Chris vào với ý nghĩ "ăn ủng hộ thằng bạn cũ". Chris mới bày tỏ cảm giác ngại ngùng: "Em thấy có lỗi quá nếu cứ để anh trả tiền hoài".
"Vậy cậu trả đi". Ông Hưng vừa nói vừa buồn cười: "Cha nội này thiệt tình hay câu nệ. Vậy rồi hắn gọi liền 2 hũ nữa, ăn một mạch hết vèo".
Hồi đó, Chris không hề kể với tui hắn là "thiếu gia". Mình cứ nghĩ trong bụng, thương thằng sinh viên nghèo biết mê chuộng đạo Phật. Cho nên mấy lần giúp đỡ xong đều dặn "Không nên hoang phí. Cậu là sinh viên, phải dè sẻn còn đi học. Anh dạy ngoại ngữ tuy tiền không nhiều nhưng vẫn có đồng vô đồng ra."
Lúc đấy Chris cũng thích tui lắm. Tại tui còn đưa hắn đi chùa chơi. Bởi vậy sau tận 30 năm hắn vẫn kể với nhà báo, sao ta: "Họ quan tâm đến cảm xúc của tôi, sẵn sàng đưa tôi đi chơi mỗi tối, giới thiệu nhiều điểm đến ý nghĩa nhất cho tôi".
Bữa đó, hai anh em mượn được chiếc xe đạp cà tàng. Nói là cà tàng nhưng cũng vào loại ưu tiên trong khu phố mới được cho mượn. Chris đạp xe chở ông Hưng ngồi đằng sau.
"Hơn 30km đường lên chùa toàn ổ gà, ổ voi dộng lên dộng xuống không hà.
Tới được Linh Sơn tự, nhìn cây Kén đại thụ hơn 300 tuổi vẫn xanh tốt trong khuôn viên chùa, lại thấy trước mặt chùa có sông Hiền Lương, phía tây là đồng lúa chín vàng, bên cạnh có hồ sen thơm ngát, xa xa dãy Trường Sơn trập trùng... Thầy trụ trì còn căn dặn nếu muốn học làm Sadi thì ở lại chùa, thầy nuôi như mọi chú tiểu khác rồi dạy cách đi cách đứng, ngõ mõ tụng kinh 18 giới...
Chris xúc động lắm. Hóa ra bọn tui đã có với nhau rất nhiều kỉ niệm thật sự đẹp"-ông Hưng nhớ lại.
"Vì nó kể chuyện nhà mình nên tui mới thực lòng dốc hết tâm sự"- ông Hưng đã chia sẻ về đêm cuối hai anh em ngồi ở bãi biển Nha Trang năm 1992.
"Khoảng 9 - 10 giờ sáng ngày cuối cùng trước khi rời Nha Trang, hắn qua nhà tìm tui, mặc đồ sang trọng ghê gớm. Tui nhìn lúc đầu còn không nhận ra là em mình kìa.
"Chiều nay em bay qua Thái Lan gặp bố mẹ và bà nội rồi cả nhà sẽ từ đó đi Hồng Kông chơi. Anh cần cái gì không?", hắn nói.
Bị bất ngờ nên ông Hưng chỉ bảo: "Anh đâu cần gì đâu. Cậu về nước, có sách cũ không đọc nữa thì tìm cách gửi qua đây. Anh đọc, mấy đứa nhỏ đọc đặng học được tý gì thì tốt, chứ đâu cần gì đâu".
Thật ra những gì cần nói với nhau, tối hôm qua hai anh em đã nói hết. Tại vì trong lúc ngồi cùng nhau uống bia ngoài biển, Chris bắt đầu kể về nhà mình. "Gia đình cậu này giống như tài phiệt trong cộng đồng Do Thái ở Mỹ. Bố của Chris làm sếp phó cho một định chế tài chính lớn lắm, ngoài ra còn sở hữu công ty chứng khoán ở Phố Wall.
Vì nghe nó kể chuyện nhà, tui mới thực lòng nói hết tâm sự.
Cậu ở xóm chợ Đầm bấy nay chắc thấy hết rồi đúng không? Từ cục xà bông, gội đầu cũng đó, tắm cũng đó, rửa tay cũng đó. Nhiều thứ nữa, thuốc chữa bệnh thiếu thốn đã đành, tuýp kem đánh răng cũng thiếu... Mỹ còn cấm vận Việt Nam ngày nào thì người Việt Nam còn khổ ngày đó. Liệu có một người Mỹ nào đó đứng ra, vận động tạo thành phong trào ủng hộ dỡ cấm vận Việt Nam cho người dân Việt Nam đỡ khổ không?"
Chris là người rất biết đồng cảm nhưng cũng rất đàng hoàng, cậu ấy chỉ bảo: "Em không dám hứa, vì đây là câu chuyện vượt tầm kinh tế hay hữu nghị. Đó là chuyện chính trị..."
Hai tháng sau, ông Hưng nhận được điện thoại từ một người Mỹ tự xưng là bạn của Chris, đang ở TP. Hồ Chí Minh. Người đó báo tin bà nội Chris gửi một kiện hàng từ Thái Lan sang Việt Nam cho ông. Miêu tả về kiện hàng, ông Hưng cho biết: "Nói kiện hàng có vẻ khó tưởng tượng, hay thôi, ta nghĩ về thùng xe bán tải đi cho dễ hình dung.
Hóa ra khi gặp lại gia đình, hắn đã kể về tui. Chris cũng từng khoe bà nội của hắn có thư viện lớn lắm ở Chicago. Gia đình đó đam mê đọc và sưu tầm sách. Từ đó, họ mới gửi qua Việt Nam bao nhiêu là tài liệu, sách, truyện, tiểu thuyết... rất đa dạng.
Trong kiện hàng đó, tui còn đếm được 10 bộ bài tây. Tại Chris thấy bà con bên này thích chơi bài. Đôi lúc có lá bài cũ quá, nát mất rồi thì phải dùng giấy bìa cứng hoặc giấy xi măng vẽ lại cho đủ bộ. Chắc hắn nhớ vậy nên dặn bà nội gửi sang cho anh chị em chơi thêm vui.
Tui cũng nhìn thấy một tấm ngân phiếu có chữ ký của bố Chris và bức thư Chris viết dài lắm, 2 - 3 trang lận. Trong thư, hắn dặn dò tui chuyện này chuyện kia rất tình cảm. Chris cũng nhắc tui dùng một phần số tiền đó sắm sửa bàn ghế cho lớp học. Tại vì cậu ấy thấy bàn ghế dạy học cái thấp cái cao, chắp vá, gập gềnh, hỏng hóc hết. Thầy đồ nghèo mà có phải trường lớp đàng hoàng đâu".
Năm 1992, Việt Nam và Mỹ chưa bình thường quan hệ nên ông Hưng không thể sử dụng tấm ngân phiếu có chữ ký của nhà tư bản người Mỹ. Lần theo địa chỉ trên kiện hàng, ông Hưng đã sử dụng dịch vụ gửi bảo đảm để trả lại Chris món quà tặng có giá trị vật chất đó.
Ông bảo: "Tại vì đối với tôi tiền bạc không quan trọng. Tính tôi coi nhẹ vật chất lắm".
"Tui nhận ra cậu bạn ngày nào giờ đã trở thành CEO của Mekong Capital từ vài năm trước. Nhưng một phần như ông lý giải, bản tính của ông có điều gì đó lạ kỳ: "Khi người ta ở địa vị ngang mình, mình dễ tiếp xúc, dễ chia sẻ. Bây giờ hắn đã ở vị trí đó, nếu cố tìm gặp, nhỡ đâu tình nghĩa anh em sứt mẻ... lại trở thành chuyện chẳng vui. Nghĩ vậy nên tui chỉ âm thầm dõi theo Chris. Biết hắn ở Việt Nam và vẫn hành thiền vậy là vui rồi".
Ông Hưng càng vui hơn nữa khi nhìn thấy doanh nhân Chris Freund làm được nhiều điều ý nghĩa như: "Hắn từng nói cách đây 30 năm, gia sản nhà hắn cứ để nguyên trong nhà băng cũng tự sinh lãi. Hắn phải làm cái gì mới tối ưu nhất bây giờ? Đi làm kỹ sư, bác sĩ à? Chi bằng dùng đồng tiền đó đầu tư vào các doanh nghiệp khác, ở những đất nước hắn yêu quý. Từ đồng vốn đó thúc đẩy rất nhiều công ty kinh doanh tốt lên, rất nhiều cộng đồng lớn mạnh lên. Vậy là đồng tiền của hắn sẽ tự đẻ ra lãi 1 gấp 10".
Nhìn vào thương vụ Mekong Capital đầu tư 3,5 triệu USD vào Thế giới di động. Sau 10 năm, tổng số tiền Chris thu về là 199,4 triệu USD, đạt mức lợi nhuận 57 lần, trở thành một trong những khoản đầu tư thành công nhất trong lịch sử đầu tư cổ phần tư nhân của châu Á.
"Trường Kinh doanh Harvard có thể sẽ kể rất nhiều case study (bài tập tình huống - PV) về doanh nhân Chris Freund hay mô hình kinh doanh vốn Mekong Capital mà cậu ấy sáng lập nên, nhưng với riêng tui, cách sống như một con người thủy chung trọn vẹn của Chris mới thực sự đáng trân trọng. Cậu ấy mới vừa gọi điện nói cứ ở yên đó, hắn sẽ về Nha Trang gặp tui!"