Nhận được bài học vô giá ở Syria, Nga thần tốc hiện đại hóa hàng loạt "vua chiến trường"

Trà Khánh | 27-03-2020 - 12:54 PM

(Tổ Quốc) - Với bài học quý giá từ chiến trường Syria, Quân đội Nga đã có lời giải cho bài toán hiện đại hóa các hệ thống pháo lạc hậu của nước này, đồng thời đưa chúng lên một tầm cao mới.

Thử nghiệm hơn 200 vũ khí mới ở Syria

Phát biểu trong cuộc họp tại Hội đồng Liên bang trong ngày 25/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu cho biết, chiến dịch chống khủng bố của Moscow tại Syria không chỉ giúp nước Nga tăng cường vị thế trên trường quốc tế mà nó còn tác động trực tiếp tới sự phát triển của Quân đội Nga trong 5 năm qua.

Sẽ không hề nói quá khi cho rằng, cuộc chiến ở Syria là cơ hội "ngàn năm có một" giúp Quân đội Nga có được những kinh nghiệm chiến đấu cần thiết trong môi trường chiến hiện đại, từ đó bổ sung hoặc hiện đại hóa kho vũ khí đáp ứng được các yêu cầu tác chiến trong chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh kiểu mới.

Nhận được bài học vô giá ở Syria, Nga thần tốc hiện đại hóa hàng loạt vua chiến trường - Ảnh 1.

Một trận địa pháo 2A65 Msta-B của Nga ở Syria. Ảnh: InformNapalm.

Kể từ năm 2015, Quân đội Nga đã tiến hành thử nghiệm thành công hơn 200 hệ thống vũ khí mới ở Syria. Đây được xem là bước đột phá quan trọng giúp Nga phát triển nhiều hệ thống vũ khí mới cũng như nâng cấp số vũ khí hiện có.

Với bài học quý giá từ chiến trường Syria, Quân đội Nga cũng đã tìm ra được lời giải cho bài toán hiện đại hóa các hệ thống pháo cũ có từ thời Liên Xô, đồng thời đưa chúng lên một tầm cao mới.

Điều này có thể thấy rõ qua các hoạt động của pháo binh Nga trên chiến trường Syria, khi năng lực tác chiến của lực lượng này được nâng tầm lên qua từng năm, trong khi khí tài trang bị gần như không thay đổi. Vậy điều gì đã giúp pháo binh Nga mạnh hơn trong những năm qua?

Theo các chuyên gia quân sự, điểm mấu chốt trong chương trình hiện đại hóa lực lượng pháo binh Nga hiện tại không nằm ở việc đưa vào trang bị hệ thống vũ khí mới, mà nằm ở việc thay đổi hình thức tác chiến cũng như việc kết hợp các loại vũ khí công nghệ với các khí tài trang bị hiện có.

Cụ thể, như ở chiến trường Syria, vũ khí chính của pháo binh Nga là những khẩu pháo kéo 2A65 Msta-B được đưa vào trang bị từ cuối những năm 1980, khả năng tác chiến của Msta-B cũng không có gì quá đặc biệt so với các mẫu pháo của phương Tây. Nó có tầm bắn hiệu quả chỉ khoảng 24km với đạn nổ OF45 thông thường.

Tuy nhiên, khi tham chiến ở Syria các đơn vị pháo Msta-B của Nga lại thể hiện mình như "những ông vua của chiến trường" bởi khả năng thực hiện những đòn tấn công chính xác gần như tuyệt đối khiến quân khủng bố và bè đảng của chúng phải khiếp sợ.

Nhận được bài học vô giá ở Syria, Nga thần tốc hiện đại hóa hàng loạt vua chiến trường - Ảnh 3.

Đặc nhiệm Nga chụp ảnh cùng pháo 2A65 Msta-B và đạn dẫn đường Krasnopol tại Syria. Ảnh: Versiya.info.

Dĩ nhiên, với các mẫu đạn pháo thông thường Msta-B không thể làm được điều này mà chúng sử dụng đạn pháo dẫn đường bằng laser 2K25 Krasnopol, có tầm bắn trung bình từ 20-30km với độ chính xác khoảng 95%.

Ngay từ năm 2016, đã có những bằng chứng đầu tiên cho thấy Quân đội Nga sử dụng Krasnopol ở Syria, nhưng mãi đến năm 2018 Bộ Quốc phòng Nga mới công bố những đoạn video chính thức về khả năng tác chiến của bộ đội Msta-B và Krasnopol trên chiến trường này.

Cũng trong quá trình sử dụng Krasnopol ở Syria, pháo binh Nga cũng nhận thấy mẫu đạn pháo này có một nhược điểm đó là nó chỉ phát huy hiệu quả tối đa nếu được các đơn vị trinh sát pháo binh chỉ thị mục tiêu bằng thiết bị điều khiển hỏa lực cầm tay Malakhit.

Để làm được điều này trinh sát pháo binh Nga phải di chuyển tới gần mục tiêu ít nhất 5km, ở chiến trường Syria hành động trên được xem là quá mạo hiểm cũng như mang lại nhiều rủi ro.

Nhận được bài học vô giá ở Syria, Nga thần tốc hiện đại hóa hàng loạt vua chiến trường - Ảnh 4.

Hệ thống điều khiển hỏa lực cầm tay Malakhit. Ảnh: South Front.

Để khắc phục hạn chế trên Quân đội Nga đã cho phát triển một số mẫu máy bay trinh sát không người lái (UAV) trang bị khối chỉ thị mục tiêu laser giống như trên Malakhit, cho phép trinh sát pháo binh Nga chỉ thị mục tiêu cho Krasnopol từ ngay trận địa pháo hoặc cách xa khu vực mục tiêu.

Trường hợp của Krasnopol chỉ là một trong số hàng trăm hệ thống vũ khí mới được Quân đội Nga thử nghiệm và nâng cấp thành công chiến trường Syria, còn hiệu quả mà chúng mang lại đã thể hiện quá rõ qua những chiến thắng đầy thuyết phục của liên quân Nga - Syria trên khắp các mặt trận.

Hiện đại hóa hàng loạt "Vua chiến trường"

Cũng với thành công của bộ đôi Msta-B và Krasnopol ở Syria, Quân đội Nga bắt đầu nhân rộng việc sử dụng UAV trinh sát trong hầu hết lực lượng pháo binh, nhất là những đơn vị đang được trang bị các mẫu pháo kéo và pháo tự hành thế hệ cũ vốn bị đánh giá là không phải phù hợp với môi trường chiến tranh hiện đại.

Ví dụ điển hình là mới đây Pháo binh Nga đã lần đầu tiên sử dụng pháo tự hành 2S5 Giatsint-S như một vũ khí tấn công chính xác trong một cuộc tập trận ở Quân khu phía Đông trong đầu tháng 3 vừa qua.

Nhận được bài học vô giá ở Syria, Nga thần tốc hiện đại hóa hàng loạt vua chiến trường - Ảnh 5.

Pháo tự hành 2S5 Giatsint-S của Nga trong diễn tập bắn đạn thật. Ảnh: TASS.

Theo thông báo chính thức của Quân khu phía Đông, trong cuộc tập trận ở Vùng Amur các hệ thống pháo Giatsint-S đã sử dụng dữ liệu tọa độ từ máy bay trinh sát không người lái Orlan-10 để tung ra các đòn tấn công chính xác vào các mục tiêu giả định ngay trong loạt đạn đầu tiên.

"Việc kết hợp pháo Giatsint-S với UAV giúp mở rộng đáng kể khả năng tấn công của loại pháo tự hành này. Giờ đây, có thể sử dụng phương tiện chiến đấu mạnh mẽ này ở khoảng cách xa với hiệu quả của vũ khí có độ chính xác cao", thông báo của Quân khu phía Đông nhấn mạnh.

Việc sử dụng thành công pháo tự hành 2S5 Giatsint-S như một vũ khí tấn công chính xác sẽ mở đường cho Quân đội Nga ứng dụng các công nghệ trinh sát kiểu mới lên các mẫu pháo tự hành khác mà họ hiện có như 2S1 Gvozdika, 2S3 Akatsiya, 2S7 Pion và 2S19 Msta.

Pháo tự hành 2S5 Giatsint-S của Quân đội Nga được dẫn bắn bằng UAV trong một cuộc tập trận ở Quân khu phía Đông.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM