"Nhân chứng lịch sử" 100 tuổi và câu chuyện hôn nhân với người vợ kém 12 tuổi: Không có đám cưới vẫn sống đến bạc đầu!

Thanh Ba | 18-06-2022 - 13:02 PM

(Tổ Quốc) - Trong con ngõ ở Lý Nam Đế có ngôi nhà đặc biệt với khoảng sân vườn xinh xắn mát rượi. Đây cũng chính là tổ ấm của cặp vợ chồng già (người 100, người 88 tuổi) mà con cháu nhìn vào đầy thương yêu xen lẫn sự ngưỡng mộ

Tôi lặng lẽ ngồi đó mà nhìn một "kiểu hạnh phúc" của 4 thế hệ hội ngộ trong khu vườn nhỏ xanh rì mát rượi ở phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Tiếng cười nói của ông bà, con, cháu và tiếng lảnh lót lễ phép của "bé chắt"... ở không gian khác xa một Hà Nội ồn ào, oi nóng ngay ngoài kia.

Khung cảnh đầm ấm trong một góc vườn của một gia đình nhân chứng lịch sử

Ở căn nhà đó, 4 thế hệ cùng ngồi ăn miếng bánh, uống cốc sấu đá và nói với nhau về chuyện xưa, chuyện nay. Ông đã 100 tuổi, bà cũng 88, nhưng cháu con còn thấy ông bà ở đó là như có "bóng cây" ấm áp, thân thương. Họ thấy mình như được soi tấm gương trong, chẳng cần lời giáo huấn nào cũng tự khắc biết tử tế, tự biết yêu thương nhau, để sống không uổng phí phút giây nào hiện diện trong cõi đời này.

Ngồi trước mặt tôi là đại tá, nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp, nhân chứng lịch sử đã đi qua 2 cuộc kháng chiến, "vũ khí" ông dùng chính là ngòi bút sắc. Ông là cựu phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân đã từng lăn lộn khắp các chiến trường để ghi lại những câu chuyện lịch sử chân thực và hào hùng. Những điều ông chứng kiến, những bài báo ông đã viết, những kí ức về một thời dường như vẫn chưa hề phai mờ. Hiện tại, ông đã 100 tuổi, cùng vợ mình và các con cháu sinh sống tại một căn nhà ở phố Lý Nam Đế (Hà Nội).

Ngồi ở góc vườn xanh mát phố Lý Nam Đế nghe nhân chứng lịch sử 100 tuổi nói về tình yêu - Ảnh 1.

Đôi vợ chồng già trên phố Lý Nam Đế.

Ông Tiếp cũng chính là người đi đưa tin về về cuộc gặp của Bác Hồ với bộ đội Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên phong) tại Đền Hùng vào ngày 19/9/1954. Ông đã đạp xe từ Thái Nguyên tới Phú Thọ và chứng kiến cuộc gặp gỡ đặc biệt ấy. Ông Tiếp vẫn nhớ như in hình ảnh Bác mặc bộ quần áo giản dị, ngồi ở bậc cửa, còn anh em cán bộ ngồi xung quanh. Ông cũng là người ghi lại câu nói nổi tiếng của Bác: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Ngồi ở góc vườn xanh mát phố Lý Nam Đế nghe nhân chứng lịch sử 100 tuổi nói về tình yêu - Ảnh 2.

Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong tại Đền Giếng.

Có thể nói, đến giờ ông là một nhân chứng lịch sử hiếm hoi còn ở lại, bạn bè đồng nghiệp của ông hầu hết đều đã rời cõi tạm. 100 tuổi, dù sức khỏe ông đã yếu đi nhiều, dù người vợ đồng cam cộng khổ của ông trí nhớ đã lẫn, nhưng ông thì vẫn còn minh mẫn và đầy lạc quan. Giọng nói, tiếng cười của ông đều khiến cháu con cảm thấy yên lòng. Con cháu thấy còn ông bà ở đó là như có cây đa, cây đề tỏa bóng mát cho con cháu nương tựa về tinh thần.

Ở góc đời thường khác, cách ông bà đi qua một cuộc hôn nhân cùng nhau cũng khiến con cháu trong gia đình vô cùng ngưỡng mộ. Dù hôm nay người đã 100, người đã 88 tuổi, dù đi cùng nhau từ lúc tóc xanh đến đầu bạc nhưng con cháu luôn chứng kiến một thứ tình cảm vợ chồng gắn kết bình dị. Ai cũng soi vào đó mà như thấy một "tấm gương lứa đôi" để giúp chính mình... không bị lạc đường.

Cuộc hôn nhân bình dị

Qua lời kể của ông và cả của những thế hệ sau thì họ đến với nhau không theo cách ngôn tình hay một tình yêu sét đánh mà là một sự mai mối. Chàng phóng viên bôn ba khắp các chiến trường khi đó 38 tuổi, cuối cùng đã tìm được bến đỗ nơi một cô giáo 26 tuổi.

Mô típ bộ đội - giáo viên hoàn hảo khi xưa đã ghép họ thành một đôi, nhưng chuyện yêu đương của họ thì khá hiện đại và tiên tiến. Họ thành vợ thành chồng mà không cần một đám cưới, chỉ đưa nhau ra UBND phường đăng kí kết hôn. Sau này dù cuộc sống khó khăn vô vàn, dù có lúc người ở chiến trường, người phải bế con đi sơ tán, nhưng cả hai không có một lời than phiền, hay bất cứ một ý định buông tay nào.

Ngồi ở góc vườn xanh mát phố Lý Nam Đế nghe nhân chứng lịch sử 100 tuổi nói về tình yêu - Ảnh 3.

Dù giờ đã đi cùng nhau đến hơn 60 năm hôn nhân, dù đã đồng cam cộng khổ cùng nhau, dù đã thấu hiểu nhau đến độ tri kỷ, nhưng họ đã xây 1 cuộc hôn nhân không ồn ào, chỉ có giản dị và bình yên. Không có những lời thề ước ngôn tình hay cam kết mãi mãi bên nhau, nhưng họ ở đó và cùng nhau đi qua những tháng ngày một cách bình dị và bền lâu.

Con cháu ai cũng luôn thấy ông bà yêu nhau, nhưng nói yêu nhau như thế nào thì rất khó tả...

Là vì cách yêu ấy nhẹ như hơi thở.

Là việc người này không bao giờ có ý định buông tay người kia.

Là cách họ không chấp nhặt về nhược điểm của nhau.

Là sự chiều chuộng dù có khi vô lý.

Một cách bình dị họ ở bên nhau, ấm áp đến mức cháu con không dám gọi là hạnh phúc, chỉ gọi nó là sự bình yên đáng ngưỡng mộ. Bởi đó đích thực là tình yêu, nhưng là thấu hiểu, bao dung và cả những đời thường của cãi vã. Người đàn ông 100 tuổi vẫn mỉm cười mà bảo rằng: "Ông luôn là người làm lành trước, đàn ông làm lành với vợ mình không có đi đâu mà thiệt".

Cô giáo viên xinh đẹp của thanh xuân ngày ấy giờ đã thành một bà lão không còn minh mẫn. Người chồng 100 tuổi vẫn cười vui mà kể về vợ với đầy lòng bao dung: "Bà giờ có lúc ngồi nói linh tinh, khi thì hò hét, khi thì ca hát như trẻ nhỏ, nhưng được cái bà không bao giờ phá phách. Bà nhiều lúc tỉnh, nhưng có lúc người vốn rất thân bà lại coi như thù. Ban ngày bà ngủ, đêm bà thức... nhưng mà già thì chuyện đó là bình thường".

100 tuổi người ta không tả nhau má phấn, môi son, ngọt ngào đắm say nữa, mà rất thật là 1 bà lão ngày ngủ đêm thức và làm những việc có vẻ "kì dị". Nhưng không sao hết, cuộc sống là thế. Chính ông còn chẳng biết ngày nào mình rời đi, thì khó chịu gì với người bạn đời khi già biến thành trẻ con như vợ mình.

Theo lời kể của con cháu ông bà thì bà luôn là một người phụ nữ đảm đang, một người phụ nữ hiền hậu sẵn sàng lo toan gánh vác công việc gia đình, không một lời kêu ca lúc chồng đi công tác vắng nhà.

Bù lại hạnh phúc của ông bà là lúc cả nhà ngồi trên chiếc xe đạp, đứa nhỏ ngồi đằng trước, chồng đạp xe; đứa lớn và vợ ngồi đằng sau. Là lúc ông mang suất cơm ở cơ quan về để cả nhà ăn chung suất cơm có thịt. Là lúc "gói" nhau trong căn phòng 20m2, mà tiêu chí hạnh phúc chỉ là... đủ người. Là tên đứa con đầu lòng đặt là "Trà Hương", kỷ niệm hương thơm Trà Cổ cho chuyến du lịch xa đầu tiên họ ở bên nhau.

Ngồi ở góc vườn xanh mát phố Lý Nam Đế nghe nhân chứng lịch sử 100 tuổi nói về tình yêu - Ảnh 4.

Vợ chồng chồng bà trong đám cưới con cháu.

Dắt nhau lên UBND phường đăng kí kết hôn thế là thành vợ thành chồng, không cần lễ lạt náo nhiệt, chuyện như "vợ nhặt" mà tôn trọng, mà gắn kết, mà đồng cam cộng khổ. Cuối cùng đến lúc đã quá già khi được hỏi nếu được lựa chọn lại vẫn chọn lấy anh này (cô kia) làm chồng (làm vợ).

Có người có hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện hoặc tình tiết để nói về tình yêu. Nhưng có những cặp đôi một đời bên nhau đến lúc gần đất xa trời vẫn không thể "vẽ" được kịch tính cho cuộc đời mình, chỉ có những câu chuyện dung dị và đáng yêu như thế.

Cặp vợ chồng già này chẳng có hàng trăm, hàng nghìn bức thư tay, không có những câu chuyện lãng mạn, không có những lời có cánh để ca tụng về nhau. Nhưng họ bình dị ở bên nhau đến mức con cháu định nghĩa về tình yêu cũng chẳng tô hồng hay vẽ xám.

Cháu con hiểu rằng hôn nhân hạnh phúc là sự tôn trọng và nâng đỡ.

Để người này luôn thấy cần người kia.

Để ở bên nhau đến lúc đầu bạc răng long, ước mơ chỉ là 1 ngày cùng nắm tay nhau rời cõi tạm và mỉm cười rằng không ai bỏ ai để là người ra đi trước!

Photo: Dz.photography

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Xnumx Amino: Giải pháp hỗ trợ phục hồi toàn diện cho phụ nữ sau sinh

(Tổ Quốc) - Phụ nữ sau sinh cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để phục hồi sức khỏe và tái tạo năng lượng sau khi trải qua giai đoạn đầy khó khăn của quá trình sinh nở. Việc bổ sung các acid amin thiết yếu là vô cùng quan trọng. Xnumx Amino là giải pháp giúp phụ nữ sau sinh phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng và hiệu quả.