Nhà vô địch và nỗi sợ sấm sét
Giành 5 tấm huy chương vàng ở hai kỳ SEA Games gần nhất, Cao Thị Duyên sau khi rời khỏi bục nhận huy chương cho đến hiện tại vẫn "chưa quen" với sự quan tâm của người thân, người hâm mộ và giới truyền thông.
"Chắc em phải cố gắng khoảng 2 tháng để tĩnh tâm và nỗ lực vì mục tiêu tiếp theo" – Cao Thị Duyên chia sẻ.
Đằng sau ánh hào quang, Cao Thị Duyên cũng có những niềm vui như nhiều Gen Z khác là chơi game, nghe nhạc,… nhưng mọi ưu tiên lúc này đều dành cho tập luyện và thi đấu. Thậm chí, số lần về nhà của cô gái xứ Thanh cũng rất ít ỏi khi trung bình 2 tháng lại tham gia một giải đấu, chưa kể những chuyến tập huấn ở xa khiến việc về nhà càng trở nên ít ỏi hơn.
Ngay cả khi trở về từ SEA Games 32 với 5 tấm huy chương (3 vàng, 2 bạc), Cao Thị Duyên bộc bạch chưa có thời gian để "mở tiệc" cảm ơn những lời chúc từ người thân: "Em chưa có thời gian vì còn có việc nên phải đi luôn, thông báo gia đình đừng làm gì cả vì giờ con chưa thể về cảm ơn lời chúc của gia đình, chưa ăn mừng được. Đợi xong công việc đã rồi về mình làm sau".
Việc xa gia đình từ năm lên 9 tuổi để tham gia đội bơi của tỉnh đã tôi luyện nên sự mạnh mẽ, quyết đoán của Cao Thị Duyên. Chỉ sau 3-4 tháng, cô bé "mít ướt" ngày nào rời vòng tay mẹ đã tập làm quen với việc tự chăm sóc cho bản thân, biết "giấu" cả những cảm xúc cho riêng mình không để gia đình lo lắng.
"Có việc gì quan trọng thì gia đình sẽ giấu em. Như đợt vừa rồi em đi thi thì bác mất, mọi người giấu, cả đợt ông ngoại mất, gia đình cũng giấu em. Khi bản thân có vấn đề, đau ốm thì em cũng tự lo, không nói cho bố mẹ biết. Khi nào có kết quả, em mới báo cho bố mẹ, còn trước đấy không nói vì sợ gia đình lo lắng" – Cao Thị Duyên chia sẻ.
Mạnh mẽ là thế nhưng ai cũng có nỗi sợ của riêng mình, những ký ức về thời khó khăn tấm bé khiến Cao Thị Duyên có nỗi sợ đặc biệt với sấm sét: "Có thể do từ nhỏ chỉ có 3 mẹ con ở nhà, bố đi làm xa trang trải gia đình. Những lúc trời mưa gió lớn, sấm chớp rất to còn mất điện, 3 mẹ con ôm nhau ở một góc trong căn nhà nhỏ tí xíu. Sấm chớp, gió mưa khi ấy rất đáng sợ, nhất là khi gió quật vào nhà".
"Cũng có lần em đang bơi gặp sấm chớp. Gần đây nhất là lần ở TP Hồ Chí Minh, sấm chớp to, em hoảng quá, đang bơi trèo lên bờ rồi khóc luôn. Khi ấy đang tập, sấm chớp đánh sáng cả hồ bơi, người em cứ run rẩy rồi khóc không ngừng, thầy phải cho nghỉ hôm đó".
Những tấm huy chương "đem cho"
Không thường xuyên về nhưng Cao Thị Duyên vẫn có một góc cho riêng mình ở căn nhà đơn sơ tại huyện miền núi Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Bức tường gạch mộc là nơi Cao Thị Duyên treo đầy ắp những tấm huy chương từ cấp tỉnh, cấp quốc gia hay xa hơn là cấp châu lục.
"Bộ sưu tập" của Cao Thị Duyên không thực sự trọn vẹn bởi chính chủ nhân cũng không nhớ nổi đã cho đi bao nhiêu tấm huy chương. Sau mỗi lần giành được thành tích nào đó, những "đàn em" ở đội vừa chúc mừng, vừa… xin những tấm huy chương để cầu may, để làm động lực như cách đàn chị từng bước tiến đến bục hát quốc ca tại SEA Games.
Có những tấm huy chương, Cao Thị Duyên sẵn sàng tặng lại lớp đàn em nhưng với những tấm huy chương mang ý nghĩa đặc biệt, cô giữ lại cho riêng mình: "Một trong số đó là tấm huy chương vàng cuối cùng em giành được tại SEA Games lần này, sự cạnh tranh với các VĐV Indonesia rất gắt gao. Trước đó, em đã thua VĐV Indonesia ở cự ly 50 mét cá nhân".
"Cự ly sau này cũng là bơi 50 mét nhưng tiếp sức. Em là người bơi cuối cùng và giành chiến thắng. Bơi 50 mét thì chênh 5-10 phần trăm giây là người về nhất, người về nhì nên lúc tranh đua với nhau, thua rồi mà lần sau thắng lại nên em rất vui khi đổi từ quốc ca của Indonesia sang quốc ca Việt Nam trên bục nhận huy chương".
Con đường đến với những tấm huy chương của Cao Thị Duyên không hề bằng phẳng. 9 tuổi xa gia đình, đến năm 14 tuổi, căn bệnh viêm gan B khiến cô gái xứ Mường gặp khó trong việc tiếp tục theo đuổi môn bơi. HLV Phạm Tuấn Anh khi đó là người đã gợi ý Cao Thị Duyên đeo thử chân vịt của môn lặn để rồi chỉ hai tháng sau khi chuyển môn, những tấm huy chương đầu tiên đã đến (2 HCV, 1 HCB, phá 2 kỷ lục nhóm tuổi tại giải vô địch lặn các nhóm tuổi quốc gia 2015).
Cao Thị Duyên thừa nhận có lẽ lúc ấy còn nhỏ nên không suy nghĩ nhiều, việc chuyển môn được quyết định rất nhanh chóng. Ngay cả khi xa nhà để lên đội tỉnh tập trung khi chưa đầy 10 tuổi, cô bé Duyên khi ấy cũng không nghĩ nhiều, chỉ nghĩ "được đi thì cứ đi thôi". Đến lúc này khi nghiệm lại, Cao Thị Duyên thầm cảm ơn vì quyết định khi ấy, rằng "đi rồi mình mới có thể tiến lên".
Một nỗi ám ảnh khác từ tấm bé mà Cao Thị Duyên phải vượt qua để đến với thành công là chứng say xe: "Bẩm sinh đã thế rồi, cứ trèo lên xe là em 'ngất ngây'. Tất cả những cách truyền miệng, không truyền miệng hay cả thuốc em đều thử rồi nhưng không hết. Do mùi điều hòa là chính, mùi của xe là chính, em sợ cảm giác đấy, cứ lên xe là người nhũn cả ra".
"Khi xuống xe phải 1 giờ sau mới đỡ lâng lâng nhưng vẫn mệt, cảm giác bị giảm sức. Không nôn thì còn đỡ, nếu nôn thì sẽ mệt. Một phần bị tâm lý nữa, bây giờ em cũng bớt hơn rồi nhưng cứ trèo lên xe là người như lên mây".
Ở tuổi 22, Cao Thị Duyên chưa nghĩ xa đến chuyện tương lai khi chỉ biết rằng nếu một ngày nào đó nghỉ thi đấu, con đường kế tiếp sẽ là làm huấn luyện viên để dìu dắt thế hệ sau. Còn ngắn hạn? Cao Thị Duyên mong muốn có thể sửa sang lại căn nhà hiện tại cho khang trang hơn.
"Khi có cơ hội làm ngôi nhà mới khang trang hơn, em sẽ dành cho mình 1 chỗ riêng để huy chương" – Chủ nhân của 3 tấm huy chương vàng SEA Games 32, Cao Thị Duyên bộc bạch.