Nhà thầu TQ dùng gói thầu giá rẻ, đánh bật nhiều đối thủ châu Âu: Dự án là cánh cửa quan trọng để Bắc Kinh vào thị trường EU

An An | 12-05-2020 - 18:58 PM

(Tổ Quốc) - Tuy nhiên, các công ty châu Âu đã nghi ngờ tính minh bạch trong quá trình đấu thầu và đệ đơn kiện nhà thầu Trung Quốc.

Năm 2017, Quỹ chính sách liên kết EU của Croatia đã phân bổ 357 triệu euro cho dự án cầu Pelješac, chiếm 85% chi phí của cây cầu. Vào tháng 1/2018, liên danh do Tập đoàn cầu đường Trung Quốc CRBC dẫn đầu đã thắng thầu dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất tại Croatia.

Cầu Pelješac nối liền thành phố Dubrovnik, danh thắng du lịch cực nam của Croatia, với bờ biển miền Bắc. Hiện tại, hành lang Neum, nối đôi bời với chiều dài 12 km này thuộc về nước láng giềng Bosnia và Herzegovina. 

Như vậy, cầu Pelješac sẽ đi qua lãnh thổ Bosnia và Herzegovina, đồng thời kết nối lục địa Croatia với bán đảo Pelješac để cải thiện dòng chảy hàng hóa và con người giữa hai nơi, từ đó tăng cường sự gắn kết lãnh thổ quốc gia. Đây là một bước đi quan trọng của Croatia kể từ khi trở thành thành viên của Liên minh châu Âu vào năm 2013 và hy vọng sẽ gia nhập khu vực Schengen càng sớm càng tốt.

Đối với Trung Quốc, cây cầu này cũng là một dự án kiểu mẫu, đánh dấu lần đầu tiên một công ty Trung Quốc trúng thầu dự án cơ sở hạ tầng của EU.

"Đối với Trung Quốc, dự án cầu Pelješac là một trường hợp thành công của sáng kiến Vành đai và Con đường", bà Lucrezia Poggetti, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Đức) nói. "Nhưng đã có tranh cãi về việc thắng thầu, bởi vì một số công ty châu Âu cũng tham gia đấu thầu, nhưng cuối cùng họ đã thua một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc với giá thầu thấp hơn".

Nhà thầu TQ dùng gói thầu giá rẻ, đánh bật nhiều đối thủ châu Âu: Dự án là cánh cửa quan trọng để Bắc Kinh vào thị trường EU - Ảnh 1.

Cầu Pelješac nối lục địa Croatia với bán đảo Pelješac.

Tranh cãi và khởi kiện

Công ty Strabag của Áo, đơn vị cũng tham gia đấu thầu, cáo buộc nhà thầu hiện tại của dự án đã phá giá.

"Vào ngày 23/1/2018, chúng tôi đã đệ đơn khiếu nại về việc đấu thầu thành công cầu Pelješac. Ngoài hai lý do khiếu nại chính, chúng tôi cũng chỉ ra một số hạng mục trong danh sách giá niêm yết của CRBC là quá thấp. Chúng tôi nhấn mạnh, căn cứ theo pháp luật của Liên minh châu Âu [...], các nhà chức trách có nghĩa vụ hoài nghi về mức giá quá thấp [...]", bà Marianne Jakl, thuộc bộ phận quan hệ đầu tư và truyền thông của Strabag chia sẻ với Financial Times (FT-Anh). 

Tuy nhiên, Ủy ban giám sát mua sắm công quốc gia Croatia đã bác bỏ khiếu nại của họ và Strabag sau đó đã đệ đơn kiện lên tòa án hành chính của thủ đô Zagreb. Hiện nay, vụ án vẫn đang trong quá trình thẩm tra.

"Yêu cầu về lệnh đình chỉ tạm thời đã bị từ chối ngay sau khi đơn kiện được đệ trình. Chúng tôi đã kháng cáo lên Ủy ban châu Âu nhưng [hồ sơ vụ án] lại được chuyển về tòa án địa phương", bà Jakl nói.

Liên danh của công ty Ý Astaldi và công ty Thổ Nhĩ Kỳ CT Ictas cũng đã đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban giám sát mua sắm công quốc gia Croatia. Hai công ty cũng tham gia đấu thầu nhưng đã bị loại từ vòng ngoài do cung cấp thông tin bảo lãnh ngân hàng không hợp lệ. Khiếu nại của họ cũng bị từ chối.

Không tính thuế giá trị gia tăng, giá thầu của CRBC là thấp nhất, ở mức 279 triệu euro, trong khi Strabag và Astaldi lần lượt ra giá 351 triệu euro và 343 triệu euro.

Theo FT, mặc dù một số người lo ngại rằng giá thầu thấp của nhà thầu Trung Quốc sẽ được chuyển thành chi phí môi trường cao nhưng kể từ khi bắt đầu xây dựng vào tháng 1/2019, dự án chưa tìm thấy bất kỳ sai phạm nào. 

Vjeran Piršić, Giám đốc tổ chức môi trường Eko Kvarner Croatia, cho biết những hộ nuôi hàu ở vịnh Ston, phía Nam cây cầu, đã lo lắng rằng việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước. "Nhưng cho đến nay, sự lo lắng đã không xảy ra", ông nói. Một trong những tổ chức môi trường tích cực nhất của Croatia, Zelena Akcija (Chiến dịch xanh), đã xác nhận với FT rằng, họ không tìm thấy bất kỳ vi phạm môi trường liên quan đến xây dựng cầu.

Nhà thầu TQ dùng gói thầu giá rẻ, đánh bật nhiều đối thủ châu Âu: Dự án là cánh cửa quan trọng để Bắc Kinh vào thị trường EU - Ảnh 2.

Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2022. Ảnh: Alamy

Cửa vào thị trường EU

Theo FT, tốc độ xây dựng hiệu quả và nhanh chóng của CRBC được khen ngợi rộng rãi ở Croatia. Các thành phần cầu được đúc sẵn tại Trung Quốc và lắp ráp tại chỗ. 

"Các trụ cầu cao gần 129 mét và nặng 230 tấn. Hệ thống cần cẩu nổi được sử dụng để lắp đặt và cố định trụ cầu dưới đáy biển có quy mô lớn nhất thế giới", Jeroslav Šegedin, kỹ sư trưởng, phụ trách giám sát dự án cho biết.

Ông nhận xét rằng "không có công ty châu Âu nào có thể hoàn thành một dự án tương đương trong một khoảng thời gian ngắn như vậy". 

Siniša Malus, phụ trách truyền thông của Hiệp hội doanh nghiệp Đông Nam Âu và Trung Quốc (CSEBA) tại Zagreb cho rằng, mục đích của Trung Quốc trong dự án không phải vì lợi nhuận mà là để bước vào thị trường EU. "Họ muốn chứng minh khả năng của mình", ông tiết lộ, CSEBA đã giúp nhà thầu Trung Quốc chuẩn bị các tài liệu đấu thầu.

Do đó, có ý kiến cho rằng, trong quá trình đấu thầu trong tương lai của các công ty lớn của Trung Quốc, đặc biệt là đấu thầu ở châu Âu, sự hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ địa phương có thể rất quan trọng để giành được hợp đồng.

Matt Ferchen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc toàn cầu tại Viện Trung Quốc Mercator, giải thích rằng theo như ông biết, nhiều dự án "không hoạt động tốt vì dù ở cấp độ pháp lý, quan hệ công chúng, hoặc đánh giá tác động môi trường, phía Trung Quốc đều không muốn hợp tác với các đối tác có năng lực bản địa".

"Tuy nhiên, gần đây, chúng tôi đã thấy nhiều công ty Trung Quốc sẵn sàng dành nhiều công sức  đi tìm hiểu tình hình, môi trường pháp lý và mối quan tâm, lợi ích của cộng đồng địa phương", ông này nói.

Sau khi đấu thầu thành công dự án cầu Pelješac, nhiều công ty Trung Quốc cũng thể hiện sự quan tâm đến một số dự án khác của Croatia, như xây dựng và nâng cấp đường sắt, thu mua các tập đoàn khách sạn và chuyển nhượng kinh doanh một nhà ga hàng hóa ở Rijeka - cảng lớn nhất của Croatia v.v. 

Cho đến nay, các khoản đầu tư này chưa bước vào giai đoạn thực chất và các hoạt động kinh doanh tại Croatia cũng bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch dịch Covid-19. Tuy nhiên, công ty quản lý đường bộ thuộc sở hữu nhà nước Hrvatske Ceste xác nhận rằng cuộc khủng hoảng toàn cầu này không ngăn được việc xây dựng cầu Pelješac. Cây cầu vẫn sẽ được hoàn thành như dự kiến ​​vào tháng 2/2022.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM