Sau cơn sốt mua khẩu trang, nước sát khuẩn, nhiều người lại đổ xô mua Vitamin C để tăng cường sức đề kháng mùa dịch. Chia sẻ về các biện pháp tăng sức đề kháng mùa dịch trên tọa đàm trực tuyến do VnExpress tổ chức mới đây, BS chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp - nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM - nhấn mạnh: "Nhiều khi chúng ta hiểu lầm, cứ tưởng dùng Vitamin C thì đề kháng tăng lên. Chúng ta không thể nào sử dụng một chất để nâng cao sức đề kháng".
Chúng tôi xin tóm lược các biện pháp tăng cường sức đề kháng mùa dịch dưới đây:
Cơ chế phòng vệ của cơ thể hoạt động thế nào khi tác nhân gây bệnh tấn công?
Cấu trúc của một virus corona chủng mới. Ảnh: Getty.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Nội Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I - TPHCM cho biết: Các tác nhân tấn công vào cơ thể không gây bệnh liền, mà phụ thuộc vào việc cơ thể có bao nhiêu kháng thể, kháng thể ấy có "chéo" được tác nhân gây bệnh đấy không, nếu có sẽ "bắt" lại liền, hoặc tác nhân gây bệnh với lượng ít thì bạch cầu sẽ bao vây và đẩy ra khỏi cơ thể.
Nhưng bạch cầu yếu, kháng thể không đủ do sinh hoạt và ăn uống không khoa học thì tác nhân gây bệnh khi tấn công sẽ đi thẳng vào cơ thể.
Dinh dưỡng có phải phương án quan trọng nâng cao sức đề kháng trong mùa dịch Covid-19?
BS chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết: Một trong những phương án để phòng dịch mới đây có nhắc đến là dinh dưỡng. Nhưng nói đây là phương án quan trọng hay quan trọng nhất thì cũng cần lưu ý không có phương án quan trọng nhất, mà tất cả các giải pháp phải kết hợp đồng bộ với nhau.
BS chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp - nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM. Ảnh cắt từ clip tọa đàm.
Còn nói về dinh dưỡng, trước tiên hiểu là chúng ta hàng ngày sống, hoạt động, và cơ thể phải chống chọi được với các tác nhân gây bệnh. Muốn được như vậy thì cơ thể phải có đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cung cấp cho các tế bào hoạt động. Các tế bào bạch cầu hay tế bào tạo ra các kháng thể, tế bào da, tế bào niêm mạc ở đường hô hấp làm hàng rào bảo vệ về mặt vật lý cho cơ thể, chống lại các tác nhân gây bệnh… cũng cần được nuôi dưỡng.
Dinh dưỡng sẽ đóng các vai trò:
- Cung cấp năng lượng;
- Cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể;
- Cung cấp nguyên liệu để cho các hệ thống cơ quan trong cơ thể liên quan tới các hoạt động miễn dịch hoạt động tốt hơn.
Về mặt nguyên tắc, dinh dưỡng có thể hỗ trợ nâng cao sức đề kháng hay không? Chắc chắn có, nhưng phải thông qua một giải pháp tổng thể.
Giải pháp dinh dưỡng tổng thể là gì?
Giải pháp dinh dưỡng tổng thể bao gồm: Cung cấp đủ năng lượng, cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, ưu tiên đủ chất đạm, đủ bột - đường và không quá nhiều chất béo.
Đồng thời phải tập trung vào nhóm quan trọng nhất là các vitamin có vai trò hỗ trợ cho các tế bào miễn dịch hoạt động được tốt hơn, bao gồm Vitamin A, D, E và C. Ngoài ra có một số nhóm vitamin nhóm B trong một số đối tượng cụ thể sẽ hỗ trợ tốt hơn.
Bên cạnh đó, chúng tôi làm dinh dưỡng nên cũng muốn chia sẻ một tổ hợp khoáng chất bao gồm sắt, kẽm, selen là một tổ hợp chất khoáng có vai trò tốt hơn với hệ thống miễn dịch.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý đến các probiotic.
Chúng ta phải có một giải pháp tổng thể về mặt dinh dưỡng chứ không thể sử dụng một sản phẩm hoặc một chất dinh dưỡng nào đó mà chúng ta tin tưởng rằng sẽ làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể tốt hơn.
Có phải dùng Vitamin C là tăng được sức đề kháng?
Không. Chúng ta không thể nào sử dụng một chất để nâng cao sức đề kháng.
Uống các viên Vitamin C bổ sung để nâng cao sức đề kháng, chống lại được nCoV là không có bằng chứng
Vitamin C phải hỗ trợ đồng bộ với các vitamin và dinh dưỡng khác thì mới nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Chúng ta cũng nhớ là ngay bây giờ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến nghị thế này: "Uống các viên Vitamin C bổ sung để nâng cao sức đề kháng, chống lại được nCoV là không có bằng chứng. Không có bằng chứng khoa học thì chúng ta đừng làm quá mức. Chúng tôi khuyến nghị không nên mua các viên Vitamin C liều cao. Đấy là thuốc, đã là thuốc thì nên để các bác sỹ chỉ định trong các trường hợp cụ thể".
Đối chiếu vào các bữa ăn hàng ngày, chúng ta nên lựa chọn thực phẩm thế nào để tăng sức đề kháng?
Nguyên lý đầu tiên là lựa chọn đầy đủ 5 nhóm thực phẩm.
- Nhóm 1 - Thực phẩm cung cấp đạm: Là nhóm thực phẩm quan trọng nhất. Chúng ta nên chọn đạm động vật, vì đạm động vật sẽ cung cấp nhiều axit amin thiết yếu, là nguyên liệu tạo ra kháng thể.
- Nhóm 2 - Thực phẩm cung cấp chất bột, đường: Ngoài cơm còn có các loại ngũ cốc khác như khoai, nui, mỳ, miến phở...
- Nhóm 3 - Thực phẩm cung cấp chất béo: Không thể thiếu. Chúng tôi khuyến nghị nên sử dụng các loại hạt có dầu. Vì không chỉ cung cấp chất béo, các loại hạt này còn cung cấp thêm kẽm và selen - như đã nhắc đến ở trên, những khoáng chất này giúp hệ thống miễn dịch hoạt động được tốt hơn.
- Ngay trong khuyến nghị của WHO muốn nâng cao sức khỏe trong bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt trong hoàn cảnh phòng chống dịch bệnh, phải ăn đủ Rau và Trái cây - đó là Nhóm thực phẩm 4 và 5.
Ngày nào cũng phải bổ sung đầy đủ 5 nhóm này.
Ngoài ra, còn một nhóm rất quan trọng là sữa và các sản phẩm từ sữa. Lựa chọn thế nào thì phải tùy đối tượng. Các loại sữa đã được lên men, có probiotic thì sẽ hỗ trợ tăng sức đề kháng.
Khi tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, hiệu quả đề kháng của cơ thể sẽ đến đâu?
BS Khanh cho biết: Không thể đo đạc một cách chính xác sức đề kháng của một người, bởi sức đề kháng tồn tại trong từng người phụ thuộc vào việc người đó ở lứa tuổi nào, đang phát triển hay đã bắt đầu ở giai đoạn lớn tuổi. Tất cả sẽ phụ thuộc vào tế bào, mà tế bào muốn tăng được sức đề kháng, ngoài nguồn cung cấp dinh dưỡng phải tương đối trẻ, được hỗ trợ bởi thói quen của bản thân.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Nội Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I - TPHCM. Ảnh: VnExpress.
Ví như thức suốt ngày suốt đêm, không chịu uống nước hay vận động ở ngoài một cách quá sức thì làm sao dinh dưỡng vào trong cơ thể mình tạo sức đề kháng được!
Vậy cụ thể ngoài dinh dưỡng, còn các tác nhân nào hỗ trợ tăng sức đề kháng của cơ thể?
Để tăng sức đề kháng cần:
1 - Dinh dưỡng: Đã nhắc tới rất nhiều ở trên
2 - Nước: Làm sao cơ thể phải đủ nước. Khi sốt, cơ thể mất nước phải bổ sung nhiều hơn.
3 - Giấc ngủ: Phải ngủ "đàng hoàng".
Giấc ngủ từ 9h30 tối tới 3 giờ sáng rất quan trọng, vì thời gian đó bạch cầu cũng ngủ
Giấc ngủ từ 9h30 tối tới 3 giờ sáng rất quan trọng, vì thời gian đó bạch cầu cũng ngủ. Không được ngủ nó yếu lắm. Nó yếu thì lúc tác nhân gây bệnh tấn công thì không thể bám vào được để đẩy ra khỏi cơ thể.
3 yếu tố đó là cái chính. Ngoài ra, chúng ta cũng phải tập luyện.
"Sức đề kháng phải bàn là một hằng định, chứ không phải giờ có dịch thì mới để ý. Hy vọng sau đợt dịch này mọi người cũng nên tìm hiểu về sức đề kháng, chứ qua dịch lại quên đi và quay lại thói quen dinh dưỡng và sinh hoạt như cũ thì sức đề kháng lại quay trở lại vạch xuất phát", BS Khanh nhấn mạnh.