Trong cuộc sống gia đình, có không ít phụ nữ theo đuổi quan điểm hôn nhân truyền thống. Đó là khi họ coi chuyện "thêm một việc không bằng bớt một việc", "việc lớn hóa thành việc nhỏ"... Nếu như ngày xưa, đó là kim chỉ nam cho phụ nữ trong hôn nhân thì bây giờ nó hoàn toàn không phù hợp nữa.
01
Vân từng là một người thích sống theo những khuôn mẫu cổ hủ. Cô sinh ra trong một gia đình có bố khá gia trưởng, mẹ luôn cam chịu nên tư tưởng của Vân cũng như vậy. Có chuyện gì xảy đến Vân cũng đề cao sự nhịn nhục, không phản kháng vì muốn gia đình ấm êm. Nói là không phản kháng và nhịn nhục nhưng thực tế cô cũng có những uất ức nhất định, chỉ là sự uất ức đó không bộc lộ ra mà thôi.
Minh chồng của Vân là một người đàn ông vô cùng gia trưởng, xấu tính, sĩ diện hão và coi thường vợ. Khi yêu nhau Vân chưa nhận ra điều này nhưng khi cưới về, chỉ vài tháng sau hôn nhân cô đã thấy vấn đề.
Gia đình Minh chỉ có hai mẹ con, mẹ anh cũng sống cùng nhà với hai vợ chồng. Có chồng không biết cảm thông, mẹ chồng khó tính càng khiến Vân khó khăn hơn trong cuộc sống.
Minh thường xuyên ép buộc vợ phải làm những điều cô không thích. Quan điểm của anh ta là phụ nữ cưới về để phục vụ nhà chồng. Tuy nhiên, dù phục vụ nhà chồng nhưng các bà vợ vẫn phải "giỏi việc nước, đảm việc nhà" và biết kiếm tiền.
Mặt khác, Minh biết Vân không dám ly hôn, dù sao cũng nhẫn nhục để chịu nên hành xử càng quá đáng. Sự chịu đựng và im lặng của Vân càng khiến anh ta vô tâm nhiều hơn.
Đôi lúc, sự im lặng của phụ nữ khiến họ gặp khổ sở trong cuộc sống. Chẳng ai thông cảm cho những chịu đựng và nhẫn nhục ấy cả, nếu chuyện này tồn tại lâu dài thì sẽ là một sự tra tấn đau khổ vô cùng.
02
Một cuộc hôn nhân mà người chồng như kẻ thống trị, vợ như thần dân phục tùng thì chẳng bao giờ hạnh phúc được. Minh và mẹ mình quá đáng trong chuyện đối xử với Vân rất nhiều việc. Dần dần, Vân cũng có những phản kháng nhất định nhưng đổi lại, cô nhận về đòn roi.
Minh biết rõ bố của Vân gia trưởng, không bao giờ chấp nhận con gái bỏ chồng nên mặc sức hành hạ cô. Từ một người đàn ông trông có vẻ tử tế, Minh vũ phu, đánh vợ không tiếc tay.
Một lần Minh mang tiền tiết kiệm cho bạn vay mà không nói qua với Vân, cô liền ý kiến. Người đàn ông lao vào đánh vợ chẳng thương tiếc cùng lời nói khiến Vân chết lặng: "Cô chẳng có giá trị gì trong cái nhà này, phụ nữ biết gì mà nói".
Mẹ Minh còn đứng bên cạnh chửi bới, coi con dâu quá phận, dám ý kiến về việc làm của chồng. Quá mức bức xúc, Vân quyết định ly hôn, bất chấp tất cả.
Bố Vân gia trưởng nhưng may mắn ông cũng biết thương con gái. Sau khi thấy Vân quá khổ sở cũng đồng ý việc cô ly hôn. Vân quyết định dọn về nhà mình.
Chồng và mẹ chồng biết chuyện đã lồng lộn lên. Mẹ chồng cô chất vấn một cách giận dữ trong lúc Vân xếp đồ:
"Cô có hiểu vai trò làm vợ của phụ nữ không. Khi hôn nhân có vấn đề thì nên giải quyết, đụng tí là ly hôn. Phụ nữ chẳng phải lúc nào cũng nên phò tá chồng hay sao?".
Đến lúc này, Vân không chịu nổi nữa, cô không sợ hãi gì cả và đáp lại: "Con vẫn còn trẻ, chẳng có tội gì phải lãng phí thanh xuân vào một người đàn ông tệ hại như con trai mẹ. Con sẽ ly hôn. Con trai mẹ thì mẹ tiếp tục nuôi dạy, con ở đây để bị hành hạ hay sao?".
Một khi người phụ nữ không còn gì để mất thì có thể làm ra những chuyện chẳng ai ngờ được. Hành động quyết liệt của Vân cũng nói lên một điều rằng những quan điểm hôn nhân cổ hủ lạc hậu và vô lý thì không nhất nhất phải nghe theo.
03
Ly hôn trong quan niệm của nhiều người có nghĩa là làm một chuyện để khiến cho hôn nhân không trọn vẹn. Đồng nghĩa với việc không bảo vệ gia đình, bảo vệ tổ ấm. Điều này không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức trong quan điểm của họ.
Tuy nhiên, giới trẻ bây giờ liệu có nhất thiết phải tuân theo quan niệm xưa cũ ấy. Nó chỉ phù hợp với những người phải dựa vào đàn ông để sống, không tự chủ.
Nhưng bây giờ thời thế rất khác biệt, phụ nữ đừng lên lãng phí tuổi thanh xuân của mình vào những điều không còn giá trị. Cố gắng, nhịn nhục bảo vệ gia đình không hạnh phúc chẳng là gì so với tình cảm, tương lai của mình.
Nếu như phụ nữ cố chấp nhẫn nhục, chịu biết bao đau đớn về thể xác lẫn tinh thần để giữ lấy cái gọi là hôn nhân, bảo toàn cho tổ ấm luôn vận hành dù chẳng có chút vui vẻ, hạnh phúc thì tốt nhất nên giải thoát cho mình.
Như tình yêu, hôn nhân cũng "hết hạn sử dụng". Khi mà hai bên đối đãi với nhau chẳng còn là tình thương yêu, muốn đùm bọc, đồng hành nữa thì đó là lúc cuộc hôn nhân ấy đã đi đến cuối cùng thật rồi.
Phụ nữ suy cho cùng đừng mù quáng, nén đau để cố gắng níu kéo một điều tồi tệ. Khi người đàn ông đã đối xử với bạn chẳng ra gì thì dù cố gắng đến mức nào đi chăng nữa, tình cảnh của cả hai cũng chẳng thể thay đổi được nữa đâu.
Phụ nữ đừng ngại ly hôn, đừng im lặng nhịn nhục, hãy mạnh mẽ hơn nếu như những bất công đang dần đổ ập về phía mình.