Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, năm 2021, Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.
Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kết cả năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua.
Trong bối cảnh đó, theo Sách Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD năm 2021.
Tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.
Báo cáo dự báo năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 16,4 tỷ USD. Ước tính số lượng người dùng mua sắm trực tuyến (triệu người) năm 2022 đạt 57 - 60 triệu người.
Trong đó, giá trị mua sắm trực tuyến của một người Việt Nam vào khoảng 260 - 285 USD (tương đương 6,1 - 6,6 triệu đồng).
Theo khảo sát, loại hàng hóa được mua sắm trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (69%). Xếp thứ 2 là thiết bị đồ dùng gia đình (64%), xếp thứ 3 là đồ công nghệ và điện tử (51%), sách, văn phòng phẩm, hoa, quà tặng xếp thứ 4 (50%) và xếp thứ 5 là thực phẩm (44%).
Khảo sát giá trị hàng hóa mua sắm trực tuyến của một người trong năm cho thấy, đơn hàng dưới 2 triệu chiếm 25%, từ 2 - 5 triệu chiếm 32%, từ 5-10 triệu chiếm 19% và trên 10 triệu đồng chiếm 24%.