Câu chuyện số 1
Kể từ khi tốt nghiệp Đại học và bắt đầu cuộc sống tự lập, tôi vốn nghĩ bản thân luôn rất thoải mái với cuộc sống một mình. Giống như nhiều người trẻ khác ở quãng tư cuộc đời, tôi có một công việc ổn định với nguồn thu nhập đủ cho chính mình. Ban ngày đi làm, buổi tối đi tập gym hoặc hẹn hò bạn bè, đêm về đọc sách, xem phim.
Cho tới 72 tiếng trước, quỹ đạo ấy vẫn làm tôi thấy mãn nguyện và thư thái. Nhưng rồi lệnh cách ly toàn xã hội được công bố, phòng tập gym, hàng quán, rạp chiếu phim đóng cửa. Tôi bị nhốt lại trong căn phòng của chính mình.
Và tôi chợt nhận ra, hình như mình không thích ở nhà, cũng chẳng dễ "tự vui" như mình vẫn nghĩ. Những cuốn sách không còn đủ thú vị, những bộ phim không còn đủ sức hút vì cả ngày bản thân chưa được gặp gỡ ai, cũng chẳng có giọt cà phê nào tiếp sức cho tinh thần.
Câu chuyện số 2
4 ngày trước, một người bạn của tôi đang sống tại Sài Gòn kể rằng: "Tao cảm thấy không chịu nổi nữa, ở nhà một ngày thì còn vui, chứ ở nhà liền một tuần và không có việc, thấy... muốn phát điên."
Bạn tôi sống trong một căn phòng vẻn vẹn 10 mét vuông. Theo quan điểm của nó, chỗ ở không cần quá rộng, cũng chẳng cần tốn công sức và tiền bạc trang trí vì "mình cũng chỉ cần chỗ ngủ và chỗ để đồ chứ có cần gì hơn. Đầu tư cho quần áo và chuyện vui chơi, giải trí, tao thấy bổ ích hơn."
Bây giờ, ngay trong những ngày này, khi khoảng thời gian ở nhà chiếm đến 90% và công việc đang bị ngừng vô thời hạn, tôi không biết liệu bạn mình còn nghĩ như vậy không.
Câu chuyện số 3
Cũng tại "thành phố không bao giờ ngủ" ấy, một người anh khác của tôi đang sống chung với bạn gái và chuẩn bị kết hôn vào cuối năm nay đã thú nhận: Khoảng thời gian cách ly khiến anh nhận ra bản thân chưa sẵn sàng cho chuyện lập gia đình. Bởi hôn nhân đặt lên vai người đàn ông trách nhiệm là trụ cột về cả mặt kinh tế lẫn tinh thần cho đối phương.
Với chức vụ Trưởng phòng Kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu, chí ít anh cũng chưa từng nghĩ bản thân sẽ phải lo chuyện không thể đóng được tiền nhà trong 3 tháng tới. Còn chị, vợ sắp cưới của anh cũng đang mất ăn mất ngủ vì hơn một tháng nay chị không đã ở nhà, do công ty du lịch mà chị đang làm đang tạm nghỉ vì không có tour.
Khi cả hai cùng rơi vào trạng thái khủng hoảng về mọi mặt, việc nhìn nhau hàng ngày, theo như anh chia sẻ, chỉ càng thấy áp lực và mệt mỏi thêm.
Có lẽ những người trẻ như tôi, như anh hoặc cô nàng "party girl" phía trên, ít nhiều đều đã từng tự tin nghĩ rằng mình đã làm chủ được cuộc sống và đời sống tinh thần của mình, mà chẳng cần phụ thuộc vào ai.
Điều đó có thể đúng! Chúng tôi không phụ thuộc nhiều vào những người xung quanh, nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào những thứ khác trong việc tạo ra niềm vui cho cuộc sống của mình.
Khi hàng quán không còn mở, khi chúng ta chẳng có nơi nào để hẹn hò, những bộ đồ lộng lẫy bỗng trở nên vô nghĩa.
Khi tình yêu mà bạn tưởng rằng không gì chia cách nổi bất chợt trở nên bí bức chỉ vì chuyện kinh tế khiến bạn cảm thấy tương lai chung không được đảm bảo, bạn mới nhận ra tình yêu không hề vô điều kiện như bạn vẫn tin.
Và tôi vẫn nghĩ việc hoạt động thể chất giúp tinh thần tốt lên, vậy là mình đã làm chủ được tâm trạng, cảm xúc của mình, mà không nhận ra bản thân đang phụ thuộc vào cái gọi là "phòng tập gym" - nơi có đủ trang thiết bị, có nhạc, có huấn luyện viên. Nếu không có những thứ đó, khi ngồi ở nhà, tôi hoàn toàn chẳng biết nên bắt đầu khởi động từ đâu.
Những ngày này, tôi thấy có một câu nói đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội: "Nếu bạn không đi ra ngoài được, hãy đi vào bên trong chính mình."
Tôi nghĩ rằng mình không phải là người trẻ duy nhất đang gặp vấn đề trong việc sống chậm lại. Ở những thành phố lớn, có lẽ chúng ta đã quá quen với nhịp sống tất bật và những cú rượt đuổi mang tên "deadlines". Chúng ta nghĩ mình làm chủ công việc, cuộc sống của chính mình. Nhưng cho tới lúc này, thành thực đi, bạn còn tự tin khẳng định điều đó không?
Thật mừng nếu bạn nói "Có". Nhưng nếu mất vài giây, hoặc vài phút chần chừ, có lẽ điều đó cũng chẳng sao cả.
Vì một đồng xu luôn có hai mặt, và những cơn khủng hoảng cũng vậy. Nếu buộc phải chậm lại, hãy cứ nghĩ đây là cơ hội để chúng ta tự đánh giá lại bản thân, và tìm ra những cách thiết thực hơn trong việc tự tìm vui.
1. Đầu tư cho không gian sống của chính mình
Theo nghiên cứu của Hội Tâm lý học Hoa Kỳ: "Không gian sống bao gồm các yếu tố như trang trí, ánh sáng, độ thoáng,... có tác động 60% tới tinh thần, hiệu suất làm việc và khả năng sáng tạo của con người."
Chính vì thế, ngay cả khi đang ở nhà thuê, hay thời gian ở nhà không nhiều, chúng ta cũng nên đầu tư một chút công sức để sắp xếp căn phòng của mình thật gọn gàng, ngăn nắp. Và như Marrilyn Monroe đã nói: "Phòng ngủ của một người có thể nói lên rất nhiều điều về tính cách của họ", đừng để không gian bạn sống chỉ là chỗ để chứa đồ hoặc quá bừa bộn.
2. Có một khoản tiết kiệm
Covid-19 đã dạy cho chúng ta một bài học thấm thía rằng không quan trọng bạn giỏi tới đâu hay đã nỗ lực thế nào, nguy cơ bỗng dưng thất nghiệp vẫn luôn tồn tại bởi những lý do khách quan mà đôi khi, bạn không thể ngờ tới hay kiểm soát được.
Vấn đề thất nghiệp tạm thời sẽ bớt đáng lo, và ít tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần của bạn hơn nếu như bạn có một khoản tiết kiệm đủ để sống cho tới khi tìm được công việc mới.
3. Học một bộ môn hỗ trợ cho đời sống tinh thần
Thiền định và Yoga là 2 bộ môn đã được các nhà tâm lý học khẳng định có tác dụng trong việc giảm căng thẳng, lo âu. Hơn nữa, trong bối cảnh các phòng tập đều đã tạm thời đóng cửa như hiện nay, việc luyện tập một bộ môn có thể thực hành ngay tại nhà và không cần nhiều trang thiết bị hỗ trợ là một giải pháp hữu hiệu.
Các nghiên cứu đã chỉ ra 2 tuần là khoảng thời gian đủ để một thói quen mới được hình thành. Dù cho chúng ta chưa quen với trạng thái cách ly xã hội, ở nhà gần như cả ngày, nhưng hãy coi đây là cơ hội để làm mới cuộc sống và có một quãng nghỉ trước khi bước những bước xa hơn.