Bên trong máu chảy trong huyết quản của chúng ta là những biến thể nhỏ, phân loại mỗi người thành một trong các nhóm máu sau: A+, A-, B+, B-, O+, O-, AB+ và cuối cùng là AB-.
Thông thường, ít người để ý đến những khác biệt này hay thậm chí có người không rõ họ thuộc nhóm máu nào. Chỉ khi họ cần được truyền máu hay tình nguyện hiến máu, họ mới biết bản thân mang nhóm màu gì. Hay một số phụ nữ phát hiện ra lúc họ đang mang thai, cần phải điều trị đặc biệt.
Thực tế, việc biết bản thân thuộc nhóm máu nào rất quan trọng. Chẳng hạn trong trường hợp khẩn cấp, khi bạn cần truyền máu, bạn cần có nhóm máu tương thích. Bởi nhóm không tương thích sẽ khiến các tế bào máu vón cục, gây tử vong. Hay bạn có thể dùng máu của mình để giúp đỡ người khác thông qua việc hiến tình nguyện.
Song theo báo cáo gần đây của CNET, nghiên cứu mới về nhóm máu chỉ ra ý nghĩa quan trọng khác của nhóm máu: Khả năng đánh giá rủi ro đối với một số tình trạng sức khỏe, đặc biệt là bệnh tim. Những khác biệt vô hình trong máu này có thể giúp một số người ngăn chặn các vấn đề về tim mạch.
Ý nghĩa của nhóm máu
Các chữ cái A, B, O đại diện cho các dạng khác nhau của gen ABO, gen này lập trình các tế bào máu của chúng ta một cách khác nhau để hình thành các nhóm máu khác nhau. Ví dụ, nếu bạn có nhóm máu AB, cơ thể bạn được lập trình để tạo ra các kháng nguyên A và B trên các tế bào hồng cầu. Trong khi đó, người có nhóm máu O không tạo ra bất kỳ kháng nguyên nào.
Nhóm máu dương tính (+) hay âm tính (-) dựa trên việc có hoặc không có protein trên các tế bào hồng cầu. Cụ thể, nếu máu của bạn có protein, bạn thuộc nhóm máu (+).
Những người có nhóm máu O- được coi là "những người hiến tặng phổ quát" vì máu của họ không có bất kỳ kháng nguyên hoặc protein nào, nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể chấp nhận nhóm máu này trong trường hợp khẩn cấp.
Nhưng tại sao tồn tại nhiều nhóm máu khác nhau? Theo tiến sĩ Douglas Guggenheim (nhà huyết học của hệ thống y tế Penn Medicine), các nhà nghiên cứu không thể giải nghĩa tường tận, nhưng các yếu tố như việc tổ tiên của người nào đó đến từ đâu và các bệnh nhiễm trùng từng mắc phải đã thúc đẩy các đột biến bảo vệ trong máu. góp phần tạo nên sự đa dạng.
Chẳng hạn, người có nhóm máu O có thể mắc bệnh dịch tả nặng hơn, còn những người nhóm máu A hoặc B có thể dễ gặp các vấn đề về đông máu hơn. Mặc dù máu của chúng ta không thể theo kịp các mối đe dọa sinh học hoặc loại virus khác nhau đang phát triển, chúng có thể phản ánh những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Các nhóm máu có nguy cơ mắc bệnh tim cao nhất
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, những người thuộc nhóm máu A, B hoặc AB có nhiều khả năng bị đau tim hoặc suy tim hơn người có nhóm máu O.
Một nghiên cứu lớn chỉ ra rằng nhóm A hoặc B có nguy cơ đau tim cao hơn 8% và nguy cơ suy tim tăng 10%. Nguy cơ này được đánh giá là thấp nhưng sự khác biệt về tốc độ đông máu thì cao hơn nhiều. Những người trong cùng nghiên cứu với nhóm máu A và B có khả năng phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn 51%, khả năng phát triển thuyên tắc phổi cao hơn 47%. Đây là chứng rối loạn đông máu nghiêm trọng, cũng có thể làm tăng nguy cơ suy tim.
Tiến sĩ Douglas Guggenheim nói thêm lý do khiến nguy cơ này có thể liên quan đến tình trạng viêm xảy ra trong cơ thể của những người thuộc nhóm máu A, B hoặc AB. Các protein có trong máu loại A và loại B có thể gây ra tình trạng "tắc nghẽn" hoặc "dày lên" trong tĩnh mạch và động mạch, dẫn đến tăng nguy cơ đông máu và bệnh tim.
Tiến sĩ cũng cho rằng điều này có thể là lý do cho việc người thuộc nhóm máu O giảm nguy cơ mắc Covid-19 mức độ nghiêm trọng - điều truyền cảm hứng cho nghiên cứu, nhưng chưa có kết luận rõ ràng. Dịch Covid-19 ở mức độ nghiêm trọng có thể gây ra các vấn đề về tim, đông máu và các vấn đề khác về tim mạch.
Một số ảnh hưởng khác của nhóm máu
Dù ít nguy cơ mắc bệnh tim và đông máu hơn, người thuộc nhóm máu O có thể dễ bị xuất huyết hoặc rối loạn chảy máu hơn. Điều này có thể đặc biệt đúng với phụ nữ sau sinh (một nghiên cứu về mất máu sau sinh cho thấy nguy cơ gia tăng ở phụ nữ có nhóm máu O).
Theo Healthline, tình trạng rối loạn chảy máu gây chảy máu bất thường cả bên ngoài và bên trong cơ thể, có thể làm tăng đáng kể lượng máu rời khỏi cơ thể, ảnh hưởng đến việc máu đông lại bình thường. Rối loạn chảy máu có thể đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ, đặc biệt nếu họ không được điều trị nhanh chóng, có thể gây suy nhược, khó thở và chóng mặt.
Ngoài ra, nghiên cứu công bố trên tạp chí Critical Care cho thấy những người có nhóm máu O cũng có thể trở nên tồi tệ hơn sau chấn thương do mất máu nhiều. Nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng những người thuộc nhóm AB có thể có nguy cơ bị suy giảm nhận thức cao hơn người nhóm máu O.
Có nên thay đổi lối sống dựa trên nhóm máu không?
Bên cạnh nhóm máu, các yếu tố lớn như chế độ ăn uống, tập thể dục hay thậm chí mức độ ô nhiễm mà bạn tiếp xúc trong cộng đồng là những nhân tố chính trong việc xác định sức khỏe tim mạch.
Tiến sĩ Guggenheim giải thích rằng đối với những bệnh nhân đang cố gắng duy trì sức khỏe tim và bất kể họ thuộc nhóm máu nào, ông thường khuyên mọi người tuân theo chế độ ăn uống tốt cho tim mạch và giúp giảm viêm nhiễm. "Chế độ ăn uống cân bằng, tốt cho sức khỏe tim mạch là điều mà bất kỳ bác sĩ nào cũng sẽ khuyến nghị và tôi có thể nói rằng ABO không thay đổi điều đó".
Song ông lưu ý thêm rằng những nghiên cứu trong tương lai có thể giúp bác sĩ đưa ra những cách điều trị rõ ràng hơn dựa trên nhóm máu. Lúc ấy, tất cả yếu tố được đặt ngang hàng. Một bệnh nhân có mức cholesterol khỏe mạnh và nhóm máu A có thể được hưởng lợi từ việc dùng aspirin mỗi ngày, trong khi người có tình trạng tương tự nhưng khác nhóm máu lại không cần thiết uống aspirin.
Theo CNET