Ngày 9/6, Thái Lan đã hợp pháp hóa việc trồng và tiêu thụ cần sa trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, chính thức trở thành quốc gia châu Á đầu tiên làm điều này.
Vốn là quốc gia nổi tiếng từ lâu về luật chống ma túy nghiêm ngặt, quyết định của chính phủ Thái Lan được nhiều người ủng hộ hoan nghênh nhưng cũng dấy lên nhiều lo ngại, tranh cãi về những mặt trái của cần sa trong xã hội, đặc biệt là đối với lứa tuổi vị thành niên.
Chính phủ Thái Lan coi cần sa như một loại cây mang lại doanh thu, và mục đích của việc hợp pháp hóa là nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp và du lịch của nước này. Tuy nhiên việc hút cần sa để giải trí tại Thái Lan vẫn được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Người Thái được cảnh báo: Đừng mang cần sa đến những nơi này!
Theo báo Bangkok Post (Thái Lan), mới đây Đại sứ quán nước này tại Hàn Quốc đã cảnh báo những công dân có ý định đến đây rằng Hàn Quốc vẫn cấm cần sa và các sản phẩm từ cần sa, đồng thời những người vi phạm có nguy cơ bị phạt tù, trục xuất và cấm nhập cảnh trong tương lai.
Cụ thể, trong bài đăng trên Facebook hôm 28/6, Đại sứ quán Thái Lan tại Hàn Quốc đưa ra cảnh báo: "Người Thái muốn đến Hàn Quốc du lịch hoặc cư trú không được mang cần sa, cây gai dầu hoặc các sản phẩm có chứa thành phần của những loại cây này vào Hàn Quốc.
Người vi phạm có thể đối mặt với sự trừng phạt của luật pháp Hàn Quốc, cụ thể:
- Người có hành vi buôn lậu cần sa hoặc cây gai dầu tại Hàn Quốc có thể bị phạt tù từ 5 năm trở lên, mức tối đa là tù chung thân.
- Người trồng hoặc bán những loại cây này tại Hàn Quốc có thể bị phạt tù ít nhất một năm.
- Người tàng trữ hoặc sử dụng cần sa, cây gai dầu có thể bị phạt tù lên đến 5 năm và bị trục xuất hoặc bị cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc."
Đại sứ quán Thái Lan tại Hàn Quốc đăng cảnh báo trên Facebook
Trước đó, Đại sứ quán Thái Lan tại một số quốc gia khác cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự.
Chẳng hạn, tại Nhật Bản, người tàng trữ cần sa hoặc các sản phẩm từ cần sa cho mục đích xuất nhập khẩu có thể bị phạt tù lên đến 7 năm; người tàng trữ cần sa hoặc các sản phẩm từ cần sa để bán có thể lên đến 10 năm và/hoặc phạt tiền lên đến 3 triệu Yen Nhật, theo cảnh báo của Đại sứ quán Thái Lan tại Nhật Bản.
Ngày 20/6, Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra cảnh báo trên trang Facebook chính thức rằng: "Các sản phẩm có chứa cần sa và cây gai dầu bị cấm mang vào Việt Nam. Nếu phát hiện vi phạm sẽ bị phạt từ 5 triệu đồng đến 500 triệu đồng và án tù chung thân, hoặc mức án cao nhất là tử hình".
Ngày 21/6, Đại sứ quán Thái Lan tại Indonesia cũng đã phát cảnh báo tương tự, cho biết các hình phạt bao gồm phạt 1 tỷ rupiah Indonesia, phạt tù từ 5 năm đến chung thân, hoặc tử hình.
6 trường hợp gặp "tác dụng không mong muốn"
Trang ThaiPBS dẫn nguồn Đại học Hoàng gia Thái Lan và Hiệp hội Nhi khoa Thái Lan cho biết, mới đây nước này đã ghi nhận thêm 6 trường hợp trẻ vị thành niên mắc các tác dụng không mong muốn do vô tình hoặc cố ý sử dụng cần sa và thực phẩm chứa cần sa.
Trong số đó bao gồm một bé gái 3 tuổi đã ăn một phần của chiếc bánh quy có chứa cần sa của một người họ hàng. Cô bé cảm thấy buồn ngủ và lịm đi, và đã được đưa đi điều trị.
Trường hợp thứ 2 là một bệnh nhân tâm thần 14 tuổi đã không được dùng thuốc trong hai tuần. Cậu bé đã hút một điếu thuốc của bạn để "giảm bớt căng thẳng", mà không biết rằng nó có chứa cần sa. Cậu bé trở nên bối rối, tâm trạng thay đổi và đã được điều trị.
Một thanh niên khác, 17 tuổi, ở tỉnh Phichit đã dùng hoa cần sa và bị ảo giác, trở nên hung hãn và cố gắng tự hại.
Một trường hợp đáng chú ý khác, 16 tuổi, có tiền sử bệnh tâm thần, đã ăn thử sô cô la có chứa cần sa và bị nôn mửa, trở nên lo lắng và bắt đầu bị ảo giác.
Thái Lan: Đồ ăn, đồ uống chứa cần sa không dành cho tất cả mọi người
Trang ThaiPBS cho biết một số nhà cung cấp thực phẩm, nhà hàng đã tận dụng sự nới lỏng của luật pháp và đưa ra thị trường một loạt các sản phẩm mới có chứa cần sa, bao gồm mì ống, bánh quy, cà phê, nước trái cây, v.v.. để phục vụ người tiêu dùng muốn thử nghiệm.
Để bán và phục vụ các sản phẩm thực phẩm và đồ uống có chứa cần sa, các nhà cung cấp thực phẩm và đồ uống phải tuân thủ nhiều quy định, với quy định chính là lượng cần sa trong sản phẩm phải ít hơn 0,2% tetrahydrocannabinol (THC).
Bột cần sa sử dụng trong nấu ăn. Ảnh: Veena Thoopkrajae
Các chuyên gia y tế của Thái Lan đã bày tỏ mối quan ngại về an toàn sức khỏe cộng đồng sau khi có những trường hợp gặp "tác dụng không mong muốn" do sử dụng đồ ăn, đồ uống chứa cần sa.
Tiến sĩ Suwannachai Wattanayingchoroenchai, giám đốc Sở Y tế Thái Lan, cho biết: "Cần sa có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Tiêu thụ quá nhiều cần sa có thể khiến bạn bị bệnh".
Những người gặp phải tác dụng phụ giống như phản ứng quá liều có thể cảm thấy buồn nôn, khô miệng và khát. Nhiều người có thể cảm thấy chóng mặt, nôn mửa, đổ mồ hôi, lo lắng và sợ hãi, ông Suwannachai nói thêm./.